Theo chân các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng thuộc BQL rừng Long Thành thăm rừng bằng ghe máy, chúng tôi được thỏa thích nhìn ngắm những cánh rừng ngập mặn xanh mướt bạt ngàn nằm dọc các con sông: Thị Vải, Đồng Tranh, Đồng Kho… Thích thú, chúng tôi đề nghị được mắc võng tại một khu rừng đước để thỏa mãn cái cảm giác “hòa mình với thiên nhiên”, thì anh Trần Văn Tròn, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng ngập mặn (thuộc BQL rừng phòng hộ Long Thành), ngăn cản: “Các anh chỉ ngả lưng một lúc thì muỗi, mòng đánh hơi người bay đến quấy phá khó chịu lắm…”.
Phơi mình trong nắng, gió
Anh Tròn vừa dứt lời thì chiếc ghe máy của đội bỗng dưng mất lái. Tài công Lê Quang Bửu (cũng là một cán bộ bảo vệ rừng giàu kinh nghiệm) liền giảm ga. Sau khi thông báo cho mọi người biết chiếc ghe bị sự cố, không thể đi tiếp được, anh Bửu ra hiệu cho chủ chiếc ghe của ngư dân gần đó đến cứu hộ. Như quy định bất thành văn của vùng sông nước, chiếc ghe của ngư dân liền quay đầu cập sát mạn chiếc ghe của chúng tôi và tung dây ra để anh Bửu nhận lấy, cột lại. Sau vài thao tác, chiếc ghe của chúng tôi nhanh chóng được ghe này kéo về Trạm Rạch Gốc (thuộc BQL rừng phòng hộ Long Thành).
Phút thảnh thơi cùng đồng đội tuần rừng.
“Trong quá trình tuần rừng, ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng, chúng tôi còn có thêm nhiệm vụ cứu hộ ngư dân khi họ gặp bất trắc trên sông nước. Chính vì vậy, khi mình gặp sự cố, ngư dân cũng sẵn sàng đem ghe đến hỗ trợ” - anh Tròn nói.
Có mặt trên ghe máy để cùng chúng tôi thăm cán bộ Trạm Rạch Gốc, anh Hồ Đình Sơn, Trưởng phòng bảo vệ rừng (thuộc BQL rừng phòng hộ Long Thành) cho hay, do đặc thù sông nước nên công việc tuần rừng phải dùng ghe máy đi dọc theo các bờ sông, kênh, rạch. Chính vì vậy, dân tuần rừng như các anh ai cũng có làn da đen. “Tuy rừng xanh mát bạt ngàn, nhưng vì suốt năm tháng phơi mình dưới nắng nóng, trầm mình dưới dòng nước mặn, chiều về chỉ xối vội vài gàu nước ngọt, nên không đen sao được” - anh Sơn pha trò.
Sau nửa giờ lênh đênh trên sông Thị Vải, phơi mình dưới nắng và gió, chúng tôi cũng đến được Trạm Rạch Gốc khi trời đứng bóng. Trưởng trạm Rạch Gốc Đàm Văn Đắc cùng hai cán bộ Cương và Tường ra đón chúng tôi.
Khi đưa chúng tôi lên đầu cầu để vào trạm an toàn, tài công Bửu liền cởi quần áo nhảy tùm xuống nước tháo bánh lái ghe mang lên bờ sửa chữa. Khi mang bánh lái lên bờ, anh cho hay, các ốc vặn đã bị bung, phải có đồ nghề thay thế. Vì vậy, để vào bờ, hoặc đi thăm các trạm khác, chúng tôi phải đi bằng tắc ráng của trạm.
Anh Bửu cho biết, hơn 15 năm làm tài công cho các đơn vị đi tuần rừng, anh thông thuộc hết các luồng rạch, nhánh sông, cũng như quy luật lớn, ròng của từng con nước. Đồng thời, do được cầm tài điều khiển nhiều phương tiện, nên anh có thể sửa chữa được nhiều loại máy ghe trong quá trình tuần tra gặp sự cố. “Tuần rừng ngập mặn khác với rừng trên cạn là không được cây rừng che mát, suốt ngày phải phơi người dưới nắng. Nhất là, dù rất muốn núp vào các tán rừng để ngả lưng, nhưng lũ muỗi, mòng… luôn tìm cách quấy phá” - anh Bửu bộc bạch.
