Nghệ sĩ Anh Vũ là khách “ruột”
Sạp báo của cô Đinh Thị Nga (60 tuổi) nằm khiêm tốn ở ngã tư Trần Quốc Thảo - Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM) nhưng được bày trí gọn gàng, đẹp đẽ. Sạp của cô Nga có gần như đầy đủ các đầu báo và ấn phẩm, từ báo ngày cho đến tạp chí, truyện tranh, sách báo dành cho thiếu nhi.
Trò chuyện với cô Nga chỉ vài phút, tôi thấy cô vừa bán báo vừa vui vẻ chỉ đường cho 4 người ghé hỏi. Cô nói: “Tôi bán báo ở đây, kiêm luôn nhiệm vụ chỉ đường. Người ta, nhất là du khách, không rành khu vực trung tâm thành phố, cứ ghé vào, dừng xe dưới lòng đường nhờ tôi hướng dẫn. Tôi vui lắm, thấy mình có ích. Không biết từ bao giờ, tôi cũng thuộc nằm lòng từng ngõ ngách, hễ ai hỏi chỗ nào cũng biết”.
Cũng theo cô Nga, có người hỏi đường xong, họ liền mua ủng hộ một tờ báo. Việc làm nhỏ nhưng đổi lại cô được rất nhiều niềm vui. Lúc mới ra bán, cô Nga chưa có kinh nghiệm nên báo cũng ế lên ế xuống. Một thời gian sau, người quen biết cô bán báo ở góc đường Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo, tìm đến ủng hộ. Từ đó, việc buôn bán của cô có phần dễ thở hơn. “Hồi đó, cả con đường Lý Chính Thắng có rất nhiều sạp báo. Tính từ đầu ngã Sáu Dân Chủ đến ngã tư Trần Quốc Thảo - Lý Chính Thắng có gần 20 sạp báo, sạp của cô nằm cuối cùng khu vực gần đèn giao thông, sát ngã tư”, cô Nga chia sẻ.
Những tháng năm sau này, nhiều người mẫu, ca sĩ cũng đến sạp cô Nga mua báo. “Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Anh Vũ, Việt Anh... cũng đến mua ủng hộ. Anh Vũ mua báo chỗ cô lâu dài lắm. Trước khi đi Mỹ và qua đời, Vũ còn đến chỗ cô mua báo. Vũ rất lễ phép, đàng hoàng”, cô Nga thoáng buồn nhắc đến cố nghệ sĩ hài Anh Vũ.
“Tôi nhớ một lần Vũ đến mua báo. Vũ chọn được tờ báo yêu thích nhưng lúc kéo túi áo lại thấy bỏ quên ví tiền. Vũ mới bối rối nói: “Chết rồi cô ơi, con bỏ quên ví tiền ở nhà”. Tôi bảo, thôi con cứ lấy, mai ghé trả cô cũng được”. Anh Vũ mới nói: “Rồi rủi con đi luôn sao cô?”. Cô nói: “Nhiều khách hàng tới đây, họ cũng quên tiền như con, cô cũng cho thiếu. Chẳng nhẽ, con là người của công chúng mà cô lại sợ”. Nói đoạn, Vũ cười hiền, cảm ơn tôi, rồi nhận báo về nhà. Sáng hôm sau, Vũ mang tiền ra trả và mua thêm tờ báo khác”, cô Nga kể.
Cô tự hào nói tiếp: “Anh Vũ nói thích mua báo ở chỗ tôi, thích nói chuyện với tôi. Vậy mà, người hiền lại vắn số. Ngoài Anh Vũ, Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường cũng mua báo ở chỗ tôi từ thời chưa nổi tiếng. Lúc đó, Đàm Vĩnh Hưng còn đi xe Attila đời đầu. Đàm Vĩnh Hưng thỉnh thoảng mới mua. Khi nổi tiếng một chút, Hưng ghé quán ăn bún mắm ở tiệm kế bên, rồi tiện thể ghé tôi mua tờ báo”.
Nghệ sĩ Việt Anh cũng từng là khách quen của cô Nga. Nam nghệ sĩ thường đến mua báo với cô con gái nhỏ. Cô Nga nói, hai cha con dễ thương lắm. Trên đường chở con đi học, Việt Anh thường ghé vào mua báo. Con gái của ông cũng thích sách thiếu nhi nên cũng chọn để đọc. Từ lúc con gái ông lớn và đi du học, ông ít ra mua báo hơn, vậy là cô Nga mất một mối quen.
