Gạt bỏ những vinh hoa của triều đình phong kiến, một mình ông lặn lội vào Sài Gòn làm "thầy kiện". Người ta nhắc đến ông, luật sư Trịnh Đình Thảo không chỉ bởi sự chân thực, liêm khiết mà còn khâm phục ông bởi ông dám làm những việc mà nhiều trí thức thời đó muốn làm nhưng không phải ai cũng dám dấn thân.
Luật sư Trịnh Đình Thảo (ngoài cùng bên phải) và chủ tịch MTDT GP Miền Nam Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ (người đứng giữa).
Từ bỏ “đẳng cấp” gia đình đi theo tiếng gọi thời đại
Từ làng Mọc ra đi, sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chàng thanh niên Trịnh Đình Thảo xuống tàu sang Pháp du học. Cậu tú tài trẻ tuổi đất Thăng Long đã sớm hiểu cái nhục mất nước, và tự cách ly mình ra khỏi chế độ phong kiến vua quan và đẳng cấp của gia đình. Vào thập niên 20 của thế kỷ XX, với bằng Tiến sĩ luật mà trở về Hà Nội, ông nghè luật học, ông cống văn chương, đường hoan lộ thênh thang: án sát, tuần vũ rồi tổng đốc sẽ là chức danh của ông nếu ông chịu "an phận" với chế độ phong kiến. Tuy nhiên, ông đã gạt bỏ tất cả cuộc sống an nhàn đó để lựa chọn làm "ông thầy kiện" ở mảnh đất miền Nam.
Ở vị trí là "thầy kiện", thỉnh thoảng ông có thể viết vài bài báo, không bị kiểm duyệt bởi in tiếng Pháp, cho tờ Tribune Indegène hay Echo Annamite của Sài Gòn. Ngày còn ở Pháp, sau đám tang cụ Phan Chu Trinh (1926), cậu cử Trịnh Đình Thảo còn có ảo tưởng đòi độc lập cho dân tộc bằng biện pháp tranh đấu hòa bình. Dưới các ô che chở của nhiều nghị sĩ Quốc hội Pháp (thuộc Đảng Xã hội, đảng đối lập với Chính phủ khi đó), ông đã từng tập hợp hơn 300 sinh viên Việt Nam ở thành phố Aix biểu tình hòa bình trong 3 ngày.
Trở về nước hoạt động suốt 15 năm dài ở tòa án Sài Gòn và các tỉnh, cụ thấm thía rằng, dù Nam Kỳ là đất thuộc địa thì luật pháp vẫn không có ý nghĩa gì đối với những người bị ghép vào tội chính trị. Bao nhiêu thân chủ mà luật sư đã tận tâm bào chữa đều nối nhau vào tù đã làm cho chàng luật sư nhận ra sự thật về cái gọi là "công lý tư sản" ở nước thuộc địa. Trong khả năng cho phép, ông đã dùng quyền hạn của mình để bảo vệ cho nhiều nhà yêu nước bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xét xử. ông cũng tham gia tích cực vào phong trào Đông Dương Đại hội (1936-1939) và Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Nhật lật đổ Pháp ngày 9/3/1945, vua Bảo Đại đánh điện mời luật sư Thảo ra Huế nhận chức Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Ông đã nhận lời. Có lẽ nhiều người thắc mắc tại sao ông từ chối làm quan triều Nguyễn mà lại nhận làm Bộ trưởng trong Chính phủ thân Nhật? Đơn giản là vì ông thấy việc mình nhậm chức có thể làm được nhiều việc có lợi cho anh em tù chính trị.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông từng chia sẻ: "Tôi suy nghĩ luôn hai ngày, tham khảo ý kiến anh em, người thân, mới điện ra trả lời "chấp thuận". Dạo ấy, Hồng Quân Liên Xô đã vượt qua biên giới Ba Lan tiến tới Béc -lin (Đức). Ở Thái Bình Dương, quân đội Nhật Hoàng bị đánh liểng xiểng. Tôi lẽ nào không biết điều ấy. Nhưng tôi nghĩ: "May ra nhân dịp nhậm chức, mình có thể thả tự do cho anh chị em làm chính trị bị tù". Đó là những lời chia sẻ thân thiết của ông trước khi nhắm mắt.
