10 năm sau – tức là bây giờ, tôi cố nuôi mái tóc cho dài, nhuộm lại thành màu đen, mơ ước có thời gian để đạp xe đạp lòng vòng lượn phố và đôi khi bỏ việc để có cảm giác mình vẫn đủ trẻ để có thể thất nghiệp mà chưa vội lo lắng.
Như vậy, hình như mơ ước là cái gì đó luẩn quẩn? Khi có ta sở hữu cái gì đó trong tay thì ta ít khi ngắm nghía, trân trọng nó. Lúc đó, ta còn mải mơ ước về một cái xa vời, chả cần biết có thực sự hay và hơn cái mình sở hữu hay không, miễn là phải khác với cái mình đã có. Để rồi, khi ta nhận ra cái mình thực sự cần lại chính là cái mà mình đã buông tay cho rơi mất để với lấy cái xa vời không thực sự dành cho mình thì ta lại lụi cụi kiếm tìm.
Tôi nói thế, không phải để em hiểu rằng em hãy cứ khư khư giữ rịt lấy hiện tại mà chẳng dám thay đổi tí nào vì sợ mất, sợ lại phải đi tìm. Ý tôi là, em hãy ước mơ đi, hãy hay đổi đi! Đừng sợ! Ngay cả khi em phải mất rất nhiều công sức để ước mơ, để thay đổi xong lại để cặm cụi quay trở lại con đường mình đã qua thì cũng nên làm thế lắm! Vì khi đó, em sẽ thấy yêu hơn, trân trọng hơn chính tài sản dù là ít ỏi của mình!
Vì em tôi 9x, nên tôi sẽ nói với em về mục đích cuộc đời
Thỉnh thoảng, em nói với tôi: “Thế rốt cuộc mục đích cuộc sống của em là gì nhỉ?”. Em nghĩ là tôi sẽ hùng hổ, khoát tay: “Trở thành nữ thủ tướng!”, “làm tỉ phú đứng trong hàng top ten thế giới”, “đẹp như Marilyn Monroe” hay “bay lên mặt trăng bằng cánh”? Không phải thế! Tôi muốn em thử nhớ lại những cảm giác này:
Ví dụ như khi em rảnh rỗi, ngồi lần giở lại những bộ đồ sơ sinh của chính mình ngày bé và tưởng tượng ra mình đã được sinh ra và lớn lên như thế nào.
Ví dụ như khi em đang ốm dài rạc, nằm bẹp trên giường, đầu nhức binh binh, nước mắt dàn dụa, toàn thân đau ê ẩm, miệng không nuốt nổi một miếng thức ăn; bỗng sau một đêm, em tỉnh dậy khoan khoái thấy mình khỏi ốm, thèm ăn một tô phở nóng và thấy mình đủ khỏe để nhấc bổng cả trái đất lên.
Ví dụ như khi em chia tay một người bạn trai thân thiết lên đường đi tìm kiếm tương lai sáng lạn.
Ví dụ như khi con vẹt cưng của em bị mèo vồ chết. Em có xúc động không? Em có vui mừng không? Em có hụt hẫng không? Em có buồn không?
Đó, theo tôi, chính là mục đích cuộc sống đấy em ạ! Đối với tôi, cuộc sống có mục đích chính là làm cho những thực thể tồn tại trong nó được khẳng định sự-tồn-tại-có-ý-nghĩa của mình mà không cần bàn về việc ý nghĩa đó vĩ đại hay nhỏ bé! Việc ý nghĩa em mang lại cho cuộc sống lớn hay nhỏ phụ thuộc vào vị trí mà cuộc sống đặt em vào, chỉ cần em làm tốt nhất cái ý nghĩa của vị trí hiện tại là đủ.
Cụ thể nhé, nếu em chỉ là một người lao công, hãy quét sạch bong con đường mà em đang phụ trách thay vì quấy quá khua chổi bụi mù cả đoạn đường lúc tan tầm để gọi là có quét; nếu em là một y tá, hãy dịu dàng an ủi người bệnh một chút trước khi nhẹ nhàng tiêm lên tay họ thay vì cau có cắm phập mũi tiêm vào họ như một tên đồ tể chọc tiết con lợn; nếu em là một cô nuôi dạy trẻ, em đừng vụt đen đét vào mông bọn trẻ để tống chúng lên giường ngủ trưa thay vì hát ru chúng ngủ. Đó, đại để như thế! Khi em vắng mặt, nếu mọi người đều nhận ra khoảng trống ở chỗ của em, ấy là khi em đang một mục đích cuộc sống tốt đẹp rồi đó!
