Vì sao chỗ ngồi luật sư bị 'văng' xuống dưới?

Vì sao chỗ ngồi luật sư bị 'văng' xuống dưới?

Thứ 2, 30/09/2013 08:42

Chỗ ngồi của luật sư trong các phiên tòa hình sự đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Trước đây, Tòa án tỉnh Bình Dương và mới đây là TPĐà Nẵngbố trí lại chỗ ngồi của luật sư ngang hàng với kiểm sát viên nhận được nhiều ý kiến ủng hộ lẫn phản đối.

Tuy nhiên, chưa ai lý giải vì sao luật sư ở nước ta từng ngồi ngang hàng với kiểm sát viên, giờ lại “văng” xuống dưới. Căn cứ nào mà bây giờ các tòa “kéo” luật sư lên ngồi ngang hàng với kiểm sát viên?...

Trong Hiến pháp năm 1946, cơ quan tư pháp ở Việt Nam bao gồm: Tòa án Tối cao; các tòa án phúc thẩm; các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Đến năm 1958, viện công tố được thành lập nhưng trực thuộc Bộ Tư pháp, còn tổ chức luật sư được thành lập rất sớm theo Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945. Tuy nhiên, lúc đó số lượng luật sư rất ít, lại do hoàn cảnh kháng chiến nên các văn phòng luật sư đều ngừng hoạt động. Năm 1949, Sắc lệnh số 69/SL và Sắc lệnh số 144/SL cho phép nguyên cáo, bị cáo có thể nhờ người không phải là luật sư bênh vực cho mình. Năm 1960 Bộ Tư pháp giải thể, công tác luật sư được giao cho Tòa án Tối cao đảm nhiệm.

Trong giai đoạn này, khi xét xử một vụ án hình sự, HĐXX được thành lập gồm thẩm phán và các phụ thẩm nhân dân; thẩm phán chủ tọa phiên tòa gọi là “thẩm phán ngồi”; viên công tố gọi là “thẩm phán đứng”. Thời kỳ đó, nước ta chưa có luật tố tụng, trình tự, thủ tục xét xử một vụ án hình sự, cũng như chỗ ngồi của công tố, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được sắp xếp như phiên tòa trong thời kỳ Pháp thuộc, tức kiểm sát viên ngồi ngang hàng luật sư.

Luật sư - Vì sao chỗ ngồi luật sư bị 'văng' xuống dưới?

Hình ảnh một phiên tòa. (Ảnh minh họa)

Khi Hiến pháp năm 1959 có hiệu lực, bộ máy Nhà nước nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng được tổ chức lại theo mô hình của nhà nước Xô Viết. Theo mô hình này, VKS có chức năng nhiệm vụ rất lớn: Thực hiện quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (kiểm sát chung); kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hành chức năng công tố đứng ngoài Chính phủ, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Quốc hội. Với vị thế và chức năng, nhiệm vụ như vậy nên khi tham gia phiên tòa hình sự, VKS không chỉ làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố mà còn thực hiện chức năng kiểm sát xét xử. Vì vậy chỗ ngồi của kiểm sát viên tại phiên tòa cũng thay đổi: Từ vị trí thẩm phán đứng, kiểm sát viên không còn ngồi ngang hàng với luật sư nữa. Chỗ ngồi của luật sư trước đây được bố trí cho thư ký phiên tòa.

Đúng ra, thư ký phiên tòa phải ngồi thấp hơn HĐXX và kiểm sát viên nhưng như vậy thì phòng xử án sẽ thừa ra một chỗ ngồi, nhìn vào sẽ thấy trống trải, trong khi thư ký phiên tòa cũng là người tiến hành tố tụng nên họ được cho ngồi ngang với kiểm sát viên. Thế là luật sư bị “văng” xuống dưới!

Đến năm 2002, VKS không còn chức năng kiểm sát chung nhưng vẫn giữ chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chỗ ngồi của kiểm sát viên không thay đổi.

Kiểm sát viên ngồi cao hơn luật sư tồn tại đã hơn 50 năm. Muốn thay đổi, phải thay đổi tên gọi và chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát. Theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, VKS sẽ được tổ chức lại theo mô hình viện công tố với chức năng chủ yếu là thực hành quyền công tố và tăng cường chỉ đạo hoạt động điều tra. Theo tinh thần này, chỗ ngồi của luật sư ngang hàng với kiểm sát viên là phù hợp với xu thế cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, khi VKS chưa trở thành viện công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp vẫn còn, thì chưa có cơ sở pháp lý khi để kiểm sát viên ngồi ngang hàng với luật sư.

Theo Đinh Văn Quế (Pháp luật TP HCM)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.