Trong suốt nhiều năm qua, đây vẫn là điều nhiều người không thể lý giải được…
Đồng Trị chết khi mới tròn 21 tuổi, không để lại bất cứ đứa con nào. Nhiều người nói rằng, khi Đồng Trị chết, Hoàng hậu là A Lỗ Đắc đã mang thai đứa con của Đồng Trị nhưng bị Từ Hy ép chết. Thực tế, đây chỉ là truyền thuyết, dã sử lưu truyền trong dân gian, chưa có bất cứ bằng chứng nào được tìm thấy trong các bộ chính sử.
Các hoàng tử trong hậu cung Thanh triều hầu hết đều đã sinh hoạt tình dục trước khi kết hôn. Việc các hoàng đế trước khi lập hoàng hậu đã con đàn cháu đống là chuyện không hề hiếm. Vì vậy, Đồng Trị không phải ngoại lệ. Chưa hết, hôn lễ của Đồng Trị với hoàng hậu A Lỗ Đắc được cử hành vào năm Đồng Trị thứ 11, tức năm 1872.
Đồng Trị chết vào năm thứ 13, tức năm 1875. Nếu như bỏ qua tập tục “ăn cơm trước kẻng” của các vị hoàng tử Thanh Triều, chỉ tính từ ngày chính thức có hoàng hậu cho tới khi chết, Đồng Trị cũng có hơn 2 năm chung sống với các phi tần và mỹ nữ trong hậu cung. Tuy nhiên, cho tận tới khi Đồng Trị chết vẫn không có bất cứ ghi chép nào về việc ông vua này có con.
Sau khi Đồng Trị chết, Quang Tự được đưa lên ngôi. Quang Tự có một hoàng hậu, hai quý phi và xung quanh còn hàng ngàn những cung nữ xinh đẹp ở mọi lứa tuổi. Quang Tự kết hôn vào năm Quang Tự thứ 14, tức năm 1888, tới năm Quang Tự thứ 24 thì bị Từ Hy giam cầm ở Doanh Đài, thời gian trị vì kéo dài suốt 10 năm.
Mặc dù về chính trị, quyền lực hoàn toàn do Từ Hy nắm giữ, Quang Tự chỉ là một con rối bị giật dây, tuy nhiên, về cuộc sống hôn nhân thì Quang Tự thoải mái và tự do hơn Đồng Trị rất nhiều. Sử sách đều ghi chép, cuộc sống hôn nhân giữa Quang Tự và người ái thiếp rất được sủng ái là Trân Phi rất hạnh phúc. Tuy nhiên, Trân phi cũng không giúp Quang Tự sinh được đứa con nối dõi nào.
Vua Đồng Trị
Năm 1898, sau chính biến Mậu Tuất, Quang Tự bị Từ Hy giam cầm ở Doanh Đài trong suốt 10 năm cho tới tận khi chết. Tuy nhiên, trong thời gian này hoàng hậu Hiệp- hách- na- la- thị cũng bị bắt phải đi theo để hầu hạ Quang Tự. Quang Tự sống ở Hàm Nguyên Điện còn hoàng hậu thì ở Ỷ Hương Điện ở ngay đối diện. Hoàng hậu Hiệp- hách- na- la- thị vào cung đã mấy chục năm nên về cơ bản Quang Tự không có bao nhiêu hứng thú với vị hoàng hậu này.
Tuy nhiên, điều đó không hề có nghĩa Quang Tự không bao giờ sủng hạnh hoàng hậu. Thêm nữa, thời gian ở với nhau ở Doanh Đài kéo dài suốt mười năm, khi đó, Quang Tự lại mới hơn 20 tuổi, khó có thể nói là hai người lại không có chuyện ân ái vợ chồng. Song điều bất hạnh, sau 10 năm bị giam ở Doanh Đài với cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc, năm 38 tuổi Quang Tự chết mà không có bất cứ đứa con nối dõi nào.
Cả Quang Tự, các phi tần cho tới Từ Hy Thái hậu hy vọng Quang Tự có một hoàng tử để nối dõi thậm chí một cô công chúa cũng tốt, thế nhưng bao nhiêu hy vọng cuối cùng đều trở thành tuyệt vọng. Song bi kịch của dòng họ Ái Tân Giác La không chỉ có như vậy.
