Từ cổ chí kim, phụ nữ một khi đã chịu kiếp chồng chung thì không thể tránh khỏi việc ghen ghét, đố kỵ. Nhẹ thì “đấu võ mồm”, nặng thì tìm đủ chiêu trò hạ bệ, hãm hại, thậm chí lấy mạng tình địch. Với thường dân đã vậy thì chuyện đánh ghen trong hậu cung 3000 giai lệ hẳn không phải chuyện đùa. Vậy nhưng, có một vị hoàng hậu lại sử dụng đòn ghen vô cùng văn minh mà ít người ngờ tới. Nhân vật được nhắc đến chính là Viên Tề Quy hay còn được gọi là Viên Hoàng hậu.
Sử sách không có nhiều ghi chép về lai lịch cũng như tuổi thơ của hoàng hậu họ Viên, chỉ biết rằng bà sinh ra trong một gia đình quan lại thời Nam Bắc Triều. Phụ thân là Viên Đam, mẫu thân là Vương Thị. Cha của bà vốn là bạn thân với Hoàng đế thời ấy là Lưu Tông Vũ Đế. Thấy nhà họ Viên có cô con gái xinh đẹp nên vua quyết định hứa hôn cho con trai là Hoàng tử Lưu Nghĩa Long.
Sau này khi Lưu Nghĩa Long tiếp quản ngai vàng, lấy hiệu là Lưu Tông Văn Đế thì Viên Tề Quy chính thức trở thành người đứng đầu tam cung lục viện. Tuy chỉ là cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng bà được chồng yêu thương hết mực. Sau này Viên Tề Quy hạ sinh cho chồng được 2 con, 1 trai 1 gái. Con trai Lưu Thiệu là thái tử nên vị thế của bà càng được củng cố.
Được chồng yêu thương chiều chuộng, con cái đủ nếp đủ tẻ, cứ ngỡ Viên Hoàng hậu sẽ có một cuộc sống an yên, cả đời hưởng vinh hoa phú quý song sóng gió ập đến khi có sự xuất hiện của “người thứ 3”. Đó chính là Phan Thục phi.
Vị phi tần này rất tâm cơ nhưng là người có tài ăn nói lại trẻ trung xinh đẹp nên khiến vua “say như điếu đổ”. Trước mặt đế vương thì Thục phi buông lời ngon ngọt sau lưng thì tìm mọi cách châm chọc Viên Hoàng hậu vì nghĩ nàng hiền lành. Thục phi còn đi khắp hậu cung khoe khoang về tình yêu và sự sủng ái mà vua dành cho mình, thậm chí nói sẽ có ngày leo lên vị trí mẫu nghi thiên hạ.
Có lần, Thục phi mạnh miệng tuyên bố mình muốn gì thì sẽ được nấy, hoàng thượng sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của cô, kể cả việc phải chi ra số tiền lớn. Nghe vậy, Viên Hoàng hậu vô cùng tức giận bởi bà biết phu quân là người tiết kiệm, dùng tiền vào việc gì cũng xem xét kỹ lưỡng chứ chưa bao giờ tỏ ra hào phóng. Dù là hoàng hậu những mỗi lần bà cũng chỉ được ban thưởng tối đa 3 vạn đồng thì hà cớ gì một phi tần lại có thể muốn bao nhiêu cũng được.
Để giải tỏa ngờ vực, Viên Hoàng hậu quyết định dùng tiền để thử lòng chồng. Bà sai người mượn danh Phan Thục phi ngỏ ý muốn Lưu Tông Văn Đế cho 30 vạn đồng, gấp 10 lần số tiền vua thường ban cho hoàng hậu. Ai ngờ, hoàng đế không lăn tăn, sẵn sàng đưa ngay 30 vạn đồng không thiếu một xu. Nhìn số tiền được mang tới, Viên Hoàng hậu “chết đứng”, uất nghẹn không nói nên lời.
Với nhiều người, khi phát hiện chồng chiều chuộng “tiểu tam” hơn chính thất thì sẽ làm mọi cách để hả giận như hành hạ, đánh đập, hãm hại tình địch… thì Viên Hoàng hậu lại có cách đánh ghen văn minh nhưng có phần cố chấp đó là kiên quyết không mở lời với hoàng thượng.
Để hả cơn giận, bà cho người báo với chồng rằng đang bệnh nặng, không muốn gặp ai, cũng không muốn nói chuyện. Bà tìm mọi cách tránh gặp mặt hoàng đế. Trong khi đó Lưu Tông Văn Đế vẫn còn yêu vợ. Ông nhiều lần tìm gặp thì bà đều đóng cửa, ông cho triệu đến cung thì bà cáo bệnh, ông xuất hiện ở đâu thì nơi đó không có bà. Sau đó, bà dần dần khép mình, không muốn tiếp xúc, giao thiệp với ai với lý do bị bệnh. Thậm chí 2 con của bà cũng phải chịu đòn ghen của mẹ. Thái tử, công chúa cũng không gặp được hoàng hậu, bị mẹ từ chối mỗi khi đến thăm.
Thời gian dài sống trong u uất khiến bà lâm bệnh nặng liệt giường. Nghe tin, Lưu Tông Văn Đế vội vã tới thăm. Ông xót xa nắm lấy tay vợ và hỏi rằng bà còn điều gì nhắn nhủ nhưng tới tận khi trút hơi thở cuối cùng, hoàng hậu vẫn kiên quyết không hé răng một lời mà chỉ nhìn chồng bằng ánh mắt căm hờn, rồi kéo chăn che kín mặt. Vài ngày sau bà qua đời khi chỉ mới 36 tuổi.
Sau này khi nghe kể lại, 2 người con của Viên Hoàng hậu mới rõ lý do vì sao mẹ im lặng trong nhiều năm. Để trả thù cho mẫu hậu, Thái tử Lưu Thiệu đã bày mưu tạo phản, tự tay đoạt mạng cha ruột và Phan Thục phi. Vậy là cả 3 người trong vòng xoáy ghen tuông này đều chẳng giữ được mạng sống, cậu con trai vì thế mà làm ra việc bất hiếu, trời không dung đất không tha.
Quả thật, thời nào cũng vậy, “ớt nào mà ớt chẳng cay gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng” nhưng giữ im lặng đến tận lúc nhắm mắt có lẽ là màn đánh ghen “vô tiền khoáng hậu”, ít ai dám làm. Bởi cách này tuy tự chuốc khổ vào thân nhưng là đòn tâm lý khiến đối phương cảm thấy tội lỗi, day dứt, bị giày vò nặng nề về mặt tinh thần.
Minh Hoa (t/h)