Vì sao giá dầu quay đầu giảm?

Vì sao giá dầu quay đầu giảm?

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 2, 14/03/2022 16:57

Có một số nguyên nhân khiến giá dầu biến động. Thị trường đặc biệt nhạy cảm với những diễn biến xung quanh xung đột Nga - Ukraine.

Giá dầu đã giảm tới gần 4 USD/thùng hôm 14/3, kéo dài đà giảm của tuần trước khi các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine tăng lên và thị trường chuẩn bị cho việc Mỹ tăng lãi suất.

Giá dầu thô Brent giao sau giảm 3,81 USD, tương đương 3,4%, xuống còn 108,86 USD/thùng vào lúc 07h41 giờ GMT hôm 14/3.

Giá dầu thô WTI giảm 3,85 USD, tương đương 3,5%, xuống còn 105,48 USD/thùng.

Giá hợp đồng tương lai cả 2 loại dầu đều tăng kể từ khi Nga tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine ngày 24/2 và đã tăng khoảng 40% cho đến nay.

Tín hiệu từ đàm phán Nga - Ukraine

Hai phái đoàn Ukraine và Nga đã trải qua vài vòng đàm phán, cả trực tiếp và trực tuyến. Cả 2 bên đều ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong hòa đàm.

Vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine được tổ chức trực tuyến thông qua liên kết video vào ngày 14/3, bắt đầu lúc 10h30 sáng theo giờ Kiev (15h30 theo giờ Hà Nội) trong bối cảnh không kích vẫn đang tiếp tục ở miền Tây Ukraine, gần biên giới với Ba Lan.

Đại diện 2 bên đã đưa ra những đánh giá tích cực nhất sau các cuộc đàm phán cuối tuần qua, cho thấy rằng có thể sẽ có kết quả tích cực trong vòng vài ngày tới.

Hôm 13/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết, Nga đang đưa ra dấu hiệu sẵn sàng có các cuộc đàm phán thực chất về Ukraine, trong khi thành viên phái đoàn Ukraine Mykhailo Podolyak cho rằng Nga "đang bắt đầu đối thoại một cách xây dựng".

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Leonid Slutsky, một thành viên phái đoàn Nga, cho biết các cuộc đàm phán đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Thế giới - Vì sao giá dầu quay đầu giảm?

Sau vài vòng đàm phán trực tiếp, hai phái đoàn Nga và Ukraine đang tiếp tục các cuộc hòa đàm hình thức trực tuyến. Ảnh: The Sun Chronicle

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở Ukraine đã làm chao đảo các thị trường năng lượng trên toàn cầu với việc các biện pháp trừng phạt bắt đầu nhắm vào dầu và khí đốt của Nga.

"Giá dầu có thể tiếp tục điều chỉnh trong tuần này khi các nhà đầu tư đang tìm hiểu về tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga, cùng với việc các bên có dấu hiệu đàm phán về việc ngừng bắn", Tina Teng, một chuyên gia phân tích tại CMC Markets, cho biết.

Cuộc họp chính sách của Fed

"Các thị trường đã tăng giá do nguồn cung thắt chặt hơn nhiều từ tháng 2 đến đầu tháng 3. Giờ trọng tâm đang chuyển sang chính sách tiền tệ sẽ được quyết định trong cuộc họp đang gần kề của Fed, điều này có thể làm đồng USD mạnh hơn và gây áp lực lên giá hàng hóa", vị chuyên gia phân tích này cho biết thêm.

Cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Hoa Kỳ (FOMC) sẽ được tổ chức vào ngày 15-16/3 để quyết định có tăng lãi suất hay không.

Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng trong tháng 2, dẫn đến mức tăng lạm phát hàng năm lớn nhất trong 40 năm và dự kiến sẽ tăng tốc hơn nữa khi xung đột Nga - Ukraine làm tăng giá dầu thô và các mặt hàng khác.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này, điều này sẽ gây áp lực giảm giá dầu. Giá dầu thường di chuyển ngược chiều với đồng USD, với việc đồng bạc xanh mạnh lên khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ ngoại tệ.

Tình hình Covid-19 ở Trung Quốc

Giá dầu Brent đã giảm 4,8% vào tuần trước và giá dầu WTI giảm 5,7%. Cả 2 loại dầu tiêu chuẩn này đều ghi nhận mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 11. Trước đó, giá hợp đồng tương lai cả 2 loại dầu này đều đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 do những lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Sau đó, Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, còn Anh cho biết họ sẽ giảm dần và chấm dứt nhập khẩu dầu thô Nga vào cuối năm nay. Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới, vận chuyển khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu.

"Diễn biến xung đột Nga-Ukraine liên tục thay đổi và thị trường sẽ nhạy cảm với những diễn biến như vậy. Những điều gợi ý rằng các bên sẵn sàng đàm phán có thể sẽ phần nào đè nặng lên giá cả", Warren Patterson, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại ING, cho biết.

Thế giới - Vì sao giá dầu quay đầu giảm? (Hình 2).

Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Thâm Quyến - một trong những trung tâm công nghệ của đất nước do Covid-19 bùng phát. Ảnh: South China Morning Post

"Ngoài ra, số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng ở Trung Quốc sẽ làm gia tăng lo ngại về nhu cầu. Trung Quốc đang chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong hơn 2 năm qua.

Theo chiến lược “không Covid” (zero-Covid) của Trung Quốc, thành phố Thâm Quyến đã bị phong tỏa, trong khi các thành phố khác ở nước này cũng đang chứng kiến các hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và thị trường tiêu thụ lớn thứ hai sau Mỹ, đang chứng kiến sự gia tăng trong các ca nhiễm Covid-19, khi biến thể siêu lây lan Omicron đang hoành hành ở nhiều thành phố hơn, gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh từ Thượng Hải đến Thâm Quyến.

Minh Đức (Theo Reuters, S&P Global Platts)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.