Câu chuyện của Phổ Nghi, người kế thừa ngai vàng của Quang Tự còn thê thảm hơn. Lên ngôi từ khi hai tuổi và chết vào năm 61 tuổi, kết hôn với tổng cộng 5 người vợ khác nhau trong suốt cuộc đời, thế nhưng vị hoàng đế cuối cùng của triều Thanh cũng không hề có con nối dõi.
Hẳn rất nhiều người từng nghe câu chuyện chính tay Phổ Nghi đã ra lệnh giết chết đứa trẻ sơ sinh do hoàng hậu Uyển Dung sinh ra. Tuy nhiên, những sử liệu mới nhất đã chứng minh rằng, đứa trẻ được hoàng hậu Uyển Dung sinh ra là kết quả của một cuộc ngoại tình chứ không phải là con đẻ của Phổ Nghi. Và nó cũng là lý do Phổ Nghi căm giận tới mức giết chết đứa trẻ này ngay khi nó vừa chào đời không bao lâu.
Cũng ở ngôi hoàng đế với hàng ngàn thê thiếp, thế nhưng cả Đồng Trị, Quang Tự và Phổ Nghi lại hoàn toàn khác hẳn với những tổ tiên “con đàn cháu đống của mình”. Điều này thực sự khiến người đời sau khó hiểu. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, có khi nào các sử gia, sống trong thời đại có quá nhiều biến động và quyền lực vốn không phải nằm trong tay những ông vua mà là bà thái hậu khiến người ta phần nào “sao nhãng” việc ghi chép về chuyện con cái của các vị hoàng đế này?
Trên thực tế, mặc dù là một dân tộc từ bên ngoài, nhưng với thời gian thống trị Trung Nguyên kéo dài hơn 200 năm, quan niệm “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” của người Hán đã ăn rất sâu vào văn hóa của người Mãn. Vì vậy, việc hoàng đế có con ấy là một điều đại phúc của cả đất nước, là bộ phận quan trọng tạo nên sự tôn nghiêm của chính hoàng đế. Nếu như không có hoàng tử nào trưởng thành thì ngay cả các hoàng tử chết khi còn nhỏ, thậm chí là một công chúa mắc bệnh mà chết các sử gia cũng không bao giờ được phép bỏ qua.
Vậy rốt cuộc việc ba vị Hoàng đế cuối cùng của vương triều Mãn Thanh liên tiếp gặp cảnh tuyệt tự có căn nguyên từ đâu? Người ta đã dành không ít thời gian để tìm lời giải cho câu hỏi hóc búa này để rồi thất vọng. Việc tìm kiếm trong kho chính sử nhà Thanh không đem lại nhiều kết quả. Nguyên nhân là vì, Đồng Trị và Quang Tự đều qua đời khá sớm, các sử gia lúc ấy lại không dám ghi lại một cách quá chi tiết về câu chuyện “tế nhị” này.
Vua Phổ Nghi
Còn với Phổ Nghi, ông vua cuối cùng của triều Mãn Thanh thì lên ngôi lúc 2 tuổi và chỉ 4 năm sau đó đã“kết thúc nhiệm kỳ” vì vậy, chuyện “phòng the” của Phổ Nghi trở thành một vấn đề cá nhân và khó ai có thể nắm chắc được ngoại trừ vị hoàng đế này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, căn nguyên việc cả ba vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh tuyệt tự rất có thể bắt nguồn từ phong tục hôn nhân của dân tộc Mãn Thanh.
Theo phong tục hôn nhân của người Mãn Thanh, sau khi chồng chết, người vợ được phép “đi bước nữa” với em trai của chồng mình, thậm chí là có thể lấy con trai hoặc cháu. Nhiều người nói rằng, sau khi Hoàng Thái Cực chết, Hiếu Trang Hoàng hậu đã lấy em trai của chồng là nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn là vì đã có tư tình với Đa Nhĩ Cổn từ trước.
