Ngày 15/4, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc đưa cổ phiếu CEO vào diện "bị cảnh báo". Ngày bắt đầu có hiệu lực là từ 20/4/2021.
Theo HNX, lý do cảnh báo là lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của CTCP tập đoàn C.E.O do Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam ký báo cáo kiểm toán ngày 9/4/2021 là số âm, thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định tại mục 1.4 khoản 1 điều 13 Quy chế niêm yết.
Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất C.E.O giảm 117% so với năm 2019 (âm 103,3 tỉ đồng, giảm 711 tỉ đồng so với năm 2019).
Trước đó, Ông Tạ Văn Tố, Tổng Giám đốc của C.E.O đã ký văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán và HNX giải trình về con số này. Nguyên nhân, do doanh thu thuần bán hàng cung cấp dịch vụ giảm 3.226,2 tỉ đồng (tương ứng giảm 71% so với cùng kỳ), khó khăn đến từ đại dịch Covid-19.
C.E.O tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (VITECO) được thành lập từ năm 2001, với vốn điều lệ ban đầu là 1,6 tỷ đồng. Đến năm 2012, Công ty chính thức trở thành công ty đại chúng, với vốn điều lệ là 343 tỷ đồng.
Ngày 29/09/2014, Giao dịch đầu tiên trên HNX. Năm 2015, Đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn C.E.O, tính đến cuối năm 2015, vốn điều lệ của công ty là 686 tỷ đồng.
Được biết, Lĩnh vực hoạt động bao gồm: thương mại, kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà, cung cấp dịch vụ, nghỉ dưỡng…
Cụ thể, năm 2016, C.E.O Group chính thức khai trương Khu nghỉ dưỡng 5 sao Novotel Phu Quoc Resort, đây là khu nghỉ dưỡng đầu tiên trong hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng của công ty này.
Tiếp theo trong quá trình hoạt động của mình, ngày 07/04/2016, tái cấu trúc Công ty CP Khai thác mỏ C.E.O thành Công ty CP Du lịch C.E.O; ngày 17/10/2016, khánh thành trường cao đẳng Đại Việt trụ sở tại Bắc Ninh. Khi đó, vốn điều lệ của C.E.O là 1.029 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, mức độ vi phạm để cảnh báo nhà đầu tư căn cứ vào mức độ từ nhẹ đến nặng thì Ủy ban Chứng khoán phân nhóm làm 6 loại: Cổ phiếu bị Nhắc nhở Vi phạm trên Toàn thị trường; Cổ phiếu bị Cảnh báo; Cổ phiếu bị Kiểm soát; Cổ phiếu bị Kiểm soát Đặc biệt (Chỉ có ở HOSE, riêng HNX không có loại này); Cổ phiếu bị Tạm ngừng Giao dịch; Cổ phiếu bị Hủy Niêm yết bắt buộc.
Tổ chức niêm yết có chứng khoán thuộc diện "bị cảnh báo" phải giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị cảnh báo và công bố thông tin theo yêu cầu của sở giao dịch chứng khoán. Tổ chức niêm yết bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường khi vi phạm công bố thông tin từ 03 lần trở lên trong vòng 01 năm. Tổ chức niêm yết phải thực hiện giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường và công bố thông tin theo yêu cầu.
Hơn nữa, có thể bị tạm ngừng giao dịch chứng khoán niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp như: Giá, khối lượng giao dịch chứng khoán có biến động bất thường; Tổ chức niêm yết không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện kiểm soát hoặc và tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát; Thực hiện việc tách, gộp cổ phiếu; bị tách doanh nghiệp; Trong trường hợp SGDCKHN xét thấy cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư sau khi được sự chấp thuận của UBCKNN.
Chứng khoán niêm yết bị cảnh báo khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
- Vốn điều lệ đã góp của tổ chức niêm yết giảm xuống dưới 30 tỷ đồng Việt Nam (đối với cổ phiếu) hoặc dưới 10 tỷ đồng Việt Nam (đối với trái phiếu doanh nghiệp) tính theo giá trị ghi trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất;
- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ 3 tháng trở lên;
- Cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 6 tháng;
- Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất của tổ chức niêm yết là số âm (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến lưu ý, ngoại trừ của đơn vị kiểm toán). Trường hợp tổ chức niêm yết là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì lợi nhuận sau thuế căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp. Trường hợp tổ chức niêm yết có công ty con thì lợi nhuận sau thuế căn cứ vào lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất;
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm của công ty là số âm. Trường hợp tổ chức niêm yết có các đơn vị kế toán trực thuộc, tổ chức niêm yết có công ty con thì lỗ lũy kế căn cứ vào báo cáo tài chính tổng hợp/báo cáo tài chính hợp nhất;
- Tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm hoặc báo cáo tài chính soát xét bán niên quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin theo quy định;
- Tổ chức niêm yết vi phạm quy định công bố thông tin từ 04 lần trở lên trong vòng 01 năm;
- Trong trường hợp SGDCKHN xét thấy cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư sau khi được UBCKNN chấp thuận.