Vì đâu hàng ngàn đại lý, doanh nghiệp ô tô bị khai tử?

Vì đâu hàng ngàn đại lý, doanh nghiệp ô tô bị khai tử?

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 4, 03/01/2018 13:50

Từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ thị trường ASEAN ở 30% về 0%. Trong khi hàng loạt đại lý, cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh ô tô, đặc biệt là ô tô cũ nhập khẩu đóng cửa phải trả mặt bằng thì nhiều ông lớn từ nước ngoài lại đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Điều này có nghịch lý?

Bỗng dưng “biến mất”

Tâm lý chờ đến ngày 1/1/2018, khi thuế suất nhập khẩu ô tô ở khu vực ASEAN giảm còn 0% chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu về TP.HCM giảm mạnh trong năm qua. Theo đó, lượng xe ô tô nhập khẩu (loại dưới 9 chỗ ngồi) qua các cửa khẩu hải quan giảm mạnh, đặc biệt là từ tháng 9/2017 đến nay.

Một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Kim ngạch nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ tháng 9 đến hết tháng 11/2017 chỉ đạt trên 48 triệu USD, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm 2016 (trên 82 triệu USD)”.

Thực tế, các doanh nghiệp vốn nhập khẩu nhiều ô tô cũng giảm mạnh. Điển hình công ty TNHH lắp ráp ô tô T.H., trong năm 2016 đã nộp ngân sách Nhà nước tại cục Hải quan TP.HCM với số tiền hơn 1.500 tỷ đồng thì trong 11 tháng năm 2017 chỉ nộp gần 490 tỷ đồng, giảm trên 1.000 tỷ đồng.

Theo thông tin PV có được, năm 2017, lượng xe dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam đạt gần 36.000 chiếc. Mức giá bình quân mỗi ô tô nhập nguyên chiếc là 23.200 USD (khoảng 526 triệu đồng/chiếc). Trong đó, xe từ thị trường Ấn Độ có giá thấp nhất khoảng 136 triệu đồng/chiếc.

Lượng xe nhập khẩu giảm mạnh cũng tỉ lệ thuận với tình trạng hàng loạt cửa hàng, đại lý, doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng. Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, nhiều showroom ô tô tại TP.HCM đã “biến mất”. Thay vào đó là các cửa hàng, siêu thị điện thoại mọc lên, đặc biệt là tại khu vực trung tâm TP. Điển hình, showroom ô tô K.T. trên đường 3/2 (quận 11) đã đóng cửa, thay vào đó là một siêu thị điện thoại di động.

Tiêu dùng & Dư luận - Vì đâu hàng ngàn đại lý,  doanh nghiệp ô tô bị khai tử?

Đường Võ Văn Kiệt (quận 6, Bình Tân và huyện Bình Chánh)... các showroom ô tô mọc lên như "nấm sau mưa".

Tương tự, salon ô tô M.T. từng tồn tại khá nhiều năm trên đường An Dương Vương (quận 5) cũng đã đóng cửa, trả mặt bằng. Hiện, địa điểm này đang dán bảng cho thuê. Bên cạnh đó, hàng loạt điểm khác từ nội đến khu vực ngoại thành, các salon, showroom, đại lý vốn kinh doanh ô tô đã đóng cửa, chính thức rút khỏi thị trường một cách âm thầm.

“Xe mới họ giảm cả trăm triệu đồng/chiếc, trong khi xe mới 1 – 2 năm nhập khẩu giảm giá 50 triệu là có nguy cơ lỗ vốn. Trong khi đó phải tính tới hàng loạt thuế phí, lương nhân viên, mặt bằng... Nhất là ở khu vực trung tâm, giá thuê mặt bằng tăng chóng mặt, không thể trụ nổi nên chúng tôi đành đóng cửa”, ông Trần Văn Hồng, chủ một salon ô tô ở quận 11 cho biết.

Nguyên nhân được chính các đại lý cho là do thuế xe nhập khẩu bằng 0% từ thị trường ASEAN và việc tăng mạnh thuế nhập khẩu xe đã qua sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Nông, Giám đốc một showroom vừa đóng cửa, trả mặt bằng tại quận 5 chia sẻ: “Thị trường xe nhập khẩu đã qua sử dụng lay lắt trong thời gian dài cho đến thời điểm 1/1/2018. Việc tăng thuế xe nhập khẩu đã qua sử dụng cũng như giảm thuế xe nhập khẩu về mức 0% từ khu vực ASEAN là cú đấm chí tử khiến các đại lý nhập khẩu ô tô cũ không thể tồn tại”.

