Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các trường học viện, trường ĐH, trường CĐ sư phạm triển khai thu thập thông tin, báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy trình độ ĐH, CĐ.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS.Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập về vấn đề đang được các trường, học sinh đặc biệt quan tâm.
Ông đánh giá ra sao về việc bộ GD-ĐT yêu cầu các trường báo cáo, công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm. Một con số mà đang được cho là “tù mù” hiện nay?
Yêu cầu này của Bộ GD-ĐT không phải là điều gì mới mẻ cả. Các nước trên thế giới người ta vẫn làm như thế.
Trước đây ở thời kỳ bao cấp, chỉ tiêu đào tạo là do Nhà nước đặt hàng. Và Nhà nước có nhiệm vụ bao tiêu toàn bộ sản phẩm đào tạo. Chính vì thế, tất cả phải do kế hoạch của Nhà nước đặt ra.
Khi chúng ta chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, đơn hàng từ phía Nhà nước ít đi, Nhà nước không thể thay cho toàn xã hội đặt hàng các trường, cho nên người ta có xu hướng Nhà nước chỉ đưa ra định hướng chung lớn. Việc sinh viên tốt nghiệp có việc làm hay không phải có khâu điều tra nhu cầu đào tạo hàng năm của các trường về sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng thì tỉ lệ có việc làm bao nhiêu. Các con số này giúp các trường tự điều chỉnh chỉ tiêu của mình trong năm tới. Việc này phổ biến.
Khi triển khai dự án về Đại học của Ngân hàng Thế giới tài trợ, tôi được biết đã có một số công trình làm về vấn đề này rồi. Nhưng sau khi dự án kết thúc, kinh nghiệm, sản phẩm cũng cuốn theo dự án.
Việc này không phải mới, nhưng nhiều ý kiến lo ngại việc Bộ bắt buộc các trường báo cáo có thể dẫn đến việc chống chế, nói vống số liệu?
Đúng là nhiều người e ngại sự không trung thực, chính xác của các báo cáo do các trường làm. Thực ra, báo cáo tỉ lệ việc làm cũng giống như báo cáo để phân tầng xếp hạng các trường hiện nay. Tôi cho rằng vấn đề giám sát ở đây không phải chỉ ở phía Bộ, Bộ không thể đủ người giám sát chi tiết được đâu. Theo tôi, giám sát này phải đến từ xã hội, đặc biệt là vai trò báo chí.
Theo ông, việc thực hiện yêu cầu này của Bộ có giúp cho các trường cạnh tranh công bằng, học sinh thêm tiêu chí để lựa chọn trường?
Đúng là các số liệu này sẽ giúp học sinh hiểu và có cơ sở để chọn trường học hợp lý hơn. Không những vậy, các trường thực hiện điều tra, báo cáo tình hình việc làm còn giúp chính các trường. Việc kiểm định giống như đặt một cái gương cho các trường tự nhìn vào mình để soi, tự sửa để tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tâm mà nói, tâm lý của các trường ở Việt Nam không thích kiểm định. Họ cho rằng đó là bị “soi”. Tư duy này cần phải thay đổi, xuất phát trước hết từ phía lợi ích của chính các trường. Nhà nước chỉ khống chế chỉ tiêu quy mô tối đa căn cứ vào năng lực đào tạo của các trường. Chứ cơ quản lý không thể nắm cụ thể thừa nhiều hay thừa ít nhân lực
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm (thực hiện)