Vì sao 20 năm, công viên Văn hoá Gò Vấp vẫn còn hoang sơ?

Vì sao 20 năm, công viên Văn hoá Gò Vấp vẫn còn hoang sơ?

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 7, 10/04/2021 08:00

Dự án đầu tư xây dựng công viên Văn hóa Gò Vấp sau nhiều năm chuyển chủ đầu tư, đến nay, công viên vẫn còn “giữ nguyên hiện trạng”, thay đổi rất ít.

"Một con nhiều cha"

Như Người Đưa Tin Pháp luật đã thông tin, tháng 9/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định (số 1288/QĐ-TTg) về thu hồi 37 ha đất tại phường 17 (nay là phường 6) quận Gò Vấp, TP.HCM và giao cho ban Quản lý Đầu tư Xây dựng hạ tầng Công viên văn hóa Gò Vấp sử dụng toàn bộ diện tích đất thu hồi, đầu tư xây dựng hạ tầng công viên Văn hóa Gò Vấp. 

Đến năm 2014, công viên Văn hoá Gò Vấp được chuyển về cho UBND quận Gò Vấp quản lý, đầu tư. Đây là quyết định nhằm thay đổi diện mạo của công viên vì sau một thời gian dài, công viên vẫn bỏ hoang.

Bất động sản - Vì sao 20 năm, công viên Văn hoá Gò Vấp vẫn còn hoang sơ?

Giữa trung tâm TP, có lẽ công viên như này là thuộc diện hiếm hoi.

Thế nhưng, 2 năm sau đó, công viên lại được chuyển từ UBND quận Gò Vấp sang cho Khu 3 (thuộc sở Giao thông Vận tải TP.HCM quản lý).

Đến nay, thực hiện theo việc sáp nhập, các đơn vị trực thuộc các Sở ngành, công viên Văn hoá Gò Vấp lại chuyển về cho trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (thuộc sở Xây dựng) quản lý.

Tuy nhiên, trả lời PV, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết: “Việc đầu tư phát triển công viên, hiện TP giao cho ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM thực hiện. Còn việc giải quyết khiếu nại và giải phóng mặt bằng lại giao cho UBND quận Gò Vấp”.

Bất động sản - Vì sao 20 năm, công viên Văn hoá Gò Vấp vẫn còn hoang sơ? (Hình 2).

Con đường đất mà nhiều người vẫn chạy thể dục vào sáng và chiều. Còn buổi tối rất ít người dám ra khu vực này.

Như vậy, chỉ 1 công viên nhưng hiện đang có ít nhất 3 đơn vị quản lý ở các mảng khác nhau, đó là chưa kể đơn vị vận hành?. Có người nói vui về tình trạng này là “1 con nhiều cha”.

Ngoài phần diện tích của công viên được phê duyệt là 37ha thì phần nằm trong cánh cửa của công viên Văn hoá Gò Vấp còn dư ra… 5ha.

Trước đây, trả lời đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 9, khoá VII, ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM (thời điểm đó) cho biết: “Về thông báo giải toả với tổng diện tích 42ha, nhiều hơn dự án được phê duyệt 5ha, cho đến nay chưa có quyết định nào của UBND TP.HCM về việc thu hồi đất bổ sung để mở rộng công viên, do vậy không có cơ sở, căn cứ nào để thông báo giải toả thêm 5ha đất”.

Về thông tin này, PV sẽ đề cập ở bài viết tiếp theo.

Vì sao có cửa đóng - mở ở cổng công viên?

Thông thường, các công viên do Nhà nước quản lý trên địa bàn TP.HCM hầu như không có cửa ở cổng ra - vào.

Các công viên chỉ có cổng vào và không có cửa, như: Công viên Lê Văn Tám (quận 1), Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), Công viên Tao Đàn (quận 1)…

Tuy nhiên, tại công viên Văn hoá Gò Vấp lại có cửa (gắn ngay cổng) đóng - mở ngay lối ra vào, điều này gây ngạc nhiên cho PV khi đến tác nghiệp, dù trước đó đã nhận được phản ánh của người dân.

Bất động sản - Vì sao 20 năm, công viên Văn hoá Gò Vấp vẫn còn hoang sơ? (Hình 3).

Dòng kênh nước đen ngòm, đặc biệt hôi thối khi nước rút.

Liên quan đến việc quản lý công viên, Bà Huỳnh Thị Nga, Phó Giám đốc trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết: “Công viên Văn hóa Gò Vấp có 2 cổng ra vào, 1 cổng chính dành cho ô tô và 1 cổng phụ dành cho xe máy. Cổng phụ mở cửa thường trực, còn cổng lớn thì đóng thường xuyên. Chừng nào có xe ô tô vào thì bảo vệ mới mở cửa, chứ họ không mở thường xuyên”.

Lý giải thêm về việc này, bà Nga cho hay: “Tại vì có cổng phụ, người ta đã vào bình thường rồi, cho nên không cần thiết phải mở cổng lớn nữa. Nếu như du khách đi xe ô tô vào thì bảo vệ mới mở cổng lớn. Việc đóng cổng lớn còn là sợ hàng rong vào bán”.

Bất động sản - Vì sao 20 năm, công viên Văn hoá Gò Vấp vẫn còn hoang sơ? (Hình 4).

Khu vực hiếm hoi có thiết bị vui chơi cho trẻ em trong khuôn viên 37ha.

Dù vậy, khi PV điều khiển ô tô đến trước cổng, bảo vệ công viên cho biết, bên trong không có bãi giữ xe nên không thể vào trong.

Ông N.T.D, ngụ gần công viên cho hay: “Công viên là nơi để người dân ra vào tập thể dục, vui chơi, nghỉ ngơi… thế nhưng việc có cửa đóng – cửa mở ở cổng như thế này là hết sức bất tiện, cho dù viện dẫn bất cứ lý do gì. Thêm vào đó, công viên thường đóng cửa rất sớm và mở cửa lại muộn”.

Liên quan đến việc quản lý công viên, bà Nga cho biết thêm: “Công viên mở cửa lúc 5h30 phút và đóng cửa lúc 21h30 phút. Đây là quy định cho tất cả các công viên trên địa bàn TP.HCM”.

PV chất vấn có quy định đóng cửa vào khung giờ đó hay không, bà Nga nói lại: “Theo quy định là công viên mở cửa từ lúc 4h sáng và đóng cửa lúc 22h tối, theo nội quy của hoạt động công viên trên địa bàn TP.HCM. Nếu mà có tình trạng công viên hoạt động đóng cửa cửa trước 22h thì chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại tình trạng này”.

CHÍ THANH

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.