Liên tiếp trong thời gian gần đây, những vụ việc chống người thi hành công vụ trên toàn quốc có chiều hướng phức tạp hơn. Vụ việc nữ tài xế taxi đâm 3 cảnh sát bị thương ở Hà Đông ngày 17/7 vừa qua, một lần nữa trở thành đề tài “nóng” trong dư luận. Phần lớn ý kiến đề cập đến thái độ ứng xử giữa chiến sỹ công an với nhân dân và giữa người dân với lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ.
Vụ việc nữ tài xế taxi đâm liên tiếp cảnh sát một lần nữa khiến người khác phải suy nghĩ
“Liễu yếu đào tơ” tấn công cảnh sát
Quay lại sự việc nữ tài xế taxi Nguyễn Thị Xiêm (sinh năm 1985), Chương Mỹ, Hà Nội sau khi lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý lỗi đi sai làn đường, nhưng nữ tài xế này lại không chấp hành mà rồ ga phóng thẳng khiến 3 cảnh sát bị thương. Sự việc nữ tài xế “tấn công” lực lượng cảnh sát, khiến nhiều người phải thốt lên rằng mức độ hung hãn, côn đồ ngày càng gia tăng, ngay cả những đối tượng nữ “liễu yếu đào tơ” cũng chống người thi hành công vụ. Một người được khen gợi là chăm chỉ, hiền lành như Xiêm cũng có thể gây án bất thình lình.
Tại Cơ quan công an, giải thích cho việc rồ ga chạy trốn, đâm bị thương 3 cảnh sát, nữ tài xế taxi lý giải là do vội về đón con (nhưng thực chất Xiêm sợ bị bắt sẽ không có tiền nộp phạt - PV). Lý do mà Xiêm đưa ra có vẻ nhận được sự thông cảm từ nhiều người, khi họ biết rằng hoàn cảnh gia đình của nữ tài xế này cũng thật đáng thương. Xiêm là lao động chính trong gia đình có 3 người con và một người chồng thất nghiệp. Một mình nuôi cả gia đình, Xiêm hàng ngày phải vật lộn với cảnh “cơm áo, gạo tiền”. Mỗi ngày đi làm, Xiêm chỉ lo không kiếm đủ tiền lệnh (tiền cước thuê xe hàng ngày). Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bản tính là người hiền lành, chăm chỉ… Nhưng dẫu sao hành động rồ ga bỏ chạy của Xiêm khi đã có hiệu lệnh dừng xe cũng không thể bao biện và đáng lên án.
Khi được hỏi, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga cho rằng, với những người phụ nữ, khi bị xung đột cảm xúc họ có thể gây họa trong một phút mất kiểm soát trạng thái. Chứ không nên quy chụp những người phụ nữ chống người thi hành công vụ là do bản tính côn đồ.
Tuy nhiên, trường hợp của Xiêm không phải là cá biệt. Đã có không ít vụ chống người thi hành công vụ, đối tượng gây án không phải là những “quái xế”, côn đồ… mà ngay cả nữ sinh cũng có hành động bất tuân pháp luật. Nhớ lại vụ việc ngày 7/5, tại nút ngã ba Trương Định - Giải Phóng (Hà Nội), hai sinh viên đèo nhau trên xe máy không đội mũ bảo hiểm đã cố tình bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của lực lượng cảnh sát giao thông. Thay vì chấp hành, nữ sinh viên Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh năm 1990, trường Đại học Thăng Long) đã thẳng tay đấm vào mặt trung sĩ cảnh sát khiến vùng miệng bị chảy máu.
Cách đó không lâu, vụ cô gái dùng tay tát CSGT để bênh mẹ và bạn trai khi bị xử lý vi phạm luật Giao thông cũng gây xôn xao dư luận. Phạm Thị Mỹ Linh bị Công an quận 12, TP.HCM khởi tố vì hành vi chống người thi hành công vụ vào ngày 2/7. Mẹ Linh đi xe máy phạm lỗi chở quá người quy định, không xuất trình giấy phép lái xe nhưng không đồng ý với biện pháp xử phạt của lực lượng CSGT. Linh xông vào xô đẩy và tát CSGT. Chứng kiến hành vi đó, người đi đường đã ghi hình lại và đưa lên mạng Internet như một lời cảnh báo về sự hung hãn chống người thi hành nhiệm vụ.
Lý giải cho việc vì sao nhiều vụ chống người thi hành công vụ lại do nữ giới gây ra, Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ, đường sắt nhận định: “Tội phạm chống người thi hành công vụ đang diễn ra phức tạp, nhưng phần lớn các vụ việc này mới bị xử phạt hành chính. Đây chính là nguyên nhân mà bọn côn đồ coi thường pháp luật, cố tình tấn công người thi hành công vụ. Khi những vụ vi phạm không được xử lý nghiêm thì dẫu đối tượng là nam giới hay nữ giới đều “nhờn” luật và có thể gây án”.