Vì em tôi 9x, nên tôi sẽ nói với em về tiền
Nhiều người nói: “Tiền đi liền với bạc”, “lạnh như tiền”, “tiền là tệ”… Tôi thấy thật oan uổng quá! Theo tôi, em ạ, tôi thấy thế này:
Tiền rất thủy chung, đặc biệt là những đồng tiền tiết kiệm. Chúng không bao giờ phụ ta khi ta lâm vào cảnh khốn khó, khi bạn bè ta vin cớ túng thiếu để khỏi phải xỉa tiền ra cho ta vay lúc ta nhẵn túi.
Tiền rất tốt đẹp, vì nó giúp ta mang lại những thứ tốt đẹp cho cuộc sống của ta và những người quanh ta như: quần áo đẹp, trang sức quý, đồ ăn ngon, nhà cửa sang trọng, xe cộ hiện đại, hoa thơm cỏ lạ, những cuốn sách hay, những cơ hội ngao du học hỏi.
Tiền rất công bằng vì nó xuất hiện tương ứng với giá trị mà người sở hữu nó bỏ ra vì nó. Ở nước mình nghe đồn có cả một vùng quê có những người dân chuyên “đóng cửa đi ăn mày thiên hạ” rồi lại mang tiền về xây hẳn nhà lầu. Tôi nghĩ, có bao nhiều người dám ngồi vạ vật đầu đường xó chợ, “lạy ông đi qua lạy bà đi lại”, nhận được một đồng tiền lẻ thì nhận tới ba câu nói hay ánh mắt dè bỉu khinh mạn hay thương hại của người đời! Đấy, ai chứ tôi thì chịu! Vậy là họ chịu khổ hơn ta rồi! Vậy họ kiếm đủ tiền để xây nhà lầu chứ xây cả lâu đài cũng đáng!
Ấy ấy, đừng vội làm theo!
Tôi chỉ muốn em đừng vội nghĩ rằng những người nhiều tiền chắc chắn là những kẻ không tốt, tham lam, giảo hoạt, độc ác hay gì đó tương tự như vậy! Cũng đừng vội bỏ lòng thương ra biếu tặng những người ít tiền! Chỉ có con người lợi dụng đồng tiền để làm việc xấu rồi khoác tiếng xấu cho tiền chứ không có đồng tiền nào xấu cả! Vậy em hãy bỏ ra thật nhiều tâm huyết và công sức, trí lực và quyết tâm để nhận lại thật nhiều tiền! Và đừng quên học cách tiêu tiền sao cho xứng đáng với tâm huyết và công sức ấy nhé!
Vì em tôi 9x, nên tôi nói với em về ngôn từ.
Gần đây, tôi xem, đọc và nghe nhiều về “ngôn ngữ 9x”. Không chỉ “hic hic, ặc ặc, ke ke” đâu nhé! Mà còn là vô thiên lủng những biến dạng khủng khiếp mà nếu em dùng ngôn ngữ đó để viết thư cho mẹ thì chắc mẹ sẽ mang ra công ty dịch thuật thuê dịch với giá biên dịch tiếng nước ngoài.
Tỉ dụ như thế này: “D4.o n4y` bun`,th4^y' co^ do*n,l4.c lo~ng ,o^y`,seo hok 4j qu4n t4^m to*i' mjnh` za^.y ka`.U*o*c' j`...chj? l4` u*o*c' j`....g4^n` d4^y mjnh` th3m`ngu*o*j` doa' tro*? v3^`....de^? mjnh` khoc'....khoc' cho da~....Nho*' ngu*o*j` qu4'....”. Tôi tin rằng em sẽ chẳng bao giờ viết thư khủng bố kiểu đó đâu, vì trên tường nhà mình còn treo đầy những giải thưởng viết thư quốc tế, những bài dự thi viết về văn hóa của em cơ mà! Nhưng mà này, đôi khi, giá mà em bớt “nghiêm chỉnh” đi một chút, bớt già dặn đi một chút, để tôi được thấy em gái mình 9x hơn một chút nữa thôi, hic hic ặc ặc ke ke…
Khuya rồi! Mắt tôi díp lại và tay tôi rỡ rầm từng từ trên bàn phím! Chỉ có em vẫn còn lóc cóc lạch cạch loạt xoạt giở sách, nghe đĩa, tra từ điển!
Em gái 9x ơi, giữ gìn nhan sắc cũng là một nhiệm vụ khi người ta là 9x đấy!
Vũ Minh Châu
Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng! |