Trong tiết trời mùa đông hanh khô, một số người khi chạm vào các đồ vật như kim loại, kéo chăn mền, bật công tắc, thậm chí là chạm vào tay người khác,… lại có cảm giác như bị điện giật. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng tĩnh điện và khi bị giật thì đó là giật tĩnh điện.
Tĩnh điện xảy ra khi trên một bề mặt vật liệu bị mất cân bằng điện tích. Trong quá trình 2 vật tiếp xúc nhau, sự ma sát sẽ làm điện tích chuyển từ vật này sang vật kia. Dẫn đến trên một vật sẽ thừa điện tích dương, trên vật kia sẽ thừa điện tích âm. Cơ thể người là một bộ máy điện hóa có thể tạo ra một lượng điện năng và gây giật nhẹ khi ma sát với một đồ vật khác.
Tĩnh điện tuy tạo ra dòng điện gây giật nhưng thường rất yếu và không gây ảnh hưởng lên sức khỏe con người. Vậy thì vì sao vào mùa đông hiện tượng tĩnh điện này lại xảy ra nhiều hơn? Đó là do trong không khí độ ẩm bị sụt giảm, khiến các electron không di chuyển ra khỏi con người cơ thể kịp mà bị tích tụ lại gây nên tĩnh điện. Độ ẩm (hơi nước) trong không khí càng cao thì điện tích dư càng giảm, hiện tượng tĩnh điện càng ít.
Để tránh bị điện giật như vậy vào mùa đông, bạn có thể làm cho không khí có nhiều độ ẩm hơn bằng máy phun sương, máy tạo độ ẩm,… Bên cạnh đó, để giảm sự tĩnh điện khi có ma sát giữa người và vật, bạn có thể chọn những chất liệu quần áo như cotton. Bởi những loại vải có chất liệu sợi tổng hợp lại dẫn điện tốt, gây ra tĩnh điện nhiều hơn.
Ngoài ra, bạn có thể tăng cường độ ẩm cho tay bằng cách xoa kem dưỡng ẩm cho tay thường xuyên. Cách này cũng khá hiệu quả trong điều kiện thời tiết hanh khô của mùa đông.