Vì sao điểm chuẩn đại học khối C năm 2022 tăng cao?

Vì sao điểm chuẩn đại học khối C năm 2022 tăng cao?

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 2, 19/09/2022 19:00

Sau khi các trường đại học hoàn thành công bố điểm chuẩn trúng tuyển, có thể thấy điểm khối xã hội nhảy vọt, ở ngưỡng cao, thậm chí gần tuyệt đối 30/30.

Điểm chuẩn khối C "phi mã"

Kỳ tuyển sinh 2022, điểm chuẩn đại học khối C ở hầu hết tất cả các trường đại học đều cao ở mức kỷ lục, từ trường tốp dưới cho đến trường tốp đầu, ở gần như tất cả các ngành. Theo các chuyên gia giáo dục, điều này do điểm môn Lịch sử đã “biến hình” thành công trong Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua với mức điểm cao chưa từng có kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cách tổ chức thi.

Đặc biệt có 10 ngành học điểm chuẩn cao nhất 2022, khối C có tới 7 ngành.

Theo đánh giá của các trường, các ngành tuyển sinh tổ hợp khối C00 (Văn - Sử - Địa) năm nay đa số điểm chuẩn tăng do điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử tăng vọt so với các năm trước. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử lệch phải qua mốc 5 điểm.

Ngành Sư phạm Lịch sử, Đại học Hồng Đức là một trong ba ngành học điểm chuẩn cao nhất cả nước. Ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các ngành đào tạo chất lượng cao năm nay tính theo thang điểm 40, với điểm môn chủ chốt của ngành đó nhân đôi. Hai ngành sư phạm Ngữ văn và Lịch sử chất lượng cao đều được nhân đôi môn chính.

Điểm cao là do số lượng chỉ tiêu trường dành cho các ngành này ít, trong khi hồ sơ đăng ký lớn. "Theo danh sách điểm trúng tuyển của nhà trường chưa có thí sinh nào đạt 3 điểm 10, hầu hết là thí sinh được cộng điểm ưu tiên nên có điểm 39,92", ông Dũng lý giải.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Tp.HCM nhận định, những ngành xét tuyển theo tổ hợp C00 của các trường năm nay điểm chuẩn tăng mạnh vì điểm trung bình thi tốt nghiệp ở các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý đều tăng so với những năm trước.

Trong đó, môn Lịch sử đạt điểm trung bình cao hơn 5. Cả nước có 38.718 thí sinh đạt 7 điểm môn thi này. Số thí sinh bị điểm liệt chỉ 83 em. Số học sinh đạt điểm 10 là 1.779, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2021 (266 em).

Theo ông Nghĩa, việc tăng điểm chuẩn các ngành xét tuyển khối C00 còn do một số yếu tố cộng hưởng như số ngành xét tuyển tổ hợp này ít; chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tổ hợp C00 giảm do chuyển chỉ tiêu sang các phương thức khác (trong khi số thí sinh đăng ký xét tuyển tổ hợp này năm nay có thể tăng lên).

Điểm chuẩn khối C ở các trường tốp trên, những ngành “hot” đã tăng khá cao trong những năm gần đây và năm nay tiếp tục lập kỷ lục mới.

Năm nay, điểm chuẩn khối C của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi có hàng loạt ngành cao ngất ngưởng. Trong số 27 ngành có xét tuyển khối C, có tới 9 ngành, chiếm 30%, có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên, tương ứng với hơn 9,6 điểm mỗi môn (nếu không có điểm cộng ưu tiên). Số ngành có điểm từ 27 trở lên là 20 ngành. Mức điểm tăng khoảng 1 điểm so với năm 2021 (trừ ngành Hàn Quốc học).

Đặc biệt, một số ngành có mức điểm chuẩn rất cao như ngành Đông phương học, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học với cùng mức điểm chuẩn 29,95 điểm, ngành Báo chí với 29,9 điểm. Đây là mức điểm cao chạm trần khi điểm tối đa của các bài thi chỉ ở mức 30 điểm, trong khi môn Ngữ văn là môn tự luận, vốn khó để đạt điểm 10 hơn các môn trắc nghiệm. Theo đó, cơ hội để đỗ vào các ngành học này rất khó khăn nếu thí sinh không có điểm ưu tiên.

Đại học Luật Hà Nội, điểm trúng tuyển theo tổ hợp khối C cũng rất cao, tăng từ nửa điểm đến gần 2 điểm so với năm 2021. Cụ thể, điểm chuẩn khối C ngành Luật Kinh tế là 29,5 điểm, ngành Luật là 28,75 điểm, ngành Luật (phân hiệu Đắk Lắk) là 24,5 điểm.

So với các tổ hợp khác trong cùng ngành tuyển sinh, tổ hợp khối C luôn có điểm chuẩn cao nhất, chênh từ 2 đến 5 điểm so với các ngành khác. Tại Đại học Luật Hà Nội, điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế khối tổ hợp A01 là 26,55 điểm, tổ hợp A00 là 26,35 điểm, thấp hơn khoảng 3 điểm so với so với mức 29,5 điểm của khối C. Ngành Luật (phân hiệu Đắk Lắk) có điểm chuẩn khối A01 và A00 đều chỉ 19 điểm nhưng khối C là 24,5 điểm, cao hơn 5,5 điểm.

Với những trường top trung và những ngành học ít thu hút học sinh hơn, mức tăng điểm chuẩn khối C năm nay càng rõ rệt.

Giáo dục - Vì sao điểm chuẩn đại học khối C năm 2022 tăng cao?

