Có nhiều đồn đoán về nguồn gốc của trà sữa trân châu. Nhưng mọi người đều công nhận nó xuất phát từ quán trà Chun Shui Tang ở Đài Trung, Đài Loan và người sáng tạo là một phụ nữ.
Người chủ của Chun Shui Tang là Liu Han-Chieh, lần đầu tiên đưa ra ý tưởng phục vụ trà Trung Quốc lạnh vào đầu những năm 1980 sau khi bà thấy ở Nhật Bản người ta cũng uống cafe lạnh.
Hơn 30 năm trước, những ly trà hay cafe truyền thống ở châu Á, người ta không uống lạnh.
Vào năm 1988, giám đốc phát triển sản phẩm của Chun Shui Tang là Lin Hsiu Hui mang theo những viên trân châu mà người Đài Loan vẫn ăn hàng ngày đổ vào ly trà đá của mình trong một buổi họp và thưởng thức nó.
Mọi người tại cuộc họp ngay lập tức yêu thích cách pha chế mới và hương vị trà sữa lạnh kèm trân châu nhanh chóng bán chạy hơn tất cả các loại trà khác trên menu.
Thậm chí sau 20 năm, trà sữa trân châu vẫn chiếm 80-90% doanh thu trong chuỗi nhà hàng trà của Liu Han-Chieh và tạo nên cơn sốt trên khắp Đài Loan.
Ngày nay, các cửa hàng bán trà sữa trân châu có mặt gần như mọi ngõ ngách trên đường phố của hòn đảo này. Nó lan sang các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và sau đó là Đông Nam Á cho đến Mỹ.
Trà sữa lan rộng “như cháy rừng” nhờ một mô hình nhượng quyền thương mại với chi phí thấp, công thức pha chế đơn giản dễ sao chép và số đông người có xu hướng thích trà hơn cà phê.
Về đến Việt Nam từ 10 năm trước dưới dạng các cửa hàng tự phát, trà sữa chỉ thực sự bùng nổ khi các thương hiệu đổ vào như nấm mọc sau mưa trong vài năm gần đây.
Những người trẻ như học sinh, sinh viên có thói quen uống trà sữa gần như hàng ngày, dù giá một cốc trà sữa là cao so với đối tượng chưa có thu nhập như họ.
Thú vui uống trà sữa cũng không còn bó hẹp trong các đối tượng trên mà len lỏi trong giới văn phòng như một lựa chọn thanh mát hơn cho những con người bận rộn.
Trà sữa không làm họ bị quá kích thích như các loại cafe, rượu bia nhưng lại không quá nhạt nhẽo như trà thường.
Khi được hỏi về lý do thích trà sữa và uống trà sữa như một thói quen, những người bạn của tôi đều có những lý do khác nhau. Nhưng hầu hết đều đưa ra câu trả lời: nếu không uống trà sữa, họ không biết uống thứ gì khác.
Quả thật, để tìm một thứ đồ tươi mát, đa dạng hương vị, dễ uống, dễ tìm mua, có lẽ ngoài trà sữa, không có loại đồ uống nào phù hợp hơn.
Không giống như cafe, nước tăng lực hay các loại đồ uống có cồn, trà sữa được cho là dễ uống và phù hợp cho mọi lứa tuổi.
Giới trẻ muốn tìm đến những điều mới lạ, thích tụ tập bạn bè. Họ thích loại đồ uống mát mẻ và lành mạnh.
Cũng giống như đàn ông thích la cà cafe mỗi sáng sớm, làm vài cốc bia lúc chiều muộn. Trà sữa là loại đồ uống xả stress đối với phụ nữ.
Tôi có thể nghe thấy những lý do kiểu như: “Tao buồn quá, đi uống trà sữa”, “rảnh quá đi uống trà sữa”, hay “lâu ngày không gặp, cùng đi uống trà sữa”.
Các nhà khoa học cũng chứng minh, chất ngọt giúp tinh thần con người trở nên phấn chấn hơn. Thành phần này trà sữa không thiếu. Trong khi caffeine làm con người hưng phấn nhưng dễ mệt mỏi.
Văn hóa uống trà ở Đài Loan được ví như thói quen uống cafe của người Việt Nam. Trà sữa thành công khi nó trở thành một biến tấu ngọt ngào hơn, phù hợp với tất cả mọi đối tượng.
Trà sữa đưa văn hóa trà Đài Loan lên một tầm cao mới và con người nơi đây rất tự hào với thức uống mà họ sáng tạo ra.
Chỉ cần đăng ký độc quyền sáng chế và bán lại công thức trà, Liu Han-Chieh có thể trở thành triệu phú. Nhưng bà chọn cách ngược lại.
Liu muốn đưa văn hóa trà Đài Loan được biết đến trên toàn thế giới. Tinh thần của thưởng trà là sự quây quần và sự gắn kết.
Liu ví von trà sữa của mình có thể phục vụ cho cả trẻ sơ sinh.
Lý do mà tất cả mọi người yêu mến trà sữa nói trên có lẽ đã đáp ứng tâm nguyện cả đời của người sáng tạo ra nó.