Các chuyên gia y tế cảnh báo, phần lớn các thuốc kháng sinh thế hệ 1 và 2 đều không còn tác dụng đặc hiệu. Do đó, đa phần các bệnh viện đã phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị. Hậu quả đã nhìn thấy của việc kháng thuốc là có rất nhiều bệnh nhân tử vong vì kháng với tất cả các kháng sinh hiện có.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện Nhi Trung ương khám cho khoảng 3.000 - 4.000 trẻ, điều trị nội trú cho 1.700 bệnh nhân. Trong số đó, hầu hết đều là các bệnh nhi rất nặng: Hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày...
Điều đáng nói, hầu hết các bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng có một trong các dụng cụ thiết bị y tế kèm theo và được chuyển đến từ rất nhiều bệnh viện ở các tỉnh khác nhau. Chính vì đặc tính nặng như vậy nên tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức cao.
Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện Nhi Trung ương có cấy phân cho thấy, có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Hiện nay, rất nhiều bệnh nhi chuyển đến đã có nhiễm khuẩn từ tuyến dưới, do vậy tại bệnh viện Nhi Trung ương có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngay tại bệnh viện.
“Việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn, vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn. Chúng tôi phải có sự họp bàn phối hợp giữa các chuyên ngành trên để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho trẻ; đồng thời phải kết hợp theo dõi kháng sinh trong điều trị và xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của các em bé thì mới có thể mới vượt qua được tình trạng kháng thuốc này”, PGS. Điểm thông tin.
Tại bệnh viện Bạch Mai, 80-90% người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi đã sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả. BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Có em mới chỉ 2-3 tuổi, bị viêm phổi nhưng đã “làm khó” các bác sĩ khi phải dùng đến kháng sinh thế hệ 2, 3 (loại mạnh) mới khỏi. Có em nhập viện chỉ viêm đường hô hấp nhưng do kháng kháng sinh nên điều trị mãi không khỏi, đã chuyển sang viêm phổi cấp".
Với những ca bệnh kháng thuốc nặng, chi phí đội lên hàng chục lần bởi có loại kháng sinh lên đến 7-8 triệu đồng/lọ, dùng kết hợp nhiều loại kháng sinh đắt tiền và phải dùng nhiều lần, nhiều ngày.
BS. Dũng cảnh báo, Việt Nam hiện là một trong những nước có tỉ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh vào loại cao nhất, kéo dài ngày điều trị trung bình, tăng tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân tại khoa cấp cứu và hồi sức.
Trước thực trạng trên, bộ Y tế đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm kiểm soát kê đơn thuốc kháng sinh trong điều trị. Đặc biệt, thời gian tới, bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt thực hành tốt (GPP).
N.Giang