“Con khủng long biết bay” trong rừng mưa Đông Á
Báo điện tử VNexpress đưa tin, Tê điểu (Buceros rhinoceros) là một loài chim quý hiếm sống trong những cánh rừng mưa nguyên sinh ở Đông Á như: Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar và miền nam Thái Lan nhưng chủ yếu ở tập trung trên các hòn đảo Sumatra và Borneo. Nó được mệnh danh là "con khủng long biết bay".
Những con chim có sải cánh lên tới 2m, bộ lông hai màu trắng đen và mảng da trần lớn xung quanh cổ họng. Chúng nổi tiếng với tính cảnh giác và khả năng lẩn trốn. Đây là loài chim vốn nổi tiếng với lối sống bí mật, nhút nhát.
Thức ăn của Tê điểu gồm côn trùng sống trong các thân cây mục và quả hạt rừng. Chính vì lẽ đó, chúng còn được giới nghiên cứu âu yếm gọi là “nhà nông chăm chỉ của rừng”.
Theo BBC, chim Tê điểu, hay còn gọi là hồng hoàng mũ cát, nặng khoảng 3kg. Chúng có cục u tạo thành từ chất sừng (một loại protein sợi) kéo dài dọc phần trên mỏ đến hộp sọ. Chiếc sừng cứng như sắt này có thể chiếm 11 % trọng lượng con chim.
Khác với tất cả 60 loài chim mỏ sừng khác trên thế giới trải rộng khắp châu Á và châu Phi có sừng rỗng bên trong, Tê điểu sở hữu mỏ sừng đặc, cứng chắc, có cùng cấu tạo với sừng tê giác.
Loài Tê điểu nói chung dùng chiếc mỏ cứng cáp này để tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, chim Tê điểu đực dùng chiếc sừng như một vũ khí quyền lực nhằm "đấu tay đôi" với con chim đực khác để tranh giành bạn tình.
Tê điểu còn sinh sản rất hiếm, mỗi năm chỉ đẻ trứng 1 lần và chỉ nuôi 1 con nhỏ. Theo tập tính, trong khoảng thời gian ấp trứng, con cái sẽ ở yên trong tổ khoảng 5 tháng cho đến khi con non mọc lông. Toàn bộ thức ăn cho cả gia đình trong khoảng thời gian này đều phụ thuộc vào con đực. Nếu Tê điểu cha bị săn giết, cả gia đình của nó cũng chết theo!
Trong văn hóa của người Đông Nam Á hàng nghìn năm qua, loài chim Tê điểu có ý nghĩa vô cùng lớn. Chúng là linh vật thiêng liêng của người Kalimantan và người Dayak trên đảo Borneo.
Họ tin rằng, Tê điểu là sứ giả linh thiêng của các vị thần, có sứ mệnh chở linh hồn người đã khuất sang thế giới bên kia. Hơn nữa, Tê điểu còn đại diện cho hình ảnh của sự chung thủy và bền vững trong hôn nhân, gia đình.
Tuy nhiên, loài chim quý hiếm này có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.
Báo động đỏ sự sống còn của loài chim quý
Mỗi năm, hàng nghìn con chim mỏ sừng bị giết để lấy sừng và các tay săn trộm thường bán đầu chim sang Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu về chim mỏ sừng Yokyok Hadiprakarsa thuộc hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã phi lợi nhuận (WCS) Indonesia ước tính, khoảng 6.000 con Tê điểu bị giết hại mỗi năm nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người.
Chiếc sừng của Tê điểu đôi khi còn được nhắc tới như "báu vật”.
Tính cho đến nay, giá của mỏ sừng Tê điểu không hề rẻ, mỗi 1kg sừng có giá khoảng 6.150 USD, cao gấp 3 lần giá của ngà voi.
Đây là một vật liệu đẹp với bề mặt trơn nhẵn, sắc vàng dễ dàng chạm khắc tinh xảo thành mặt dây chuyền và các tác phẩm nghệ thuật phức tạp.
Tầng lớp giàu có ở một số nước rất ưa chuộng các vật dụng có mặt của "Tam quý" (là răng nanh hổ, vảy tê tê và mỏ sừng Tê điểu.
Ở Anh thời thế kỷ 19, những trang sức, vật dụng có sự xuất hiện của mỏ sừng Tê điểu trở thành xu hướng thời trang thời thượng của giới quý tộc nước này.
Khi nhu cầu của con người càng cao thì nạn săn trộm ngày càng tăng mạnh.
Loài chim quý này trong tình trạng từ gần bị đe dọa đến cảnh báo cực kỳ nguy cấp.
Theo tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế, Tê điểu thuộc hạng mục gần tuyệt chủng và cần được theo dõi cẩn thận để tránh số lượng tiếp tục giảm trong tương lai.
Minh Anh (tổng hợp)