Vì sao dự án mở rộng khu công nghiệp gần 150 tỷ đồng chỉ thu hút được 7 doanh nghiệp?

Ngô Thị Huyền

Ngô Thị Huyền

Thứ 4, 16/10/2024 09:04

Dự án tại Quảng Bình có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng trên quy mô hơn 50ha (trong đó đất cho doanh nghiệp thuê 32ha) nhưng đến nay, mới chỉ có 7 doanh nghiệp đăng ký.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh Quảng Bình, tỉnh hiện có 7 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động, gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Tây Bắc Quán Hàu, KCN Cam Liên, KCN Cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II và KCN cửa ngõ phía Tây có tất cả 40 nhà máy sản xuất đang hoạt động.

Thời gian qua, tỷ lệ lấp đầy trong các KKT, KCN ngày càng tăng lên; trong đó KCN Tây Bắc Đồng Hới hiện có tỉ lệ cao nhất với 100%, KCN cảng biển Hòn La (chưa tính phần mở rộng) lấp đầy 80%, KCN Bắc Đồng Hới (chưa tính phần mở rộng) lấp đầy 83,5%, KCN Hòn La II lấp đầy 20,5%, còn lại các KCN khác có tỉ lệ lấp đầy dưới 20%.

Vì sao dự án mở rộng khu công nghiệp gần 150 tỷ đồng chỉ thu hút được 7 doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 7 KCN đi vào hoạt động.

Có một thực tế, việc đầu tư hạ tầng tại các KCN chưa thực sự đồng bộ. Theo ghi nhận của PV, điển hình tại KCN Tây Bắc Đồng Hới mặc dù có tỉ lệ lấp đầy 100% nhưng hệ thống hạ tầng đã thể hiện rõ nét sự xuống cấp, chưa có hệ thống xử lý nước thải, một số doanh nghiệp có dấu hiệu tạm ngưng hoạt động với hệ thống dây chuyền sản xuất đã cũ và lạc hậu.

Trong khi đó, gần KCN Tây Bắc Đồng Hới là Dự án KCN Bắc Đồng Hới mở rộng, được đầu tư hoàn thiện với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Dự án có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng trên quy mô hơn 50ha (trong đó đất cho doanh nghiệp thuê 32ha) và đến nay, mới chỉ có 7 doanh nghiệp đăng ký.

Vì sao dự án mở rộng khu công nghiệp gần 150 tỷ đồng chỉ thu hút được 7 doanh nghiệp? - Ảnh 2.

KCN Tây Bắc Đồng Hới là KCN đầu tiên của tỉnh Quảng Bình, hệ thống hạ tầng đã xuống cấp.

Theo Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Bình Nguyễn Quốc Khánh, KCN Tây Bắc Đồng Hới có diện tích 66ha là KCN đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Vài nhà máy đã có từ trước khi hình thành KCN. Quan sát bằng mắt thường có thể nhìn thấy công nghệ dây chuyền của các nhà máy, doanh nghiệp từ thời xưa để lại. Tại KCN này, vào thời điểm kinh tế bình thường, DN hoạt động có một ít lợi nhuận, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây thì hoạt động mang tính cầm chừng.

Hạ tầng KCN chưa đầy đủ, việc đầu tư cần nguồn lực lớn trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp. Trong bối cảnh đó, Ban cũng đã kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ở KCN Tây Bắc Đồng Hới, hiện đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư (NĐT) cũng như thực hiện theo đúng quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Vì sao dự án mở rộng khu công nghiệp gần 150 tỷ đồng chỉ thu hút được 7 doanh nghiệp? - Ảnh 3.

Một số nhà máy tại đây hoạt động mang tính cầm chừng.

Để tạo điều kiện thu hút NĐT, vừa qua, Ban Quản lý KKT tỉnh đã tiến hành hoàn thiện hạ tầng KCN Bắc Đồng Hới mở rộng với diện tích hơn 50ha, trong đó đất cho doanh nghiệp thuê 32ha, theo phương án ứng nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, sau này sẽ hoàn trả.

Việc tỉnh xây dựng các KCN (bao gồm: GPMB, hệ thống hạ tầng…) để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đăng ký vào hoạt động là xu hướng phát triển tất yếu. Việc này sẽ rút ngắn thời gian GPMB, đảm bảo tiến độ của các dự án và đặc biệt, hạn chế tối đa tình trạng đăng ký để giữ đất.

Vì sao dự án mở rộng khu công nghiệp gần 150 tỷ đồng chỉ thu hút được 7 doanh nghiệp? - Ảnh 4.

KCN Bắc Đồng Hới mở rộng có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng.

"Trước đây, Ban cùng doanh nghiệp đi GPMB, đầu tư hạ tầng. Kinh phí có thể do doanh nghiệp bỏ ra hoặc ngân sách tỉnh hỗ trợ nhưng thời gian triển khai bị chậm. Nguyên nhân chủ yếu do GPMB, có dự án bị chậm 1-2 năm, thậm chí 5 năm.

Trước thực tế trên, Ban đã xây dựng các KCN hoàn thiện theo phương án ứng nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, sau này sẽ hoàn trả. Cụ thể, Ban "mượn" tiền Nhà nước GPMB sạch để nhà đầu tư vào; thứ hai, Ban cũng duyệt đề án xin đầu tư công vào mặt bằng mình đã giải phóng (mặt bằng, cơ sở hạ tầng…). Khi NĐT vào đầu tư sẽ tính diện tích đất để nộp tiền cho Nhà nước.

Như vậy, các nhà đầu tư muốn làm thực sự thì khi có mặt bằng sạch họ sẽ bắt tay vào làm ngay, sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Thứ hai, đơn vị nào vào giữ chỗ thì sẽ mất phí đầu tư rất lớn (1ha gần 5 tỷ đồng) nên cũng sẽ hạn chế được việc này", Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Bình Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm.

Vì sao dự án mở rộng khu công nghiệp gần 150 tỷ đồng chỉ thu hút được 7 doanh nghiệp? - Ảnh 5.

Tỉnh Quảng Bình tạo mặt bằng "sạch" cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án tại KCN.

Theo BQL KKT tỉnh Quảng Bình, trong 3 năm 2021-2023, các DN trong KKT, KCN đã nộp ngân sách 1.516 tỷ đồng chiếm 7,07% so với toàn tỉnh. Tổng doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 11.812 tỷ đồng chiếm 25,62% so với toàn tỉnh; thương mại dịch vụ đạt 8.734 tỷ đồng, chiếm 6,02% so với toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu 239 triệu USD, chiếm 41% so với toàn tỉnh. Hàng hóa qua cảng Hòn La đạt 5 triệu tấn.

Hiện tại có 7 doanh nghiệp đăng ký đầu tư tại KCN Bắc Đồng Hới mở rộng, BQL KKT đang hoàn tất các thủ tục phê duyệt giá và để nhà đầu tư cân đối lại tài chính. Kế hoạch sẽ phân bổ các doanh nghiệp vào vị trí thích hợp và giành thửa đất có diện tích rộng hơn cho các doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn để hoạt động.

"Do đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế nên việc doanh nghiệp đăng ký bị chậm lại, nhưng chúng tôi nghĩ, khi kinh tế phục hồi các doanh nghiệp sẽ đăng ký phủ đầy diện tích KCN này", Phó Trưởng BQL KKT tỉnh Quảng Bình Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.