Thực tế, việc Hiếu Trang Hoàng hậu có tư tình với Đa Nhĩ Cổn hay không vẫn còn phải kiểm chứng, nhưng cuộc hôn nhân giữa họ cho thấy người Mãn Thanh coi việc chị dâu lấy em chồng là việc hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trường hợp nổi tiếng nêu trên không phải là trường hợp hôn nhân giữa những người có quan hệ họ hàng gần gũi duy nhất trong hoàng tộc triều Thanh.
Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích trước khi chết có dặn rằng, sau khi ta chết, vợ và các con nhỏ của ta sẽ “đại a ca” nuôi dưỡng. “Đại a ca” ở đây chính con trưởng của Nỗ Nhĩ Cáp Xích – Đại Thiện. Nhiều người cho rằng, hai chữ “nuôi dưỡng” mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích nói tới ở đây chính là chuyển vợ và con nhỏ của mình thành “sở hữu” của Đại Thiện. Tới thời Hoàng Thái Cực, sau khi một hoàng tử con của Nỗ Nhĩ Cáp Xích tên là Mãn Cổ Nhĩ Thái chết, vợ của ông ta được phân đều cho hai người cháu là Hào Cách và Phụ Thác.
Con trai thứ 10 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Đức Cách Loại chết, vợ của ông ta đều được gả lại cho người em là hoàng tử thứ 12 A Tề Cách Nạp về làm vợ. Hào Cách là con trai cả của Hoàng Thái Cực còn Đa Nhĩ Cổn là con thứ 14 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích và là em ruột của Hoàng Thái Cực. Như vậy, xét về vai vế, Đa Nhĩ Cổn là chú ruột của Hào Cách. Tuy nhiên, Hào Cách lại lấy vợ là Bác Nhĩ Tề Cẩm, là em gái của vợ chính thức của Đa Nhĩ Cổn. Điều đáng nói là sau khi Hào Cách bị Đa Nhĩ Cổn tìm cách giết, vợ của Hào Cách lại bị người chú Đa Nhĩ Cổn này nạp làm vợ.
Hôn nhân của Hoàng Thái Cực và con trai của ông là Thuận Trị đều là điển hình của kiểu hôn nhân cận huyết thậm chí có thể nói là loạn luân. Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp, người đứng đầu bộ tộc Nữ chân ở Kiến Châu vì muốn thống nhất các bộ lạc Nữ chân nên đã lấy con gái của Minh An, một quý tộc Mông Cổ làm thứ phi mở đầu mối quan hệ “thông gia” nhiều đời sau này với bộ lạc Mông Cổ.
Sau đó, để đối phó nhà Minh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích càng tích cực hơn trong việc tạo dựng liên minh với Mông Cổ bằng hôn nhân. Sau khi Hoàng Thái Cực đổi tên nước thành Đại Thanh, hoàng hậu và các phi tần thuộc “ngũ cung” đều là những người thuộc họ Bác Nhĩ Tề Cẩm của Mông Cổ, trong đó có ba phi tử, luận về vai vế là cô và cháu gái.
Đầu tiên là người cô họ Bác Nhĩ Tề Cẩm, được gả cho hoàng tử Hoàng Thái Cực vào năm Vạn Lịch thứ 42 (1614) nhà Minh, sau đó được tôn xưng là Hiếu Đoan Văn Hoàng hậu, sinh được 3 người con gái. Tiếp đó, năm Thiên Mệnh thứ 10 (tức năm 1625), cô cháu mới chỉ 13 tuổi của hoàng hậu lại được gả cho Hoàng Thái Cực. Hoàng Thái Cực phong cho người vợ bé này là Vĩnh Phúc Cung Trang phi.
Đây cũng là người sau này sinh ra Hoàng đế Thuận Trị, vì vậy về sau được phong làm Hiếu Trang Văn Hoàng hậu. Sau đó, vào năm Thiên Thông thứ 8 (1634), một cô cháu khác của hoàng hậu Hiếu Đoan mới 26 tuổi lại được đưa vào cung của Hoàng Thái Cực, được phong làm Thần phi. Điều đáng nói nữa là Thần phi cũng chính là chị gái ruột của Hiếu Trang Hoàng hậu.
