Vì đâu hàng loạt “chiến tướng” rời Sacombank?

Vì đâu hàng loạt “chiến tướng” rời Sacombank?

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 2, 16/10/2017 06:00

Công cuộc tái cấu trúc, cải tổ hệ thống Sacombank mang dấu ấn "chủ soái" Dương Công Minh vẫn chưa đến hồi kết.

Tài chính - Ngân hàng - Vì đâu hàng loạt “chiến tướng” rời Sacombank?

Thay đổi mã chứng khoán là một trong những động thái cải tổ Sacombank của HĐQT.

"Thay máu" lãnh đạo

Ngày 12/10, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã ký quyết định về việc thôi nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Lý Hoài Văn - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối tiền tệ ngân hàng. Nhiệm vụ của ông Văn sẽ chính thức kết thúc từ ngày hôm nay (16/10). Tuy vậy, quyết định nêu rõ: "Ông Lý Hoài Văn hoàn toàn chịu trách nhiệm về phần việc đã giải quyết trong thời gian làm việc tại ngân hàng Sài Gòn Thương Tín".

Được biết, vị Phó Tổng giám đốc Lý Hoài Văn (sinh năm 1979) đã có 9 năm gắn bó với Sacombank từ tháng 2/2008 và 7 năm trên cương vị Phó Tổng Giám đốc.

Gần đây, kể từ khi ông Dương Công Minh chính thức ngồi vào "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT Sacombank, nhà băng top đầu hệ thống này đã tiến hành hàng loạt thay đổi kiến trúc thượng tầng ngân hàng như các quyết sách liên quan đến nhân sự cấp cao, đổi sàn chứng khoán niêm yết, thay đổi tên mã chứng khoán... Phúc lợi nhân viên cũng được chú trọng mang đậm dấu ấn Chủ tịch Dương Công Minh.

Cụ thể, trong vòng hơn 3 tháng sau đại hội đồng cổ đông tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, ban điều hành Sacombank đã có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là các "chiến tướng" đã từng có nhiều năm gắn bó với ngân hàng Phương Nam và Sacombank trước sáp nhập.

Chỉ 3 ngày sau khi ông Minh tiếp quản Sacombank, ngân hàng này đã quyết định thông qua việc từ nhiệm chức Tổng giám đốc của ông Phan Huy Khang theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 3/7, người thay thế là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - từng là Phó TGĐ phụ trách hoạt động xử lý nợ. Bà Diễm được giới thiệu là nhân vật có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh và 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và là một trong số 20 phó Tổng giám đốc của Sacombank từ năm 2014.

Đến cuối tháng 7/2017, HĐQT Sacombank miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Văn Nhân theo nguyện vọng cá nhân từ 28/7/2017.

Một số Phó Tổng giám đốc cũng được điều chuyển nhận nhiệm vụ khác như ông Nguyễn Xuân Vũ (sinh năm 1981) làm thành viên HĐQT, ông Hà Tôn Trung Hạnh - từng là Phó TGGĐ phụ trách mảng quản lý rủi ro chuyển sang làm thành viên ban Kiểm soát, bà Dương Hoàng Quỳnh Như làm Phó Giám đốc vận hành.

Bên cạnh đó, việc hoán đổi vị trí cũng được áp dụng đối với ông Trần Minh Khoa (sinh năm 1974) trước đó là Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khu vực Bắc Trung Bộ giữ chức Trưởng Kiểm toán nội bộ kể từ ngày 15/9/2017. Cùng ngày, ông Lê Đức Thịnh trước đó là trưởng Kiểm toán nội bộ, được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc.

Sacombank cũng tuyển dụng và bổ nhiệm bà Nguyễn Ngọc Quế Chi giữ chức Phó Tổng giám đốc của ngân hàng này kể từ 5/9/2017. Ngân hàng này cũng "thay máu" hàng loạt lãnh đạo cấp cao tại Sacombank Lào, Campuchia và công ty Kiều hối Sacombank (SBR).

Đổi vận Sao Thái Bạch

Mới đây Sacombank cũng bất ngờ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB sang SCM và hủy niêm yết 1,88 tỷ cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) để chuyển sang sàn Hà Nội (HNX). Động thái trên được cho là khá bất ngờ đối với các cổ đông Sacombank khi đi ngược dòng với thông thường. Sàn HoSE luôn được đánh giá là có mức độ minh bạch cao và tốt hơn, khối lượng giao dịch đều lớn hơn HNX nên động thái này sẽ khiến các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ có nên đầu tư vào STB nữa hay không.

Trả lời báo chí về lý do thay đổi tên mã chứng khoán sau 11 năm trên sàn, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho hay, mã chứng khoán STB hiện nay có hai vấn đề. Một là về mặt phong thủy, người ta nói STB có nghĩa là "Sao Thái Bạch". Theo phong thủy đây là sao rất xấu, gắn liền với câu "Thái Bạch quét sạch cửa nhà". Bị sao này chiếu sẽ gặp hạn về sức khỏe, làm thua lỗ… Do vậy, để thoát khỏi quan niệm này Sacombank đổi mã chứng khoán. Chưa kể mã STB này cũng gần với mã SBT của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, do vậy cũng dễ gây nhầm lẫn.

Yêu cầu đặt ra là phải đổi mã chứng khoán. Nhưng chọn lựa mã chứng khoán mới không đơn giản vì không được trùng với mã chứng khoán đã có trên sàn và phải lấy các yếu tố chữ cái trong thương hiệu Sacombank. “Chúng tôi đã cân nhắc trên nhiều yếu tố và quyết định chọn mã SCM với ý nghĩa là "Sacombank - Công khai - Minh bạch" vì hội đủ yếu tố là không trùng với mã chứng khoán khác, lấy từ thương hiệu Sacombank và không bị "dịch" ra nghĩa xấu” – ông Minh chia sẻ. 

Tuy vậy, trước khi Sacombank được cổ đông chấp thuận để thoát khỏi vận hạn Sao Thái Bạch, cổ phiếu ngân hàng đã có đợt giảm sâu 3 phiên liên tiếp phản ánh sự bất ngờ của cổ đông. Chốt phiên giao dịch ngày 13/10, cổ phiếu STB tiếp tục giảm về mức 11.500 đồng/CP.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.