Vì đâu gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư bị tiêu hủy?

Vì đâu gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư bị tiêu hủy?

Nguyễn Thị Lành

Nguyễn Thị Lành

Thứ 5, 04/05/2017 07:25

Gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn sử dụng rồi bị tiêu hủy, được cho là tốn hàng chục tỷ đồng, trong khi nhiều bệnh nhân nghèo mắc ung thư lại không có thuốc dùng.

Thủ tục rườm rà?

Mới đây, Thanh tra TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo giao sở Y tế TP.HCM kiểm tra làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ lập thủ tục phê duyệt số thuốc viện trợ Tasigna cho bệnh nhân bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Đồng thời, Thanh tra TP.HCM cũng yêu cầu giám đốc bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM phải tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến thiếu sót này.

Chiều 3/5, trao đổi với PV, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM cho biết, bệnh viện là nơi đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình Tasignan co pay vì mục đích nhân đạo. Số thuốc bị tiêu hủy là nguồn thuốc được viện trợ cho chương trình Tasigna co pay, dành cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Trước tình trạng nhiều bệnh nhân nguy kịch về bệnh, có bệnh nhân đã tử vong, ban Giám đốc bệnh viện đàm phán với công ty có thuốc đặc trị bệnh để giúp người bệnh có cơ hội sống sót.

Xã hội - Vì đâu gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư bị tiêu hủy?

 Bệnh viện Truyền máu-Huyết học, nơi nhận thuốc viện trợ Tasigna.

Theo bác sĩ Dũng, qua nhiều lần đàm phán, ngày 27/11/2013, công ty Novartis đã đồng ý viện trợ cho bệnh viện Truyền máu - Huyết học 34.608 viên thuốc Tasigna 200mg dành cho 50 bệnh nhân tham gia chương trình Tasigna co pay. Đây là những bệnh nhân đã bị kháng thuốc Glivec (thế hệ thuốc thứ 1 đặc trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy) và bắt buộc phải chuyển qua sử dụng thuốc Tasigna nếu không sẽ tử vong.

Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục nhập lô thuốc này về Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm đó, thuốc Tasigna 200mg chưa lưu hành ở Việt Nam nên các thủ tục cấp phép kéo dài quá nhiều thời gian, phải mất gần 1 năm bệnh viện mới nhập được thuốc về. Ngày 27/4/2014, 34.608 viên thuốc Tasigna đã cập cảng Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, chi cục Hải quan TP.HCM không đồng ý cho bệnh viện Truyền máu - Huyết học nhận thuốc với lý do hạn sử dụng của thuốc dưới 12 tháng.

Sau nhiều lần làm việc, kiến nghị lên sở Y tế, bộ Y tế và cục Hải quan, đến ngày 13/8/2014, bệnh viện mới được nhận thuốc. Tổng thời gian làm các thủ tục liên quan để nhận thuốc mất 12 tháng. Số lượng thuốc ước tính chi cho 50 bệnh nhân sử dụng trong 12 tháng.

Theo quy định của chương trình, người bệnh nhận thuốc có trách nhiệm đồng chi trả, chứ không phải được cung cấp thuôc miễn phí 100% như các loại thuốc khác. Tức là mỗi năm công ty Novartis chỉ tài trợ 11,5 tháng thuốc và người bệnh phải mua 0,5 tháng còn lại, tức tương đương 42 triệu đồng. Lúc đầu, công ty đề nghị tỉ lệ đồng chi trả 10%, nhưng thực tế số người mắc bệnh đều nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bệnh viện đàm phán nhiều lần thì phía công ty mới đồng ý hạ con số này xuống mức 4% tương đương 42 triệu đồng. Cùng với thời gian chờ đợi nhập thuốc quá lâu, một số bệnh nhân đã tử vong, do vậy cuối cùng chỉ còn 26 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình Tasigna co pay.

Xã hội - Vì đâu gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư bị tiêu hủy? (Hình 2).

 Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu - Huyết học trả lời báo chí về thuốc bị tiêu hủy. (Ảnh: Lành Nguyễn)

Đã cứu sống hàng chục bệnh nhân

Sau khi biết số lượng bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình Tasigna co pay chỉ bằng một nửa so với dự kiến ban đầu, bệnh viện đã chủ động làm việc với công ty tài trợ thuốc, đề nghị mở rộng chương trình cho bệnh nhân ở bệnh viện khác trên cả nước hoặc miễn chi trả cho bệnh nhân để tận dụng hết số thuốc trên mà không gây lãng phí. Thế nhưng, công ty không chấp nhận đề nghị này. Vì thế, 19.997 viên thuốc đặc trị ung thư còn lại đã hết hạn sử dụng và bị tiêu hủy.

Bác sĩ Phù Chí Dũng khẳng định: “Tôi cũng xin nói lại là số tiền mỗi viên thuốc đặc trị ung thư Tasigna thời điểm nhập về chỉ có giá 192.000 đồng nếu nhân lên chỉ hơn 3,8 tỷ đồng. Thế nhưng, kết luận thanh tra tại thời điểm thanh tra, họ lấy giá thuốc thị trường có giá 700.000 đồng/viên, thành ra mới có kết quả gần 14 tỷ đồng.

Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong tiếp nhận và sử dụng lô hàng viện trợ trên. Do lần đầu thực hiện, chúng tôi không lường trước được lô hàng nhập về chỉ có hạn sử dụng 10 tháng dẫn tới phải hủy bỏ một số thuốc ngoài ý muốn do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, chính nhờ nguồn thuốc này, chúng tôi cứu sống được 26 bệnh nhân, lúc đó họ rất nguy kịch và có nguy cơ tử vong. Cũng nhờ chương trình đàm phán thành công mà tới ngày 1/1/2015, bộ Y tế đã phê duyệt thuốc viện trợ dành cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế dành cho thuốc Tasigna”.

Trao đổi với PV, Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, sở Y tế TP.HCM cho biết, việc tiêu hủy thuốc Tasigan là do hết hạn sử dụng. Vụ việc được phát hiện trong đợt thanh tra 4 bệnh viện trên địa bàn thành phố, chương trình thực hiện tiết kệm, chống lãng phí. Đây là do bệnh viện chưa dự trù thuốc khi đăng ký nhận thuốc từ nguồn tài trợ. Hiện sở Y tế đang làm rõ và khi có kết quả chính thức sẽ thông tin tiếp trong vài ngày tới.

Lành Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.