Ngày nay, nếu muốn gửi đi một tin nhắn hay thông điệp, chúng ta chỉ cần một vài cú click chuột nhưng cách đây hàng ngàn năm, khi công nghệ thông tin chưa ra đời, con người phải sử dụng cách thức liên lạc khác thủ công hơn đó là dùng chim bồ câu. Theo các nghiên cứu, loài chim này sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội để trở thành “bưu tá viên” xuất sắc.
Cụ thể, chim bồ câu được thuần hóa từ hơn 5.000 năm trước. Kể từ đó, con người bắt đầu huấn luyện chúng để vận chuyển thư tín, mệnh lệnh, thông tin tối mật từ nơi này đến nơi khác. Chim bồ câu được chọn làm nhiệm vụ đưa thư vì nó có thể bay hàng nghìn km hoặc hơn với tốc độ khoảng 100 km/h. Một số con có thể đạt tốc độ tới 180 km/h.
Đặc biệt chim bồ câu có khả năng bắt chước và ghi nhớ đáng nể. Để tìm hiểu khả năng ghi nhớ của loài chim này, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu khoa học quốc gia, Viện nghiên cứu thần kinh Mediterranean (Pháp) tiến hành thí nghiệm với 2 con bồ câu. Họ cho 2 con vật xem hàng nghìn bức ảnh. Sau vài tháng, họ cho chúng xem lại đồng thời huấn luyện chúng cách dùng mỏ đánh dấu lên những ảnh mà chúng từng nhìn thấy. Thử nghiệm này được lặp lại nhiều lần. Kết quả là, số ảnh mà 2 con chim nhớ được nằm trong khoảng từ 800 - 1.000 chiếc.
Vậy những chú chim tìm thấy đường về sau khi bay khỏi điểm xuất phát với chặng đường dài hàng ngàn km bằng cách nào? Một khía cạnh nào đó, chim bồ câu đã dựa vào khả năng khứu giác như một chiếc la bàn. Chúng cũng dựa vào môi trường tự nhiên thân thuộc và cột mốc ranh giới nhân tạo để nhận biết các vùng lãnh thổ. Vì vậy, dù không chuyển tin trong thời gian dài ở một khu vực thì bồ câu vẫn có thể bay đến vị trí chỉ định chính xác.
Đáng chú ý, bồ câu có thể tự tìm đường khi thực hiện các cuộc hành trình dài, ngay ở lần đầu tiên “làm nhiệm vụ”. Khi bay nhiều lần trên cùng một hành trình, chúng thường nghỉ ngơi ở một chỗ quen thuộc trên chặng bay. Ngoài ra, bồ câu còn có khả năng định vị bằng từ trường, do đó, chúng có thể phân biệt được cả 2 hướng Bắc – Nam.
Bên cạnh đó, do kích thước nhỏ bé và bay trên trời nên bồ câu được huấn luyện và sử dụng rộng rãi trong việc vận chuyển thư tín, mệnh lệnh quân sự hơn so với con người. Loài vật này bay nhanh và cao nên khó bị phát hiện và tiêu diệt.
Kể từ sau Thế chiến thứ 1, chim bồ câu đưa thư dần vắng bóng trên chiến trường do con người phát minh ra nhiều cách thức liên lạc mới với ưu điểm nổi trội hơn. Hiện tại, dù Internet đang rất phát triển nhưng không ít người vẫn nuôi và huấn luyện chim bồ câu để đưa tin.
Minh Hoa (t/h)