Cảnh sát giao thông cần xem lại mình
Dư luận nói chung lên án mạnh mẽ những kẻ côn đồ coi thường pháp luật và phải bị xử lý nghiêm minh để bảo vệ kỷ cương phép nước.Tuy nhiên, nhiều độc giả nêu ý kiến “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, một phần nguyên nhân của tình trạng chống người thi hành công vụ xuất phát từ chính những người có trách nhiệm thực thi công vụ.
Trên các diễn đàn autopro, otofun… đề tài chống người thi hành công vụ được đưa ra “mổ xẻ” và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phan Huyền Trang (Đại học Luật) chia sẻ: “Hành vi người cảnh sát phải núp núp, ló ló sau bốt điện, gốc cây (vị trí khuất tầm nhìn - PV)… là hành động yếu hèn về tư tưởng. CSGT chỉ chăm chăm phạt người ta để lấy thành tích, đủ mức “khoán” mà không nghĩ rằng sự xuất hiện của mình là có thể ngăn chặn được vi phạm giao thông, tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nói như vậy, để thấy lực lượng CSGT không thể chỉ đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông còn kém. Ở những nước văn minh, người ta còn làm những hình nộm cảnh sát đặt trên xa lộ để làm gì?. Người ta chỉ muốn là giảm thiểu tai nạn chứ không muốn thu tiền phạt của người vi phạm”.
Trên một diễn đàn khác, độc giả Ngô Huy đưa ra tình huống: “ Cách đây ít ngày, đi trên đuờng Hoàng Quốc Việt gần Học viện kỹ thuật quân sự, ở vỉa hè có mấy anh CSGT đứng gốc cây chờ những sinh viên của truờng ĐH Điện lực hoặc nguời dân ở ngõ 234 đuờng Hoàng Quốc Việt đi nguợc chiều một đoạn đuờng khoảng 15m để sang đuờng. Khi bắt các chủ phuơng tiện dừng xe, các anh CSGT giằng lấy xe của chủ phuơng tiện, lấy chìa khóa và yêu cầu cho lên vỉa hè nơi có 2-3 anh CSGT sẽ xử lý việc vi phạm. Có một chị do bị bất ngơ vì có người lao ra từ vỉa he ra nên đã bị ngã sõng soài. Còn nói đến việc chấp hành điều lệnh công an nhân dân thì tôi không hề thấy. Đành rằng những nguời vi phạm luật sẽ bị xử phạt. Nhưng cách hành động của CSGT như vậy dễ tạo sự phản cảm. Bởi vô hình trung, họ đã gây tâm lý sợ hãi cho nguời dân”.
Từ thực tế trên, khi được hỏi, các chuyên gia đều có nhận định, một phần lỗi gây ra các vụ chống người thi hành công vụ bắt nguồn từ thái độ ứng xử chưa đúng điều lệnh, chưa chuẩn mực của CSGT… “Thực tế, có không ít cán bộ trong lúc thi hành công vụ tỏ thái độ hết sức hách dịch, cửa quyền. Gặp người dân vi phạm họ quát nạt, la mắng, thậm chí là văng tục rất thậm tệ. Có lẽ, chính thái độ này của các “đầy tớ” đã làm bùng phát những phản ứng tiêu cực từ người dân”, ông Nguyễn Văn Điện (cán bộ hưu trí) nêu ý kiến.
Tuy nhiên, các trường hợp CSGT có những hành vi cư xử không đúng mực trong thi hành công vụ nêu trên cũng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm méo hình ảnh người công an vốn rất được trân trọng xưa nay. Mặt khác, cũng do sự tiếp xúc quá thường xuyên giữa cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông mỗi ngày cũng là nguyên nhân làm nảy sinh va chạm, xung đột. Nhưng nếu mọi sự va chạm đều được giải quyết trong khuôn khổ pháp luật thì chắc chắn những vụ việc đáng tiếc sẽ không bao giờ xảy ra. Trong khi chất lượng đội ngũ cảnh sát đang từng bước được cải thiện thì mỗi người dân cũng nên tự nâng cao ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông để giúp lực lượng chức năng hoàn thành tốt công viêc.
Cảnh sát giao thông tát tài xế Mới đây trên các trang mạng cũng xuất hiện một cip khiến nhiều người bức xúc. Theo hình ảnh trong clip, một cán bộ cảnh sát đeo quân hàm thiếu tá đã túm cổ, đẩy và dùng dùi cui đánh thẳng vào đầu tài xế lái xe tải. sau đó, cảnh sát này kéo tài xế về phía xe máy của mình rồi chỉ vào ống xả bị móp. Người quay clip trên chia sẻ, 11h ngày 10/6/2012, khi anh đi đến ngã tư Trần Hưng Đạo (T.P Ninh Bình) thì thấy cảnh sát ra lệnh dừng ô tô chở gỗ để kiểm tra. Khi xe tải đánh lái sang phải để đưa xe vào lề đường thì quệt nhẹ vào đuôi xe máy của cảnh sát giao thông. Sau đó đã xảy ra vụ xô xát trên. Vụ việc này, sau đó đã được Công an tỉnh Ninh Bình vào cuộc điều tra xử lý |
Ngân Giang – Hoàng Mai