Trong thời gian đương chức Bộ trưởng Tư pháp, ông cũng đã sử dụng quyền hạn này để can thiệp và thả rất nhiều tù chính trị yêu nước. Năm 1949, ông đã vào vùng tự do tiếp xúc với các nhà lãnh đạo kháng chiến. "Chính trong những cuộc tiếp xúc với tù chính trị, bác Thảo đã gặp được ý trung nhân của mình. Vợ luật sư Trịnh Đình Thảo là bà Mười Hoa (tên thật là Ngô Thị Phúc) - một người hoạt động cách mạng, trước đây làm kinh tài (trợ lý) cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Bà Mười Hoa có xưởng trà Liên Hoa nổi tiếng ở Sài Gòn. Bà bị bắt, ông Thảo là người bào chữa cho bà. Từ sự kiện đó mà hai người đã thành vợ chồng. Và bà Mười Hoa cũng chính là một "mắt xích" trong quan hệ giữa luật sư Thảo với kháng chiến" - ông Trịnh Đình Long (cháu trai của ông Trình Đình Thảo) kể lại.
Vụ “chơi ngông” chấn động
Sau Hiệp định Giơ -ne-vơ, ông tham gia tích cực phong trào bảo vệ hòa bình và bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam một thời gian. Sau khi ra tù, ông tiếp tục đấu tranh chống Mỹ và chế độ Sài Gòn.
Ông Trịnh Đình Long (cháu của luật sư Trịnh Đình Thảo) chia sẻ: "Lúc sinh thời, cuộc sống của bác Thảo có những lúc gặp vất vả, khó khăn. Nhưng bác rất phóng khoáng với những người xung quanh, đặc biệt là với người nghèo. Trang ấp của bác thi thoảng vẫn là nơi tá túc của nhiều người nghèo khổ".
Không những ông sống đàng hoàng và giúp được nhiều tù nhân cách mạng bằng chính công việc luật sư, đương thời ông còn làm một việc mà với nhiều người, đó thực sự là một việc "chơi ngông" và thách thức chính quyền Mỹ - Ngụy. Chính trong trang ấp gồm một biệt thự và 5 mẫu đất trồng xoài ngay giữa Sài Gòn, gần sân bay Tân Sơn Nhất, ông đã làm một con đường và đặt tên là đường Hồ Chí Minh.
Ông còn dám gắn bảng hiệu công khai. Nhưng khu nhà của ông không có cổng, phòng khách của ông không có cửa, mọi người ra vào nhà ông một cách tự do, ai gặp hoạn nạn khó khăn đến nhờ vả ông đều giúp. Thời Pháp thuộc, nhà ông là nơi gặp mặt của các nhân sỹ yêu nước. Đến thời Mỹ - Ngụy căn nhà lại là trụ sở Ủy ban cứu nguy của Phật giáo, một tổ chức chống Mỹ - Diệm.
Ông Trịnh Đình Long cho biết: "Việc bác Thảo đặt tên đường Hồ Chí Minh ngay trong vườn nhà mình là sự kiện gây chấn động dư luận Sài Gòn lúc đó. Làm cái việc liều lĩnh này, bác Thảo không những công khai "thân Cộng" mà còn thách thức nhà cầm quyền Sài Gòn". Bọn chính quyền Sài Gòn cũ có cho công an bí mật theo dõi trang ấp thì hàng ngày cũng chỉ được nghe những câu chuyện về nuôi chó, thả cá và chụp ảnh. Bởi đó là những niềm say mê nho nhỏ của cụ sau những giờ làm việc.
Sau Tết Mậu Thân 1968, luật sư Trịnh Đình Thảo, lúc đó 67 tuổi, bỏ lại căn biệt thự cùng với tài sản ở Sài Gòn để "chống gậy đi kháng chiến", cả hai vợ chồng ông đều lên chiến khu (vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam).
Ngày 21/4/1968, ông tham gia thành lập và làm chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Năm 1969, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, ông làm phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn chính phủ. Mùa hè năm 1969, ông dẫn đầu Đoàn Đại biểu Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ra thăm miền Bắc Việt Nam và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, từ năm 1976 đến năm 1981, ông là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, ủy viên ủy ban Dự thảo Hiến pháp; ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977).
Cuộc đời của luật sư Trình Đình Thảo có những bước thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. 5 lần vào khám, ra tù, tất cả không làm nhụt ý chí của ông. 86 năm sống và làm việc, với những đóng góp của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ. Đó là sự ghi nhận cho nhữngồ cống hiến của ông. Lịch sử đã sang trang, người luật sư thích "chơi ngông" cũng đã khuất núi, nhưng quan điểm sống của ông: "Suy nghĩ và hành động của một trí thức chân chính phải nhất quán. Như đã làm bạn đời chân thực với nhau thì phải cùng nhau chung thủy dù bão táp, phong ba" - mãi còn ý nghĩa với muôn đời sau.
Đỗ Thơm
(Còn nữa)