Tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đã làm “nóng” nghị trường kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Nhiều ĐBQH cũng đã chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng này.
Cũng tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân khóa XVIII của tỉnh Thanh Hóa diễn ra ngày 11/7, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ ra những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó khăn, trong đó có nguyên nhân thời gian qua xuất hiện tình trạng một số bộ phận cán bộ công chức có dấu hiệu né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.
Xoay quanh vấn đề này, ngày 19/7 Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
NĐT: Thưa đại biểu, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đã được nêu tại nhiều cuộc họp, gần đây nhất là tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vấn đề này một lần nữa làm “nóng” nghị trường. Nhưng dường như, thực trạng này vẫn còn tồn tại. Vậy, theo đại biểu nguyên nhân vì sao?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Một bộ phận cán bộ không tích cực trong công vụ thời kỳ nào cũng có nhưng gần đây hiện tượng này dường như tăng lên, khiến cho dư luận xã hội và ĐBQH quan tâm.
Theo tôi, tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm gồm 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, do hệ thống pháp luật, các quy định chưa thực sự thống nhất và được kiện toàn. Có những quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc nên trong quá trình thực thi công vụ nếu không cẩn thận sẽ rất vướng, rất dễ dẫn đến sai sót, đây là nguyên nhân khách quan.
Tôi lấy ví dụ: Với Luật Đất đai hiện hành, có những quy định của Luật đang rất vướng, nếu thực thi theo quy định của Luật Đất đai thì đúng nhưng chiếu theo quy định của Luật Đầu tư lại thành sai. Có sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật dẫn đến việc rất dễ sai.
Thứ hai, trong thời gian gần đây, đặc biệt trong nhiệm kỳ này chúng ta đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Như lời của Tổng Bí thư công tác chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm”. Cho nên, nhiều cán bộ lãnh đạo đã vướng vòng lao lý. Vì thế, nên tâm lý sợ sai trong một số đảng viên, một số cán bộ lãnh đạo có vẻ "chùn" lại trong mọi công việc.
Thứ ba, do ý thức công vụ của cán bộ đảng viên, bởi thời gian này là thời điểm phải đối mặt với quá nhiều khó khăn.
NĐT: Như đại biểu nêu có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ né trách nhiệm, trong đó nguyên nhân thứ 3 là do ý thức công vụ. Bà có thể phân tích rõ hơn về những khó khăn, thách thức mà cán bộ phải đối mặt?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Cán bộ khó khăn, thách thức là phải đối mặt với gần 3 năm đại dịch giải quyết hàng loạt công việc chưa từng có tiền lệ, hậu quả của dịch bệnh quá lớn. Những thứ không hề có trong tiền lệ thì yêu cầu con người phải nỗ lực hết sức, phải có sự linh hoạt, sáng tạo và phản ứng rất nhanh trong công việc.
Sau khi khống chế thành công đại dịch thì dư âm ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn rất lớn, cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu… tất cả điều ấy khiến cho nền kinh tế đứng trước nhiều thử thách.
Trong giai đoạn qua, trước những khó khăn, thử thách ấy như “lửa thử vàng”, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, lãnh đạo phải thực sự có năng lực, quyết tâm, ý chí để làm việc vượt qua những thách thức ấy. Chính trong thách thức ấy, lại bộc lộ ý thức công vụ của con người.
Tôi cho rằng, trong 3 năm đại dịch Covid-19 vừa qua là thời gian thử thách rõ nhất đối với đội ngũ công chức, đảng viên, cán bộ, lãnh đạo.
NĐT: Để khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ba không, theo đại biểu chúng ta cần phải làm gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi, đối với nguyên nhân khách quan thì phải khẩn trương rà soát, tiếp tục sửa đổi để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiện nay, Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến sửa đổi rất nhiều các luật quan trọng để gỡ khó như Luật Đất đai….
Nguyên nhân về mặt chủ quan, ý thức công vụ của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo có tâm lý sợ sai, ngại việc… thì cần phải có sự đổi mới thực sự trong đánh giá, xếp loại công chức đảng viên hàng năm. Tránh tình trạng đánh giá xếp loại hàng năm theo tinh thần “dĩ hòa vi quý”, “cào bằng” đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Đây cũng là lúc chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại, có sự đánh giá thực chất hơn, nghiêm túc hơn.
Đã có những quy định mới về đánh giá lãnh đạo như lãnh đạo đã bị xử lý kỷ luật trong năm bất kể hình thức gì thì cũng đều phải xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với điều khoản rất chặt chẽ.
Công tác thi đua khen thưởng và đánh giá cán bộ hàng năm cũng phải làm thực chất, đây là khâu rất quan trọng. Để làm sao đối với những người ngại khó, ngại khổ và ngại việc, chần chừ, không quyết đoán sẽ có sự đánh giá một cách chính xác. Từ đó, công tác sử dụng, sắp xếp và bố trí cán bộ tiếp theo sẽ quyết liệt hơn. Tôi nghĩ rằng, chỉ có như thế thì mới có thể khắc phục được tình trạng này.
NĐT: Cũng có ý kiến cho rằng nếu cán bộ sợ trách nhiệm thì “đứng sang một bên”, suy nghĩ của đại biểu như thế nào về điều này?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Để trông chờ vào ý thức tự giác của mỗi cá nhân thì không dễ dàng, bởi có người không làm được nhưng vẫn kiên quyết không đứng sang một bên.
Do đó, tôi nhấn mạnh khâu đánh giá, xếp loại của người quản lý cán bộ, công chức hàng năm rất quan trọng để không cần phải tự nguyện đứng sang một bên thì tổ chức đã yêu cầu cán bộ đó đứng sang một bên, bố trí công việc khác hoặc cho thôi. Đây là căn cứ quan trọng nhất để xem xét, bố trí cán bộ.
NĐT: Xin cảm ơn đại biểu!.