Năm nay, ngành công nghệ thông tin là một trong số những ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Ảnh minh họa.

Vì sao điểm chuẩn khối C cao chạm trần

Điểm chuẩn xét tuyển bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) năm nay tăng mạnh do phổ điểm Lịch sử và Ngữ văn cao, đặc biệt ở môn Sử.

Đỉnh phổ điểm khối C00 là 19,5-20 trong khi năm ngoái 17,5-18,5, số thí sinh đạt 26-27 điểm năm nay là hơn 9.200, trong khi năm ngoái chỉ gần 5.400. Điều này khiến nhiều ngành có điểm chuẩn ở mức tuyệt đối.

Việc điểm chuẩn khối C sẽ tăng là điều đã được các chuyên gia giáo dục dự báo ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, so với mọi năm, điểm môn Lịch sử năm nay có bước nhảy vọt so với các năm trước. Điều này kéo theo điểm tổ hợp khối C tăng.

Kết quả môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 gây bất ngờ cho nhiều người khi lần đầu tiên phổ điểm môn này lệch trái, tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ ở mức dưới 20%, thậm chí nhận “mưa” điểm 10 sau nhiều năm liên tiếp là môn có điểm thi vô cùng thấp, xếp “đội sổ” trong số tất cả các môn thi tốt nghiệp, đa số thí sinh có điểm dưới trung bình và phổ điểm luôn luôn lệch phải.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử năm nay đạt điểm bình quân là 6,34 điểm. Mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình là 19,34%. Đặc biệt, số lượng thí sinh đạt từ điểm 9 trở lên cao kỷ lục.

Cả nước có 1.779 bài thi đạt điểm 10 trong khi năm 2021 chỉ có 266 bài thi đạt điểm tuyệt đối. Số bài đạt điểm 9,75 là gần 3.800 bài thi, năm 2021 chưa đến 1.000 bài thi đạt điểm số này. Số bài thi đạt điểm 9,5 là gần 5.600 bài (năm 2021 là 2.025 bài). Có hơn 8.300 bài thi đạt điểm 9,25 (nhiều hơn năm ngoái gần 5.000 bài) và trên 11.700 bài thi điểm 9 (nhiều hơn năm 2021 gần 7.000 bài).

So với năm 2021, số bài thi điểm 10 môn Lịch sử năm nay tăng gần 7 lần, số bài thi điểm 9,75 tăng 4 lần, số bài thi điểm 9,5 tăng gấp 2,7 lần, số bài thi điểm 9,25 tăng 2,4 lần và số bài thi đạt điểm 9 tăng gấp 2,3 lần.

Sự chuyển dịch của điểm số môn Lịch sử được thể hiện rõ trên bản đồ phổ điểm khi đặt tương quan so sánh giữa hai năm 2022 và 2021.

Trong khi đó, ở hai môn còn lại của khối C00 là môn Địa lý và Ngữ văn, phổ điểm cơ bản tương đương năm 2021. Ở môn Ngữ văn, số bài thi đạt từ điểm 9,25 trở lên năm nay tăng gấp đôi so với năm 2021, số bài thi đạt điểm 9 tăng 30%. Tuy nhiên, ở môn Địa lý, số lượng bài thi điểm cao lại giảm gần tương đương.

Điểm chuẩn tuy cao chót vót nhưng theo các chuyên gia giáo dục, điều này không tương ứng với việc chất lượng thí sinh đi lên, vì đề thi môn Lịch sử năm nay được coi là “dễ thở” hơn rất nhiều so với mọi năm.

Bên cạnh đó các chuyên gia cũng lưu ý điểm chuẩn cao hay thấp, tăng hay giảm hoàn toàn phụ thuộc vào tỉ số giữa số thí sinh đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Những ngành có mức điểm chuẩn cao ngất ngưỡng của khối C thật ra có chỉ tiêu tuyển sinh rất ít. Còn những ngành có điểm chuẩn cao ở các khối xét tuyển khác là do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất đông so với chỉ tiêu.

Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng tối đa là 2,75 điểm.

Năm nay, cả nước có hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó hơn 620.000 đăng ký xét tuyển đại học. Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến từ hôm nay đến trước 17h ngày 30/9 trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung (từ tháng 10 đến tháng 12), thí sinh theo dõi thông tin được đăng tải trên trang tuyển sinh của các trường.

Đến thời điểm này, nhiều trường đã biết rõ mình thiếu chỉ tiêu và đã thông báo xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, những trường trên lý thuyết đã tuyển đủ chỉ tiêu sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1 vẫn phải hồi hộp chờ đến hết ngày 30/9/2022 mới biết thí sinh trúng tuyển có đến đông đủ hay không.

Năm nay, ngay sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1, không chờ đến 30/9/2022, hàng loạt trường ĐH đã phải công bố xét tuyển bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu. Có thể sau ngày 30/9 sẽ còn nhiều trường đại học gia nhập vào các nhóm trường xét tuyển bổ sung.

Các đợt xét tuyển bổ sung được thực hiện tại trường đại học (bao gồm đăng ký xét tuyển và xét tuyển) chứ không thực hiện chung trên hệ thống như trong đợt 1. Điều này cho thấy những đổi mới tuyển sinh năm 2022 cần được đánh giá xem xét hiệu quả trước khi tiếp tục được áp dụng ở năm tuyển sinh 2023 sắp tới.

Trúc Chi (t/h theo VTC News, Vnexpress,Tuổi Trẻ, Thế giới và Việt Nam)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.