Có người thống kê rằng, trong thời gian Hoàng Thái Cực tại vị, quý tộc Mãn Châu kết thông gia với bộ lạc Mông Cổ Khoa Nhĩ Thẩm có tới hơn 18 lần. Tới đời con của Hoàng Thái Cực là Đồng Trị cũng không khác cha mình là bao. Hai người cháu của Hiếu Trang Hoàng hậu, mẹ đẻ của Thuận Trị đều được gả cho vị Hoàng đế này, một người được phong làm Hoàng hậu một người khác được phong làm Thục Huệ phi. Như vậy, cả hai người vợ này đều là em họ của Thuận Trị. Sau đó, Thuận Trị còn lấy một người cháu gọi Hiếu Trang bằng bà, được phong là Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu. Theo đó, Thuận Trị không chỉ lấy em họ mà còn lấy cháu họ của mình làm vợ.
Quang Tự
Sau khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, lật đổ nhà Minh thì bắt đầu chịu ảnh hưởng của những quan niệm văn hóa của người Hán vì vậy, việc hôn nhân giữa những người có họ hàng thân thuộc trong hoàng tộc Mãn Thanh dần bị hạn chế. Thời Khang Hy, Gia Khánh đều có quy định những người có họ Ái Tân Giác La, những người là con cháu của hoàng hậu, quý phi đều được miễn trong các đợt tuyển mỹ nữ vào hậu cung của hoàng đế. Tuy nhiên, quy định thì vẫn là quy đinh, còn thực tế thì việc hôn nhân cận huyết trong hoàng tộc triều Thanh vẫn tồn tại.
Thuận Trị lấy chị gái của Đồng Quốc Duy làm vợ, người này sau đó đã sinh ra hoàng tử thứ 3, tức Hoàng đế Khang Hy sau này.
Tuy nhiên, sau đó, Khang Hy lại lấy con gái của Đồng Quốc Duy làm vợ, người này chính là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu. Một người em gái của Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu cũng được gả cho Khang Hy và được phong làm quý phi. Như vậy, Khang Hy lấy cùng lúc hai chị em ruột, thành ra Đồng Quốc Duy vừa là cậu lại vừa là bố vợ của Khang Hy. Đến những năm cuối triều Thanh, Quang Tự Đế cùng lúc lấy cả hai cô con gái của quan Thị lang Trường Tự làm vợ, hai người này lần lượt được phong làm Cẩn Tần và Trân Tần. Những cuộc hôn nhân kiểu như vậy hoàn toàn không hề ít trong hoàng tộc Mãn Thanh.
Bộ tộc Nữ chân thời kỳ đầu chỉ có khoảng 30 ngàn người, trong khi đó, các tộc người Mông Cổ đã có tới hơn 400 nghìn quân thiết kỵ. Với một bộ tộc yếu ớt như người Mãn muốn mở rộng lãnh thổ, xây dựng bá nghiệp thì việc liên kết với các tộc Mông Cổ là một hành động cực kỳ thông minh. Để củng cố liên minh này, Không các Đại hãn của nước Kim (giai đoạn đầu nhà Thanh) cho tới các Hoàng đế Đại Thanh cho tới các vương công quý tộc đều lấy con gái bộ tộc Mông Cổ làm vợ.
Ngược lại, họ đem những người con gái của mình gả cho những người quý tộc của các bộ lạc Mông Cổ. Tuy nhiên, việc tăng cường sự liên minh này thông qua hôn nhân khiến quan hệ hôn nhân giữa hai tộc người này ngày càng trở nên phức tạp, nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh hôn nhân cận huyết, thậm chí là loạn luân. Và đây chính là nguồn gốc, căn nguyên đã “hủy diệt” hoàng thất Thanh triều về sau này.
Thống kê của các sử gia chỉ ra rằng, năng lực sinh dục của các Hoàng đế triều Thanh, tính từ Hoàng Thái Cực càng ngày càng tệ hại, tỉ lệ những hoàng tử và công chúa chết yểu ngày càng tăng lên. Và cho tới ba đời vua cuối cùng của vương triều này thì gần như họ không còn khả năng sinh dục nữa.
