Thưa ông, theo như kết luận của cơ quan công an vừa được báo chí đăng tải, nguyên Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng đã chỉ đạo mua ụ nổi 83M - cục sắt phế liệu - cao hơn giá thực tế nhiều lần thông qua một công ty trung gian để rút ruột 1,6 triệu USD của nhà nước rồi chia nhau. Ông nhận xét gì về sự việc này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Việc làm của Dương Chí Dũng là hành vi phá hoại nền kinh tế
Dư luận đang chờ xem lần này cơ quan pháp luật sẽ xử lý ra sao. Kết quả xử lý vụ việc sẽ là phép đo quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta.
Theo ông, vì sao Dương Chí Dũng dám hành động như vậy?
Tôi phải nói là trong làm ăn buôn bán, nếu sử dụng tiền túi của mình thì chỉ có người điên mới mua bán kiểu Dương Chí Dũng. Nhưng vì Dũng và đồng bọn xài tiền nhà nước nên lại không “điên” tí nào. Chúng thừa biết với cơ chế quản lý này hoàn toàn có thể lách được nên mới dám phá của như vậy. Vả lại, buôn có bạn, bán có phường. Chắc chắn, chúng không thể ăn một mình mà trót lọt. Trong số 5,7 triệu USD thất thoát, Dũng và đồng bọn chiếm đoạt 1,6 triệu. Vậy còn hơn 4 triệu nữa đi đâu? CQĐT đã chứng minh Hải quan có sự thông đồng rồi. Nhưng mấy anh Hải quan bé tí có thể nuốt trôi cả mấy triệu đô la sao?
Một điểm đáng nói nữa trong vụ việc của Dương Chí Dũng là cùng với hành vi tham ô, rút ruột tiền của nhà nước còn có việc vung tay mua nhà cho người tình. Ông có thể nói gì về điều này?
Chỉ vì móc túi nhà nước quá dễ nên anh ta sẵn sàng vung tiền, mua liền một lúc 2 căn hộ hạng sang cho người tình. Một kẻ đồi bại như thế mà trong quá trình bị điều tra còn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải thì thật là làm nhơ bẩn cả ngành Hàng hải.
Ông có liên tưởng gì sự việc vừa xảy ra ở Vinalines với vụ Vinashin mà ông từng có những phát biểu rất "nóng" tại diễn đàn Quốc hội khóa trước?
Rõ ràng đã có những lỗ hổng “chết người” ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa thay đổi được?
Doanh nghiệp nhà nước sử dụng đến 70% tài nguyên thiên nhiên và 40% ngân sách quốc gia nhưng đóng góp cho ngân sách thua xa doanh nghiệp tư nhân. Đó là những tảng đá đang dìm nền kinh tế xuống đáy sông, không sao ngóc lên được. Nhưng vì sao Nhà nước vẫn ôm lấy các doanh nghiệp ấy, điều này thật khó giải thích cho xuôi tai.
Nhiều người cho rằng chiêu thức rút ruột tiền nhà nước như Dương Chí Dũng làm ở Vinalines không phải mới, không phải trò quá cao siêu, tinh vi, lắt léo đến mức không thể bắt, không lần ra được?
Tôi cho rằng những chiêu thức của họ hoàn hoàn không có gì mới. Nhìn chung thì có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đang tha về nước những thứ rác thải như ụ nổi 83M này. Vinashin cũng từng tha con tàu Hoa Sen già lụ khụ về để bán sắt vụn. Vấn đề là tại sao các doanh nghiệp đó không mua hàng mới hoặc đặt hàng các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước mà cố đi tha ở nước ngoài về những máy móc, dây chuyền, thiết bị quá cũ như vậy? Hỏi thì hỏi thôi, nhưng câu trả lời đã quá rõ ràng: Họ tha những thứ thiên hạ vứt đi về làm rác ở nước mình chỉ cốt để lập lờ đánh lận con đen, rút ruột nhà nước.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao cả hệ thống kiểm soát vẫn không chặn được những thương vụ vô lối này?
Tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân, phải xem xét từng vụ việc cụ thể mới có thể biết nguyên nhân nào là chính. Nhưng người dân thì hoàn toàn có quyền nghi ngờ ở đây có lợi ích nhóm, có sự chia chác, vì cả cái tàu Hoa Sen hay cái ụ nổi to lù lù như thế, một mình làm sao ăn nổi?
Xin cảm ơn ông!
Theo Cấn Cường - Phương Thảo (Dân trí)