Sạp báo nhỏ nuôi sống ước mơ
Ở ngã tư đường có sạp báo đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân thành phố. Đã từ lâu, mọi người bắt đầu buổi sáng mưu sinh bằng cách ghé vào một sạp báo ven đường, chọn lấy tờ báo yêu thích để đọc vội trong lúc nhấm nháp ổ bánh mì, uống ly cà phê.
Tôi nhớ nhất sạp báo ở ngã tư Tô Hiệu - Hòa Bình (quận Tân Phú, TP.HCM), bởi nó nằm trên cung đường tôi qua lại hằng ngày. Ngày nắng cũng như mưa, cô chủ sạp đều đặn kê hàng ra bán. Những tờ báo mới toanh, thơm mùi mực được sắp xếp khoa học bắt mắt, thu hút người đi đường. Tôi có sở thích ngắm tất cả bìa báo, tạp chí được thiết kế phong phú. Cộng với khiếu sắp đặt tinh tế của chủ sạp, tôi luôn phải dừng lại và chọn lựa. Tôi chọn tờ báo mình đang làm việc kèm thêm một vài tạp chí, ấn phẩm khác gây chú ý.
Những năm gần đây, thời công nghệ 4.0, độc giả thích đọc báo bằng điện thoại, máy tính... các ấn phẩm báo giấy cũng có phần bị ảnh hưởng. Thế nhưng, hỏi chủ sạp báo ở ngã tư Tô Hiệu - Hòa Bình, cô vẫn cười hiền, bảo: “Báo bán ít hơn trước, đa số xếp sẵn đợi mối đến lấy, khách quen đến mua. Lãi không còn nhiều hơn trước nhưng cũng đủ sống”.
Trong khi đó, hơn 20 năm qua, ngày nào, vợ chồng cô Đinh Thị Nga cũng thức dậy lúc 4h sáng. Đúng giờ đó, chồng cô ra khỏi nhà, đi lấy báo, sắp xếp lại rồi quay về nhà chở cô ra sạp đúng 5h30. Đến 18h, vợ chồng lại loay hoay dọn hàng, trở về nhà, kết thúc một ngày làm việc. “Vợ chồng tôi cũng lớn tuổi. Cô con gái sắp lấy chồng rồi. Hai vợ chồng già bám sạp báo, tự nuôi nhau. Cũng hết một đời người rồi, chỉ mong muốn bình yên... Công việc này lâu thành quen, cũng cả thấy vui và gắn bó”, cô Nga chia sẻ.
Giống như cô Nga, sạp báo của vợ chồng ông Nguyễn Kim Sơn ở hẻm 306 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM) dù còn nhỏ hẹp nhưng cũng bày biện đủ đầy các ấn phẩm. Khi tôi ghé thăm sạp, ông Sơn đã đi giao báo. Trò chuyện với tôi, vợ ông Sơn chia sẻ: “Bây giờ, người ta thích đọc báo bằng điện thoại, nhưng những độc giả lớn tuổi vẫn thích đọc báo in. Buổi sáng tranh thủ giao được một ít mối lâu năm, rồi bán thêm card điện thoại, mì gói, thuốc lá...”.
Bà kể thêm, ông Sơn bán báo được hơn 40 năm. Hơn 20 năm trước, về làm vợ ông, bà mới được ông “truyền nghề”. “Có người cười tôi lấy anh bán báo dạo, tôi chỉ cười và bảo, tôi cũng nghèo nên lấy được anh bán báo là mừng rồi. Tôi ở quê vào, không biết làm nghề gì, làm giúp việc cho người ta. Người ta mai mối mới quen anh rồi cưới”, vợ ông Sơn hóm hỉnh chia sẻ.
Rồi bà chốt: “Bán báo có cái thú là được đọc suốt. Dẫu nghề vất vả lắm, cũng sợ thời tiết thành phố mưa nắng thất thường. Thế nhưng, cũng nhờ cái nghề ấy, vợ chồng tôi đã có những ngày tháng nhẹ nhàng, không phải chạy ăn từng bữa”.
Ngọc Lài