Chết vì chưa chuyên nghiệp

Báo cáo bán hàng tháng 11/2017 của hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 11/2017, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.752 xe, tăng 13% so với tháng 10/2017 và giảm 13% so với tháng 11/2016. Trong đó, có 12.774 xe du lịch, 10.513 xe thương mại và 1.465 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 6%, xe thương mại tăng 15% và xe chuyên dụng tăng 65% so với tháng trước.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phân khúc thị trường xe ô tô cũ nhập khẩu đã qua thời làm ăn được. “Điều này có thể dễ dàng phân tích trong xu hướng nhu cầu sử dụng ô tô giảm mạnh thời gian qua. Để kích cầu, các hãng phải đua nhau giảm giá, đặc biệt là các dòng xe vừa túi tiền. Chưa bao giờ thị trường ô tô chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Tôi lấy ví dụ, trong tay người dân có chừng 500 – 600 triệu đồng là sẽ phân vân chọn mẫu xe nào, loại 4 hay 7 chỗ, xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước”, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Hùng phân tích.

“Điều này cũng phản ánh thực tế rằng, hàng trăm thậm chí hàng ngàn cửa hàng, đại lý, doanh nghiệp đóng cửa thì cũng có nhiều doanh nghiệp, thương hiệu ô tô lớn trên thế giới thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Nhìn vào bối cảnh này nhiều người cho rằng đó là nghịch lý nhưng nó hoàn toàn hợp lý, đồng thời phản ánh quy luật tất yếu của thị trường. Nghĩa là các đại lý, doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức cạnh tranh, vốn kinh doanh một công đoạn nào đó sẽ phải nhường sân cho các ông lớn, có đầy đủ hệ thống bán hàng, bảo hành, dịch vụ hậu mãi, cung cấp phụ tùng... theo hướng chuyên nghiệp”, chuyên gia này phân tích thêm.

Tiêu dùng & Dư luận - Vì đâu hàng ngàn đại lý,  doanh nghiệp ô tô bị khai tử? (Hình 2).

Lượng ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới.

Thực tế, các địa điểm như đường Cộng Hòa, Trường Chinh (quận Tân Bình, Tân Phú), xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức, 9, 2), đặc biệt là đường Võ Văn Kiệt (quận 6, Bình Tân và Bình Chánh)... các showroom ô tô mọc lên như nấm sau mưa. Đây đều là thương hiệu ô tô lớn trên thế giới, gom mặt bằng đủ rộng để bố trí khu vực trưng bày, bán hàng, hậu mãi...

Một cán bộ cục Thống kê TP.HCM thông tin: “Tính đến tháng 10/2017, tại TP.HCM đã có trên 2.700 doanh nghiệp giải thể, gần 5.200 doanh nghiệp ngưng hoạt động và trên 500 doanh nghiệp chuyển đi địa phương khác. Trong số này có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô”.

Bà Lê Thị Thu Hải, cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho hay: “Trong năm 2017 có trên 8.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đối với ngành nghề ô tô, xe máy, chiếm gần 40% tổng số lĩnh vực hoạt động. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ô tô, xe máy tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong năm 2017 cao ngất ngưởng với 16.211 đơn vị, chiếm 41,7% tổng số lĩnh vực hoạt động”.

Đó là chưa kể, trên 4.600 doanh nghiệp ô tô, xe máy đã hoàn tất giải thể trong năm 2017, chiếm 38%. Như vậy, nếu tính chung cả 3 loại hình nói trên thì lĩnh vực ô tô, xe máy có tới gần 30.000 doanh nghiệp đã và đang chết. Đây cũng là nhóm ngành nghề dẫn đầu trong các nhóm ngành nghề có lượng doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động, không đăng ký.

Bất ngờ tăng trong tháng 12

Cũng trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Dù trong tháng 11/2017, lượng xe nhập khẩu về qua các cảng tại TP.HCM giảm mạnh nhưng trong tháng 12, con số này bất ngờ tăng. Ví như tại cửa khẩu cảng Hiệp Phước tăng gấp 3 lần so với tháng trước, với hơn 1.600 xe ô tô các loại dưới 9 chỗ ngồi đã về cảng, đang làm thủ tục hải quan. Hay tại cảng VICT, một doanh nghiệp cũng đã nhập 400 xe Audi (đã về cảng 255 chiếc) cùng với nhiều xe Mazda khác”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.