Mới đây, bộ phim Chạy đi rồi tính của hai đạo diễn Nam cito và Bảo Nhân ra mắt khán giả. Trước giờ chiếu 30 phút, đạo diễn Bảo Nhân thông báo việc phim bị dán nhãn 16+, theo đó, diễn viên Trọng Khang – người đóng nhân vật Subin của phim không được tham dự buổi chiếu phim có mình đóng, vì diễn viên nhí này dưới 16 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng, việc dán nhãn phim điện ảnh này liệu có đúng khi một bộ phim gia đình mà lại bị hạn chế về lứa tuổi xem phim? Liệu phim điện ảnh Việt có đi chậm một bước so với điện ảnh thế giới khi vướng “nỗi oan” dãn nhãn nhầm?
Rơi nước mắt tại… buổi ra mắt phim
Theo đó vào ngày 29/12/2016 vừa qua, hai đạo diễn Bảo Nhân, Namcito cùng dàn diễn viên cũng đã có mặt tại rạp chiếu phim ở Tp. HCM để cùng khán giả giao lưu trong ngày ra mắt phim Chạy đi rồi tính. Trong phần giao lưu, đạo diễn Bảo Nhân bất ngờ công bố thông tin diễn viên nhí Trọng Khang không thể vào rạp xem suất phim công chiếu cùng các diễn viên khác. Lý do là bộ phim Chạy đi rồi tính đã bị dán nhãn NC16 (cấm trẻ em dưới 16 tuổi). Ngay tại rạp chiếu phim, đạo diễn Bảo Nhân xin lỗi vì đã không bảo vệ được thành quả của ê-kíp, dù đã rất cố gắng xây dựng bộ phim hướng đến đối tượng gia đình và dành cho cả trẻ em.
Dàn diễn viên chính của bộ phim Chạy đi rồi tính cũng không lường trước được thông tin này. Trọng Khang ôm đạo diễn bật khóc ngay lúc đó, kéo các diễn viên khác cùng òa khóc. Những người có mặt tại rạp cũng rất bất ngờ khi nghe tin một bộ phim gia đình mà lại bị dãn nhãn 16+ như thế.
Trao đổi với pv báo Người Đưa Tin về câu hỏi, phim Chạy đi rồi tính dãn nhãn 16+, liệu có oan? Đạo diễn Việt Dũng cho biết: “Có lẽ vì phim Chạy đi rồi tính ra rạp vào ngày 29/12/2016 nên vẫn phải tuân thủ quy định cũ của Cục Điện ảnh và phải dán nhãn 16+, vì thế phim bị… “oan”. Vì từ ngày 1/1/2017, phim ra rạp sẽ có quy định mới, đó là loại P - PG (Parental Guidance suggested) - Ai xem cũng được, nhưng trẻ em nên có bố mẹ đi kèm để giải thích những điều khó hiểu, loại C13 - được hiểu là dành cho khán giả trên 13 tuổi, loại C16 - với yêu cầu chủ đề nội dung phim hợp với người trưởng thành (trên 16 tuổi) và loại C18 - chấp nhận phim có chủ đề khai thác vấn đề nhạy cảm của người lớn, hành vi bạo lực vẫn bị hạn chế và riêng phần khỏa thân, không miêu tả chi tiết các bộ phận sinh dục, không có hình xăm phản cảm, không có thời lượng kéo dài... Nếu phim Chạy đi rồi tính dán nhãn 13+ thì hợp hơn, nhưng do ra mắt vào năm 2016 nên đành phải chịu dãn nhãn 16+…”.
Không phải phim nào cũng dãn nhãn 16+ được…
Trao đổi với pv, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Nguyên cục Phó Cục Điện ảnh, thành viên hội đồng duyệt phim Quốc gia cho biết: “Tôi hiểu rằng, phim dãn nhãn 16+ sẽ hạn chế khán giả đến xem nhưng nó giữ được bộ phim toàn vẹn, không bị cắt cúp…”.
“Nhiều đạo diễn rất yêu phim – yêu “đứa con" tinh thần của mình, không muốn bỏ một chi tiết nào trong phim nên tôi nghĩ, việc dán nhãn phim là sự tôn trọng sáng tác cá nhân của đạo diễn phim, vì thế vào ngày 1/1/2016 đã có 4 cấp độ phân loại phim, thì sẽ dễ dàng hơn trong việc phân loại khán giả xem. Tôi đánh giá phim Chạy đi rồi tính là một bộ phim tốt, vì đây là bộ phim hài pha hành động, mang tính nhân văn, cảm hoá được con người, mang cái thiện đến vào cuối phim. Hai đạo diễn Nam cito và Bảo Nhân còn trẻ nhưng rất năng động và sáng tạo…” – Nhà biên kịch Hồng Ngát cho biết thêm.
Chia sẻ về quy trình thẩm định phim điện ảnh, bà Hồng Ngát cho hay: “Khi kiểm duyệt nội dung một bộ phim, thì các thành viên trong hội đồng đều ngồi xem và có những đánh giá riêng, hôm nào có phim Việt Nam ra thì bao giờ cũng được chiếu đầu tiên và hội đồng duyệt phim đến rất đông đủ, lãnh đạo Cục điện ảnh cũng xem để đánh giá phim có được ra rạp hay không.
Tôi cho rằng, phim dán nhãn 16+ thì an toàn nhưng không phải phim nào cũng dán nhãn được. Hôm duyệt phim Chạy đi rồi tính tôi lại đi làm phim ở Lào Cai nên không xem cùng hội đồng kiểm duyệt được. Theo tôi, phim này dãn nhãn 13+ thì hợp hơn, nhưng vì thời điểm phim ra mắt, dự thảo mới chưa thực hiện nên đành dán nhãn 16+ thôi…”.
Trả lời câu hỏi: Từ ngày 1/1/2017, khán giả ra rạp chiếu phim sẽ phải trình chứng minh thư, liệu có khả quan? Nhà biên kịch Hồng Ngát trả lời: “Cũng hơi khó vì trẻ con bây giờ lớn nhanh lắm, 13 tuổi mà như 15 – 16 tuổi, còn 16 tuổi thì như 18 – 20 tuổi nên việc “nhìn mặt đặt tuổi” là rất khó. Mà thanh tra phim cũng bận nhiều thứ, không phải lúc nào cũng phát hiện ra việc ăn gian độ tuổi, nhưng nếu phát hiện ra thì sẽ bị phạt. Tuy nhiên, mọi thứ hiện nay vẫn dựa vào sự tự giác của khán giả và các rạp chiếu phim nữa…”.
Vì “an toàn” của phim nên dãn nhãn phim?
Diễn viên Khánh Hưng chia sẻ về việc phim Chạy đi rồi tính dãn nhãn 16+: “Tôi có thể hiểu, hội đồng duyệt phim dán nhãn 16+ vì phim có phân đoạn hai cô gái vào ngân hàng cướp tiền vàng, kim cương và đoạn ca sĩ Phương Trinh mặc quần đùi ngắn lên sân khấu hát. Tuy nhiên, là một diễn viên, tôi thấy rằng, phân đoạn có cảnh cướp hiệu vàng cũng rất… dễ thương, hai cô gái trong phim toàn làm những động tác hài hước, buồn cười chứ không có màu sắc bạo lực. Nhưng có lẽ, vì phim dành cho gia đình nên hội đồng duyệt phim muốn có sự “an toàn” nên mới hẹn chế khán giả như vậy...”.
Lạc Thành