Thưa ông, thời gian gần đây, các tỉnh thành liên tục phát hiện ra tình trạng các doanh nghiệp chỉ lắp hộp đen qua loa để đối phó với cơ quan chức năng. Quan điểm của ông như thế nào về tình trạng này?
Theo tôi được biết, vấn đề lắp hộp đen cho xe khách, xe tải được Bộ GTVT trình Chính phủ từ năm 2010. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các công ty xe khách, các doanh nghiệp vận tải mới áp dụng. Bên cạnh những công ty tuân thủ, chấp hành thì một số doanh nghiệp cũng thực hiện theo kiểu qua loa, chống chế cho xong việc. Minh chứng rõ nhất là thời gian vừa qua, trên cả nước, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt rất nhiều xe lắp hộp đen không đúng quy định. Có khi các cơ quan chức năng kiểm tra hơn 20 xe nhưng chỉ 1 xe tuân thủ, lắp hộp đen đúng quy định. Điều này cho thấy, ý thức chấp hành luật Giao thông đường bộ của nhiều doanh nghiệp chưa tốt.
Luật sư Thái Văn Chung
Nghị định 91 của Chính phủ quy định, những loại phương tiện trong diện phải lắp hộp đen và duy trì tình trạng hoạt động tốt của loại thiết bị này, gồm: Xe vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, xe buýt, xe container. Theo đó, từ 1/7 sẽ xử phạt người điều khiển phương tiện đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc gắn nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không đúng quy định.
Theo ông, những trường hợp vi phạm về việc lắp hộp đen cho có sẽ bị xử phạt như thế nào?
Những trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ xử nghiêm theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP; thu hồi phù hiệu chạy xe theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP đối với các xe lắp thiết bị hộp đen không hoạt động hoặc hoạt động không theo quy định. Bên cạnh đó, với một số trường hợp hộp đen lỗi sim dẫn đến không in được các thông tin, để đảm bảo tính khách quan, lực lượng Thanh tra giao thông chưa lập biên bản mà sẽ cử cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để xác minh, lỗi do bên nào, thì xử lý bên đó. Theo quan điểm của tôi, cần phạt nặng những doanh nghiệp lắp hộp đen chỉ để đối phó để tăng tính răn đe.
Hiện nay, việc xử lý, chiết xuất dữ liệu tại các hộp đen gặp nhiều khó khăn. Liệu có cách nào để khắc phục tình trạng này?
Thực tế cho thấy, việc kiểm tra sẽ gặp khó khăn, vì mỗi doanh nghiệp lắp đặt loại hộp đen khác nhau và mỗi loại hộp đen có những cổng chiết xuất dữ liệu cũng khác nhau (chưa đồng bộ), do vậy mỗi lần kiểm tra phải đem theo cả đống dây thiết bị. Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa thành lập được trung tâm dữ liệu của Quốc gia giám định hộp đen. Chính vì thế, họ chưa thể tổng hợp được những dữ liệu từ các doanh nghiệp lắp hộp đen cho xe gửi về. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, các cơ quan chức năng nên đi kiểm tra đột xuất cụ thể từng xe để giám sát việc lắp hộp đen của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có hộp đen, cơ quan chức năng có thể "phạt nguội" được và đỡ tốn kém rất nhiều từ khâu kiểm tra. Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta cần nhanh chóng thành lập một trung tâm dữ liệu.
Thưa ông, hiện nay, việc căn cứ vào dữ liệu của hộp đen để xử "phạt nguội" lái xe vi phạm tốc độ, chạy lấn tuyến vẫn chưa thực hiện được do chưa có cơ sở pháp lý nào quy định điều này. Trong thời gian tới, chúng ta có nên bổ sung quy chế xử phạt từ dữ liệu hộp đen?
Theo tôi, điều đó là vô cùng cần thiết. Bởi vì, thông qua việc theo dõi hộp đen, phát hiện ra lái xe vi phạm tốc độ, lấn tuyến hoàn toàn có thể xử phạt được. Bởi vì hiện nay, các lái xe vẫn đinh ninh rằng, việc lắp hộp đen chỉ để doanh nghiệp vận tải kiểm soát được hành trình di chuyển của mình. Họ có vi phạm tốc độ, doanh nghiệp chỉ nhắc nhở là xong. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng có được chế tài xử phạt qua dữ liệu này thì các lái xe sẽ không dám phóng nhanh vượt ẩu. Lúc đó, mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông mới có hiệu quả cao.
Xin cảm ơn ông!
T.H - V.C (thực hiện)