Theo những gì sử sách còn ghi lại, Hoàng Thái Cực thọ 51, những phi tần được biên kê một cách chính thức gồm 15 người. 15 người này sinh cho Hoàng Thái Cực tổng cộng 11 con trai và 14 con gái. Trong số 11 người con trai thì những người sống qua tuổi 16 chỉ có 7 người, 4 người còn lại chết từ khi còn rất nhỏ. Trong khi đó, 14 người con gái thì có 13 người trưởng thành qua tuổi 16. Như vậy, tỷ lệ những người con chết khi còn nhỏ của Hoàng Thái Cực là 20%.
Đến đời vua Thuận Trị, chết vì bệnh đậu mùa, thọ 24 tuổi, có thể coi là diện “đoản mệnh”. Tuy nhiên, những người phi tử có danh phận chính thức của Thuận Trị lên tới 18 người. 18 người này sinh cho Thuận Trị tới 8 người con trai và 6 người con gái. Trong đó 4 người con trai và 2 người con gái chết từ khi còn nhỏ. Trong số 4 người sống qua tuổi 16 thì chỉ có một người là lấy được chồng, còn lại đều chết rất sớm. Theo tính toán, tỷ lệ những người con chết khi còn nhỏ của Thuận Trị lên tới 43%.
Vị Hoàng đế thứ 3 chính là Hoàng đế Khang Hy. Đây là vị hoàng đế có nhiều phi tần nhất, nhiều con nhất và cũng là vị hoàng đế sống thọ nhất và trị vị lâu nhất trong lịch sử triều Thanh. Khang Hy sống tới năm 68 tuổi mới mất. Theo thống kê chưa đầy đủ, ông vua này có tới 55 người vợ, sinh được 35 người con trai và 20 người con gái. Trong đó số người con trai sống đến tuổi trưởng thành, nhận được tước phong chỉ có 12 người, số người con gái sống qua tuổi 16 chỉ có 8 người. Tỷ lệ những người con chết yểu ở Khang Hy lên tới 51%.
Cho tới Hoàng đế thứ 7 là Đạo Quang Đế, hưởng thọ 67 tuổi, hậu phi có tới 20 người, sinh được 9 người con trai, 10 người con gái. Trong đó, 2 người con trai chết từ khi mới sinh ra chưa được bao lâu, 4 người khác chỉ sống qua tuổi 20 một chút đều lần lượt chết yểu. Ngoài ra, 10 người con gái thì chỉ có 5 người trưởng thành, sống qua tuổi 16. Như vậy, tỷ lệ những người con chết yểu của Đạo Quang là 37%.
Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn so với Khang Hy hay Thuận Trị, song vẫn cao hơn rất nhiều so với Hoàng Thái Cực. Nên nhớ, vào thời Hoàng Thái Cực, ông ta vẫn mang theo và vợ con rong ruổi ngày đêm trên chiến trường, điều kiện chăm sóc và chữa bệnh kém hơn rất nhiều so với thời của Đạo Quang. Thế nhưng, tỉ lệ những đứa con chết yểu của Hoàng Thái Cực lại thấp hơn rất nhiều so với Hoàng đế Đạo Quang.
Với người kế vị Đạo Quang là Hoàng Đế Hàm Phong, mọi chuyện càng trở nên tệ hơn. Hàm Phong một đời phong lưu, số hậu phi có tới 19 người, tuy nhiên, ông chỉ có hai người con trai và một cô con gái. Đứa con trai đầu vừa sinh ra, chưa kịp đặt tên thì đã qua đời. Đứa con gái chỉ sống được đúng 2 năm cũng không qua khỏi. Người duy nhất may mắn sống sót cũng chính là Hoàng đế Đồng Trị sau này. Tuy nhiên, Hàm Phong Đế chưa phải là người tệ nhất trong các đời vua Mãn Thanh. Bởi vì sau ông, từ Đồng Trị, Tải Thuần cho tới Hoàng đế cuối cùng là Phổ Nghi đều không ai sinh được đứa con nào.
Những con số trên là minh chứng rõ nhất chứng tỏ rằng, tập tục hôn nhân quá gần gũi trong hoàng tộc Mãn Thanh đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh dục của các hoàng đế về sau. Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng từ tập tục hôn nhân, việc tuyệt tự của ba đời hoàng đế cuối cùng còn phụ thuộc vào chính lối sống của ba vị hoàng đế này.
