Trước khi Đức quốc xã mạo phạm biểu tượng cổ xưa này, “Swastika”, hình dấu thập/hình chữ vạn đã là một biểu tượng phổ biến trên toàn thế giới, được sử dụng trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
Người ta có thể thấy hình chữ vạn trang trí trên các máy bay chiến đấu của Latvia và Phần Lan (chắc chắn không có mối quan hệ nào với không quân Đức quốc xã), biểu tượng của Sư đoàn Bộ binh 45 của quân đội Mỹ, thậm chí trên các chai nước ngọt Coca-Cola và bia Carlsberg.
Trong những năm trước Cách mạng Nga, hình chữ vạn có thể được nhìn thấy trên các biểu tượng, quần áo và đĩa ăn, cũng như những chiếc xe của triều đại Romanov. Vào thời cổ đại, nó thường xuất hiện trong các nền văn hóa ở vùng Kavkaz. Cho đến năm 1917, nước Nga Xô viết đã trở thành quốc gia tiếp theo sử dụng biểu tượng này trên tiền giấy.
Tiền giấy của Liên Xô
Khi Cách mạng tháng Hai năm 1917 của Nga lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, một trong những quyết định đầu tiên của Chính phủ lâm thời là in tiền mới. Chữ vạn đã được in trên những tờ tiền giấy mới này.
Tuy nhiên, chính quyền mới đã bị hạ bệ vào tháng 11 cùng năm sau cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đưa những người Bolshevik lên nắm quyền.
Trong bối cảnh hỗn loạn của cuộc nội chiến tiếp theo, chính quyền mới không có đủ thời gian cũng như năng lực kỹ thuật để thiết kế và in tiền giấy mới, vì vậy tiền của Chính phủ lâm thời tiếp tục được sử dụng. Do đó, tiền giấy mang hình chữ vạn đã được lưu hành trong gần 5 năm, cho đến năm 1922.
Trong Hồng quân
Có đôi lúc trong cuộc Nội chiến Nga, vào tháng 11/1919, Vasiliy Shorin, chỉ huy của mặt trận Đông Nam, đã ban hành “Lệnh 213” bắt buộc tất cả các sư đoàn Kalmyk (gồm những binh sĩ theo đạo Phật) phải đeo một miếng phù hiệu hình chữ vạn.
Chữ vạn được nhắc đến trong tài liệu có tên là “lyungtn”- một lỗi chính tả của thuật ngữ Phật giáo “lungta” (phong mã) - tượng trưng cho sự sống của con người.
Lệnh cấm
Chữ vạn thường xuất hiện trong các tài liệu của Liên Xô trong những năm 1920. Một số họa sĩ Liên Xô cũng từng sử dụng biểu tượng này trong các tác phẩm của họ. Tuy nhiên, khi phe cực hữu nước Mỹ bắt đầu sử dụng nó như một biểu tượng thống nhất, chữ vạn dần dần không còn thịnh hành ở Liên Xô.
Và đến năm 1933, khi đảng Quốc xã của trùm phát xít Adolf Hitler lên nắm quyền ở Đức, chữ vạn nhanh chóng mang ý nghĩa hoàn toàn tiêu cực ở Liên Xô. Tài liệu, sách, tác phẩm nghệ thuật và những thứ khác chứa biểu tượng bị tiêu hủy hoặc bị đưa đi lưu trữ nhằm tránh khỏi tầm mắt công chúng. Biểu tượng sau đó bắt đầu được sử dụng công khai dành riêng cho cơ quan tuyên truyền chống phát xít.
Chữ vạn của Đức quốc xã
Biểu tượng chữ vạn hay Swastika là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất. Các di chỉ khảo cổ từ cách đây hàng nghìn năm cho thấy con người đã sử dụng ký hiệu này ở hầu khắp các lục địa Á, Âu, Mỹ.
Nhiều người cho rằng biểu tượng hình chữ vạn mà Hitler sử dụng là lấy cảm hứng từ chữ vạn của Phật giáo, tuy nhiên điều này không chính xác. Phật giáo chỉ là một trong nhiều khía cạnh văn hóa tôn giáo của loài người sử dụng biểu tượng Swastika.
Tương tự như vậy, Swastika được biết đến là một biểu tượng đặc trưng của người Aryan. Đến thế kỷ 20, Swastika của người Aryan trở thành một biểu tượng chung của chủ nghĩa dân tộc Đức và được Hitler tôn sùng.
Hitler say mê với những lý thuyết về chủng tộc Aryan, thúc đẩy ý tưởng về một dân tộc Đức thượng đẳng ưu tú vượt trội và coi người Do Thái là kẻ thù của người Aryan.
Đến những năm 1920, khi Hitler trở thành lãnh tụ đảng Quốc xã, trùm phát xít cảm thấy cần phải có một lá cờ và biểu tượng riêng cho lý tưởng của mình. Kể từ đó, đi cùng với chủ nghĩa phát xít kinh hoàng trên toàn thế giới là lá cờ mang biểu tượng Swastika.