Vì sao Hà Nội xây dựng tuyến đường "đắt nhất hành tinh”?

Vì sao Hà Nội xây dựng tuyến đường "đắt nhất hành tinh”?

Bùi Thế Anh

Bùi Thế Anh

Thứ 3, 30/10/2018 20:00

Chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phải phân tích, công khai rõ tổng mức đầu tư tuyến đường "đắt nhất hành tinh” gồm những hạng mục nào? Vì sao phải xây dựng tuyến đường này?

UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án mở rộng đường vành đai 1, đoạn đường Voi Phục nối Hoàng Cầu với chiều dài là 2.274 m tổng mức đầu tư 7.200 tỷ đồng. Đây được cho là tuyến đường đắt giá nhất “hành tinh” ở thời điểm hiện tại khiến cho dư luận hoài nghi về việc đầu tư khủng này.

Tin nhanh - Vì sao Hà Nội xây dựng tuyến đường 'đắt nhất hành tinh”?

Tuyến đường được mệnh danh đắt nhất "hành tinh".

Để có cái nhìn tổng quan về việc đầu tư tuyến đường được coi là đắt nhất “hành tinh”, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT Phạm Thế Minh cho rằng: “Bản thân tuyến đường Xã Đàn mới đã được coi là tuyến đường nhất “hành tinh” rồi, bây giờ tiếp tục đầu tư tuyến đường nối từ khu vực Xã Đàn mới tới đường Voi Phục với mức đầu tư còn đắt hơn thế nhưng vẫn chưa thấy cơ quan nào đứng ra phân tích vì sao lại đắt như vậy?”.

Nguyên Thứ trưởng Phạm Thế Minh đặt ra câu hỏi: “Hà Nội cần phải phân tích, công khai rõ tổng mức đầu tư này gồm những hạng mục nào? Vì sao phải xây dựng tuyến đường này? Tiền giải phóng mặt bằng là bao nhiêu, liệu có việc thổi giá đất tại khu vực này lên không? Cả mức đầu tư cho khâu khảo sát, thiết kế và xây dựng có đúng với khung giá hiện tại hay không?”.

“Để giảm được mức đầu tư, Hà Nội nên đền bù bằng đất, tức là lấy một quỹ đất để đền bù cho người dân, trả lại chỗ ở cho người dân chứ không nên dùng tiền để đền bù. Việc mở đường này, có những người được lợi, người không được lợi. Người được lợi là những nhà dân đang ở trong ngõ bỗng dưng trở thành mặt đường lớn, rõ ràng người được lợi chính là người dân”, nguyên Thứ trưởng Minh phân tích.

Tin nhanh - Vì sao Hà Nội xây dựng tuyến đường 'đắt nhất hành tinh”? (Hình 2).

Tổng kinh phí dành cho việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư lên tới hơn 5.800 tỷ đồng. (Ảnh: Nguyễn Hiếu)

Nói về giải pháp giảm mức đầu tư, nguyên Thứ trưởng Minh nêu: “Có nhiều giải pháp để giảm mức đầu tư ví dụ như: Làm đường trên cao chạy phía trên tuyến đường cũ. Hoặc có giải pháp về chính sách bồi thường theo giá đất chung, hay là làm đường ngầm đi dưới lòng đất”.

“Ngoài ra, có thể lấy quỹ đất hai bên tuyến đường đang giải phóng mặt bằng gấp 2 lần so với tuyến đường sau khi làm xong đường, quỹ đất còn lại sẽ công khai đấu giá để lấy nguồn thu bù về chi phí đầu tư làm đường (Cụ thể: Đường chỉ có 10 mét nhưng sẽ giải phóng mặt bằng 20 mét rồi làm đường 10 mét, 10 mét còn lại sẽ đấu giá bán công khai để bù vào chi phí làm đường”, nguyên Thứ trưởng Minh chia sẻ.

Cũng từng chia sẻ về tuyến đường đắt nhất “hành tinh” TS. Phạm Sỹ Liêm-  Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng cho rằng, nếu thực hiện nghiêm luật Quy hoạch đô thị sẽ không còn những con đường “đắt nhất hành tinh”.

TS.Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm: “Đã có quy hoạch, việc làm vẫn phải làm. Trước đây, chúng ta cũng từng làm con đường “đắt nhất hành tinh” Kim Liên- Ô Chợ Dừa, nên việc giá đường mới mà Hà Nội đề xuất hơn 7.000 tỷ đồng cho 2,2 km đường vành đai Hoàng Cầu- Voi Phục cũng dễ hình dung được."

Bên cạnh đó ông Liêm đặt câu hỏi: Làm thế nào để có tiền làm đường? Làm ra con đường phục vụ mục đích gì, cho ai?.

Cũng theo TS. Liêm, sở dĩ tiền làm đường đắt là do phần lớn số tiền chi cho công tác giải phóng mặt bằng. Nếu tiền đầu tư làm đường đắt là do "thổi giá" thì cần phải lên án. Tuy nhiên, tiền giải phóng mặt bằng là tiền đi vào dân. Ở đây, vấn đề mà dư luận quan tâm là tiền đền bù cho dân phải công bằng, minh bạch.

Theo văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, TP. Hà Nội – giai đoạn 1 do  ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP.Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tuyến đường vành đai 1 đoạn Voi Phục đến Hoàng Cầu có chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1 tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh). Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục.

Với mức đầu tư giai đoạn 1 dự án tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là hơn 7.200 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chỉ 628 tỷ đồng còn tiền giải phóng mặt bằng hơn 5.800 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2018 – 2020.

Thế Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.