Đặt chân trên sân cát Trạm Rạch Gốc, chúng tôi cảm giác như được đến thăm các chốt tiền tiêu của bộ đội biên phòng vùng biển. Trước sự thích thú của chúng tôi, anh Sơn giải thích, do trạm mới xây dựng nên mới được khang trang như vậy. Trước kia, trạm chỉ là ngôi nhà sàn lợp lá ọp ẹp và tù túng; mùa nắng tuy mát nhưng rất dễ bị cháy, còn mùa mưa thì rất dễ bị gió giật tốc mái hoặc ngã sập. “Hiện nay, 7 trạm thuộc Đội quản lý rừng ngập mặn đều được bê tông kiên cố. Ngoài nơi ở khang trang, các trạm còn được trang bị phương tiện và dụng cụ hỗ trợ đầy đủ. Chỉ có nước sạch là anh em còn phải tự bỏ tiền túi ra mua về sinh hoạt” - anh Sơn tâm sự.
Bảo vệ sự đa dạng sinh học
Cùng các cán bộ Trạm Rạch Gốc dùng tắc ráng thăm rừng, Trưởng phòng bảo vệ rừng Hồ Đình Sơn cho chúng tôi biết, BQL rừng phòng hộ Long Thành hiện vẫn còn giữ được sự đa dạng sinh học. Trong đó, các loài thực vật đã thống kê được có 97 loài, với 81 chi. Về đa dạng loại động vật, đã xác định có 6 loài thú, 52 loài chim, 14 loài bò sát, 8 loài lưỡng cư và còn nhiều loại động vật khác chưa được phát hiện.
“Rừng ngập mặn này nằm dọc theo dòng sông Thị Vải, giáp với huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Đây là khu vực bị tàn phá trong chiến tranh và nhiều thập niên trước. Hiện nay, do nhu cầu phát triển kinh tế, hàng loạt cảng nước sâu, khu công nghiệp tập trung đã phát triển bên bờ sông Thị Vải; khu dân cư Nhơn Trạch cũng đang hình thành; đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đang trong giai đoạn thi công… Sự phát triển của các công trình công nghiệp và dân sinh đã phát sinh các loại chất thải làm nguồn nước bị ô nhiễm; rồi diễn biến khí hậu phức tạp cũng đã tác động thường xuyên, liên tục trên dòng sông Thị Vải. Đây là thách thức không nhỏ đối với rừng ngập mặn Long Thành” - anh Sơn nói.
Cũng theo anh Sơn, tỉnh đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để triển khai mô hình trồng rừng, nhằm tạo sự đa dạng sinh học về loài và tạo mật độ thích hợp cho rừng ngập mặn từ nay đến năm 2014. Hiện nay, BQL rừng phòng hộ Long Thành đang thực hiện mô hình trồng thử nghiệm một số cây bản địa rừng ngập mặn thuộc dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Mô hình được thực hiện trên khu vực có nhiều cây bụi, độ che phủ rừng thấp. Các loài cây được chọn trồng thử nghiệm với tổng diện tích trồng gần 70 hécta.
Thấy chúng tôi hàn huyên say sưa với Trưởng phòng Hồ Đình Sơn trong tiếng tanh tách của tắc ráng đang xé nước, Đội trưởng Tròn xin phép chen lời. Anh Tròn cho hay, hệ sinh thái rừng ngập mặn phòng hộ Long Thành là một hệ sinh thái lồng ghép, có nhiều chức năng quan trọng, như: ứng phó với biến đổi khí hậu; làm lá phổi xanh cho khu đô thị Nhơn Trạch; chức năng đa dạng sinh học đối với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; bảo vệ môi trường ven sông, ven biển… Việc bảo vệ và phát triển được hệ sinh thái này theo hướng đa chức năng hoàn toàn không khó, nếu chúng ta có giải pháp phù hợp.
“Vì vậy, trong công tác bảo vệ môi trường, Đồng Nai rất chú trọng quy hoạch không gian, quy hoạch kết cấu hạ tầng cơ sở ở khu vực theo hướng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học đối với khu rừng ngập mặn này và cân nhắc đưa việc bảo vệ rừng ngập mặn Long Thành lên hàng ưu tiên số một” - anh Tròn cung cấp thêm thông tin để chúng tôi hiểu hơn về trách nhiệm bảo vệ rừng của 27 cán bộ quản lý, bảo vệ rừng ở 7 trạm, như: Rạch Gốc, Tây Cò, Tắc Hông…
Theo Báo Đồng Nai