Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, phương Tây đã giúp Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga thông qua 2 biện pháp chính, đó là hỗ trợ quân sự cho Ukraine và trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Mới đây, Liên minh châu Âu đã công bố vòng trừng phạt thứ 11 đối với Nga. Tuy nhiên, các biện pháp lần này chủ yếu nhắm vào các công ty có trụ sở tại các quốc gia mà Brussels tin rằng đang bị lợi dụng để phá vỡ các biện pháp trước đó.
Nguyên nhân có sự thay đổi mục tiêu trong lần trừng phạt này là sự gia tăng đáng kể trong việc nhập khẩu hàng hóa phương Tây vào các nước giáp biên giới với Nga trong vài tháng qua. Những hàng hóa này được cho là sẽ được đưa đến Nga sau đó.
Theo các nhà phân tích kinh tế, thực tế là các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với các nước thứ ba cho thấy những hạn chế ban đầu không hiệu quả như dự kiến, và Nga khá thành công trong việc tìm ra giải pháp thay thế.
Nhập khẩu qua trung gian
Theo bà Alexandra Prokopenko thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu ở Berlin, đây là tình huống chưa từng có tiền lệ.
“Chúng ta đang chứng kiến một loại thử nghiệm kinh tế chưa từng xảy ra trước đây. Bởi vì chưa có quốc gia nào chịu nhiều lệnh trừng phạt như vậy. Hiện có hơn 13.000 lệnh trừng phạt hoàn toàn khác nhau chống lại Nga. Con số này nhiều hơn cả các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran, Syria, Triều Tiên và Cuba cộng lại”, bà Prokopenko cho biết.
Trong khi đó, châu Âu đang cố gắng đảm bảo các công ty hiểu rằng mình đang lách luật trừng phạt để đưa ra hành động phù hợp.
“Một số công ty có thể đang vô tình vi phạm các biện pháp trừng phạt. Ví dụ, họ nhận được một đơn đặt hàng vòng bi đến Kazakhstan và họ vui vẻ xuất khẩu sản phẩm đó mà không hề biết rằng những vòng bi đó đang đi thẳng đến Nga và được sử dụng cho máy móc, thiệt bị phục vụ cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine”, theo ông Berit Lindeman, Tổng thư ký Ủy ban Helsinki của Na Uy.
Dữ liệu hải quan từ 12 quốc gia EU, Na Uy, Anh, Mỹ và Nhật Bản cho thấy, việc lách các lệnh trừng phạt xuất khẩu đối với Nga lên tới con số đáng kinh ngạc 8,5 tỷ USD vào năm 2022.
Trong số các quốc gia được nghiên cứu, Đức dường như là nước xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt lớn nhất sang Nga; đứng thứ hai là Litva. Cả hai quốc gia này cung cấp một nửa số hàng hóa phương Tây mà lẽ ra Moscow không được tiếp cận.
Nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp Đức, sử dụng các nước thứ ba để bán sản phẩm của họ cho Nga.
Phân tích dữ liệu xuất khẩu đối với hàng hóa bị trừng phạt, bao gồm các mặt hàng xa xỉ như đồ trang sức và nước hoa, thường được giới thượng lưu ở Moscow yêu thích, công nghệ tiên tiến, như chất bán dẫn tiên tiến và máy tính lượng tử, máy móc và thiết bị vận tải cho thấy, xuất khẩu những mặt hàng này của phương Tây sang Nga giảm mạnh nhưng sang các nước láng giềng lại tăng vọt vào đầu năm 2022.
Gần một nửa các mặt hàng này này được chuyển qua Kazakhstan, và phần còn lại được phân bố ở Georgia, Armenia, Kyrgyzstan và các nước khác.
Điểm quan trọng là danh sách các sản phẩm bị trừng phạt bao gồm hàng hóa lưỡng dụng, có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như máy bay không người lái, phương tiện và một số hóa chất.
Chuyển hướng sang châu Á
Sau một cuộc khủng hoảng tài chính ngắn ngủi, Nga đã định tuyến lại phần lớn hoạt động thương mại của mình đối với các nền kinh tế châu Á và vượt qua các lệnh trừng phạt ban đầu.
Năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế Nga. Khối lượng xuất khẩu của nước này giảm đều vào năm 2022, nhưng Điện Kremlin thậm chí còn kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán khí đốt cho châu Âu so với năm 2021 do giá tăng nhanh hơn, ngân hàng trung ương Nga cho biết.
Các nền kinh tế châu Á đã đóng vai trò là điểm đến thay thế cho hàng xuất khẩu của Nga cũng như các nguồn nhập khẩu mới. Liên kết thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh và các nước Trung Á đã thúc đẩy nền kinh tế Nga.
Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc tăng 29% vào năm 2022 và 39% trong quý I/2023. Năm 2022, thương mại của Nga với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 68% trong khi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ tăng 87%. Thương mại Nga-Ấn tăng 205% lên 40 tỷ USD.
Chuyển hướng xuất khẩu là cứu cánh cho doanh số bán năng lượng của Nga, chiếm một phần lớn trong thương mại của nước này. Tháng 1/2022, các nước châu Âu đã nhập khẩu 1,3 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, trong khi các khách hàng châu Á mua 1,2 triệu thùng. Đến tháng 1/2023, doanh số bán hàng của Nga sang châu Âu đã giảm xuống dưới 100.000 thùng mỗi ngày, nhưng xuất khẩu sang châu Á tăng lên 2,8 triệu thùng.
Các nhà xuất khẩu châu Á cũng lấp một phần khoảng trống do các nhà cung cấp thiết bị sản xuất tiên tiến và công nghệ cao của phương Tây để lại. Các công ty Trung Quốc hiện chiếm 40% doanh số bán ô tô mới và 70% doanh số điện thoại thông minh ở Nga.
Sau khi ngành công nghiệp ô tô trong nước bị ảnh hưởng do phương Tây rút vốn đầu tư, Nga đã chuyển sang nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng từ châu Âu và Nhật Bản thông qua các nước thứ ba, trong đó ô tô mới chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Á đóng vai trò quan trọng trong việc nhập khẩu máy móc và các sản phẩm hóa chất. Tính đến tháng 10/2022, mức tăng hàng năm trong xuất khẩu sang Nga từ Trung Quốc, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia gần bằng mức giảm xuất khẩu của châu Âu, Mỹ và Vương quốc Anh sang Nga.
Trong khi các biện pháp trừng phạt đã làm giảm tiềm năng tăng trưởng của Nga, thì nền kinh tế của nước này vẫn được duy trì nhờ sự tái tổ chức thương mại lớn, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ Trung Đông và Trung Á. Những thực tế địa kinh tế này có thể làm phức tạp thêm các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong tương lai.
Nguyễn Tuyết (Theo Euro News, East Asia Forum, Al Jazeera)