Đầu tiên là Hoàng đế Đồng Trị, ông vua ăn chơi, dâm loạn có tiếng và cũng là ông vua duy nhất được xác định là chết vì bệnh giang mai khi tuổi đời mới 21 tuổi. Thích du hý, thích tìm của lạ chốn giang hồ nên ngay từ thời thanh niên trai trẻ, Đồng Trị đã luôn tìm tới lầu xanh để hưởng lạc. Kết cục cho những lần ăn chơi trác táng đó là ông đã mắc bệnh giang mai.
Trên thực tế, nguyên nhân khiến Đồng Trị từ bỏ chốn hậu cung bạt ngàn mỹ nữ để tới chốn thanh lâu hưởng lạc là vì sự chèn ép của Từ Hy Thái hậu. Tuy lên làm vua từ trẻ nhưng thực chất Đồng Trị không có quyền lực trong tay, vì mọi việc triều chính đã bị Từ Hy Thái Hậu thâu tóm hết. Thậm chí cả chuyện ân ái, yêu đương của vị vua trẻ này với các hoàng hậu, phi tần cũng bị Từ Hy bức ép. Trong hai cô gái mà hai vị thái hậu đề cử cho chức vị hoàng hậu, nhà vua đã chọn người của Thái hậu Từ An. Điều này khiến Từ Hy căm ghét nên bà luôn ngăn cản Đồng Trị chăn gối với hoàng hậu, bà ép con trai “ân ái” với phi tần mà mình chỉ định. Chán nản, vị vua trẻ đã theo chân các thái giám ra ngoài cung tìm thú vui ở chốn lầu xanh.
Kết quả những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng với đám gái giang hồ đã khiến Đồng Trị bị mắc bệnh giang mai, cơ quan sinh dục lở loét. Sau khi Đồng Trị qua đời, để tránh điều tiếng thị phi cho triều đình, Từ Hy Thái Hậu đã tuyên bố rằng Hoàng đế băng hà là do mắc bệnh đậu mùa. Qua đời khi còn quá trẻ, trước đó do không động chạm thân xác nhiều với các phi tần, cung nữ nên khi Đồng Trị qua đời, vị hoàng đế này đã không để lại mụn con nào.
Không giống như Đồng Trị, Quang Tự dù cũng là một con rối trong bàn tay Từ Hy nhưng lại được vị thái hậu này để cho tự do trong việc ân ái vợ chồng. Tuy nhiên, Quang Tự lại mắc căn bệnh di tinh khá trầm trọng nên không có khả năng sinh con. Vào năm Quang Tự 33, tức năm 1907, cũng là môt năm trước khi Quang Tự chết, ông từng nghiên cứu rất kỹ và viết về tình hình bệnh trạng của mình rằng: “bệnh di tinh đã kéo dài hơn 20 năm. Nhiều năm trước, mỗi tháng mười mấy lần, thời gian gần đây chỉ 2-3 lần…”.
Quang Tự sinh tháng 8/1871, khi viết những dòng trên vừa tròn 36 tuổi như vậy ông ta bị di tinh từ khi 15-16 tuổi, mỗi tháng hàng chục lần, bị bệnh nặng như thế thì khó có thể có con nối dõi.
Mặc dù không đủ dũng cảm để thừa nhận như Quang Tự, tuy nhiên, nhiều nhà sử học cho rằng, nguyên nhân khiến Phổ Nghi không có con nối dõi chính là vì ông ta mắc chứng bất lực. Trong cuốn hồi ký của mình, Phổ Nghi có viết: “Lúc Hoàng đế Phổ Nghi mới 10 tuổi, để tránh hầu hạ vua, các thái giám tối nào cũng đẩy cung nữ vào phục vụ ông, có đến ba cô một tối. Họ ‘quần’ ông đến mệt lử mới để cho ông ngủ. ‘Hôm sau thức dậy, tôi hoa mắt chóng mặt, nhìn mặt trời và mọi thứ đều ra một màu vàng ệch”. Cũng từ những dòng hồi ký này, mà nhiều người đã nghĩ rằng, ngay từ năm 10 tuổi, do quá mệt mỏi vì phải “phục vụ” các cung nữ nên Phổ Nghi sinh ra chứng… bất lực.
> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa
Phong Nguyệt
* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.