Giữa lúc quan hệ Iran-Israel bước vào thời điểm căng thẳng nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp mặt trực tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Moscow.
Chưa hết, sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Isreal Avigdor Lieberman cũng đã tới thăm Nga. Những cam kết của Nga đối với Israel thông qua hai chuyến thăm gần nhất nghe có vẻ tương đối đơn giản: Loại bỏ toàn bộ “lực lượng không thuộc Syria” ra khỏi phía Tây Nam Syria.
Ông Lieberman khẳng định đó thực chất là ngăn chặn “Iran và các lực lượng của họ đang cố thủ ở Syria”.
Nhiều chuyên gia đang đặt ra câu hỏi, sự gần gũi mới đây giữa Israel và Nga phải chăng là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt giữa liên minh quân sự Nga-Iran đã tồn tại trong nhiều năm qua tại Syria?
Cả Nga và Iran lâu nay cùng triển khai quân tới Syria để hỗ trợ cho lực lượng Chính phủ ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mỗi bên đều theo đuổi một mục tiêu riêng khi hỗ trợ Damascus: Nga muốn tìm lại vị thế cường quốc trên toàn cầu, trong khi Iran muốn gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông.
Hiện tại, khi quân đội Chính phủ Syria đã dần giành được quyền kiểm soát đối với phần lớn lãnh thổ quốc gia thì cũng là lúc người ta chứng kiến quá trình Nga và Iran chia tách lợi ích tại Syria.
Moscow đang lo ngại Iran muốn biến Syria trở thành lá chắn để chống lại Israel, đồng thời thông qua đó tiếp tục gia tăng sức mạnh ở các nước lân cận như Jordan hay Liban.
Một tờ báo hàng đầu của Arab vừa đưa tin cho hay, khả năng Nga và Israel đã đạt được một thỏa thuận liên quan tới việc rút lính Iran và các lực lượng ủy nhiệm ra khỏi Syria.
Dù các bên liên quan chưa lên tiếng xác nhận về thông tin này song nó phần nào làm dấy lên những câu hỏi rằng liệu có phải Israel là mũi kim chọc thẳng vào quan hệ Nga-Iran tưởng chừng rất gắn kết hay không.
Sau chuyến thăm mới nhất hôm 31/5 của Bộ trưởng Quốc phòng Israel tới Nga, ông Lieberman nhấn mạnh Israel đánh giá cao “sự thấu hiểu của Nga với mối quan ngại an ninh của chúng tôi, đặc biệt là tình hình biên giới phía Bắc của chúng tôi”.
Từ tuyên bố đó, các chuyên gia cho rằng Nga đã phần nào chấp nhận sự thuyết phục của Tel Aviv trong việc thay đổi chính sách đối với những cuộc không kích của Israel tại Syria.
Khả năng Israel đã thấy được khoảng trống lợi ích trong mối quan hệ giữa Nga và Iran tại Syria và ngay lập tức tận dụng điều đó để chen chân vào thuyết phục Moscow chấp thuận những hành động của mình tại Syria. Nỗ lực của Israel dường như đã đạt được kết quả nhất định.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận quốc tế tại Nga lại cho rằng dù Nga hiện đang muốn làm giảm ảnh hưởng của Iran tại Syria song những diễn biến mới giữa Tehran và Moscow sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển quan hệ hai bên ở những vùng khác như Afghanistan hay Trung Á, nơi cả hai đang đều gây ảnh hưởng mạnh mẽ.
Nga dù mong giảm ảnh hưởng của Iran tại Syria nhưng vẫn muốn hợp tác với Tehran trong lĩnh vực dầu mỏ và mượn danh tiếng của Iran tại Iraq để tăng cường hiện diện của Nga tại nước này.
Dù Israel đang đặt ra thách thức cho mối quan hệ đồng minh giữa Nga và Iran song các chuyên gia đánh giá rằng Nga vẫn tiếp tục hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, với Iran sau những gì đã diễn ra tại Syria.
Việc Nga “án binh bất động” trước những trận không kích của Israel tại Syria được đánh giá là không gây ảnh hưởng nhiều tới mối liên kết giữa Iran và Nga.
Bởi trên thực tế Israel đã tiến hành hơn 100 cuộc không kích tại Syria, chủ yếu nhằm vào Iran, do đó những diễn biến gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đã âm ỉ xuất hiện trong nhiều năm qua, nó sẽ không có tác động lớn tới tình hình nội chiến Syria và Nga-Iran.
Xem thêm: Toan tính của Mỹ khi bất ngờ lập căn cứ quân sự ở biên giới Syria