Đối tác của nước ta đưa ra lý do, hơn 50% lao động Việt Nam bỏ trốn khi sang Hàn. Việc này đã khiến hơn 12.000 lao động Việt mất cơ hội sang Hàn dù cho các thủ tục đã hoàn thành. Xung quanh câu chuyện đáng buồn này, nhiều người tỏ ra lo lắng và cảnh báo, nếu không giải quyết triệt để vấn đề văn hóa, kỷ luật lao động thì không chỉ Hàn Quốc mà nhiều nước sẽ "đóng cửa" đối với lao động Việt Nam.
8 năm, 23.000 lao động bỏ trốn
Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), vừa qua, Bộ Lao động Hàn Quốc vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Việt Nam thông báo về việc "tạm dừng tiến trình thỏa thuận giữa hai bên về chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam". Điều này đồng nghĩa với việc, trước khi có một chương trình ký kết hợp tác mới giữa hai nước Việt - Hàn thì hàng chục nghìn lao động Việt Nam sẽ hết cơ hội đi lao động tại Hàn Quốc.
Được biết, trước khi có văn bản này, phía Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình kiểm tra tiếng Hàn thường kỳ vào tháng 11/2011. Họ đưa ra lý do, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc là quá cao. "Tỉ lệ ở lại bất hợp pháp của lao động Việt Nam đến thời điểm hiện tại lên trên 50%. Điều này thật khó chấp nhận dựa trên điều khoản MOU đã ký gần nhất", văn bản của Bộ Lao động Hàn Quốc nhấn mạnh.
Hàng nghìn lao động Việt Nam vỡ mộng khi Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận.
Cùng với văn bản thông báo này, phía Hàn Quốc cũng gửi kèm danh sách và tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo số liệu từ Hàn Quốc, đến nay đã có trên 22.708 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại đất nước này. Đa phần trong số đó đi theo chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTB&XH Việt Nam.
Điều đáng nói, trước khi "thẳng thừng" từ chối lao động Việt Nam, bên phía nước bạn đã nhiều lần cảnh báo về việc lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc. Bộ Lao động Hàn Quốc từng lên tiếng nếu Việt Nam không giảm được tỉ lệ lao động bỏ trốn họ sẽ tạm dừng thực hiện thỏa thuận đã ký giữa hai bên.
Theo số liệu, từ cuối năm 2011 đến quý I năm 2012, tỉ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam tăng từ 48% lên 54% và hiện nay con số này là 57%. Đúng như cảnh báo, sau khi đưa ra số liệu trên, Bộ Lao động Hàn Quốc đã ra thông báo tạm dừng hợp tác. Trước sự thật phũ phàng này, nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng chúng ta đã biết trước kết cục này nhưng không có biện pháp cụ thể nào để giảm thiểu việc lao động bỏ trốn? Vấn đề văn hóa, kỷ luật của lao động Việt được giáo dục như thế nào?.
Liên quan đến vấn đề này, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), ông Nguyễn Ngọc Quỳnh thừa nhận, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được nên phía Hàn Quốc tạm ngưng ký thỏa thuận. Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn xung quanh vấn đề này, một cán bộ của Viện Lao động chia sẻ, việc gần 60% lao động Việt Nam bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng là điều không chấp nhận được. Nếu vẫn để tình trạng này xảy ra, chắc chắn không chỉ Hàn Quốc mà sẽ có những nước khác nói không với lao động Việt Nam. "Tôi nghĩ cần xem lại cách giáo dục đạo đức, văn hóa và kỷ luật cho lao động Việt Nam. Tuyển lao động đi làm việc tại các nước cũng cần có sự xem xét, chọn lọc. Chúng ta không nên tuyển một cách ồ ạt như thời gian qua", vị này nêu ý kiến.
Tuyển chọn quá dễ dãi?
Những ngày qua, sau khi nhận được thông tin trên, gần 12.000 lao động Việt Nam đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn đang trong thời gian chờ chủ lao động gọi sang làm việc không khỏi bàng hoàng. Đa phần trong số những người này đều đến từ các làng quê nghèo. Họ hi vọng xuất ngoại để đổi đời. Để có được chứng chỉ tiếng Hàn, họ phải bỏ ra mấy chục triệu đồng tiền học, tiền lệ phí thi. Nay bỗng dưng bị tạm dừng tuyển dụng, đã khiến hàng nghìn lao động hoang mang, lo lắng. Nếu tình trạng này xảy ra, bao nhiêu tiền của, công sức của họ bỗng chốc thành công dã tràng. Nỗi băn khoăn đó đang diễn ra tại rất nhiều làng quê thuộc các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Bắc Giang...
Việc một người dân nghèo phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để có cơ hội xuất ngoại đã là quá sức đối với họ. Nay những người này lại đứng trước nguy cơ gánh nặng nợ nần khi bị từ chối. Rõ ràng, đó là kết cục mà không một ai mong muốn. Mặc dù, cảm thông với những khó khăn mà người lao động đang phải đối mặt, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, nguyên nhân xuất phát từ chính ý thức tổ chức, kỷ luật và văn hóa của lao động Việt.
Mặt khác, dù Bộ Lao động Hàn Quốc nhiều lần cảnh báo nhưng động thái của các cơ quan quản lý lao động Việt Nam vẫn chưa kiên quyết. Việt Nam vẫn chưa giảm thiểu hiệu quả được tình trạng này. Phải chăng, chúng ta đã biết trước kết cục này nhưng vẫn cố tình không hay?.
Liên quan đến vấn đề văn hóa của lao động Việt Nam, PGS. TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển) cho rằng: Đây là hậu quả tất yếu của việc văn hóa tổ chức kỷ luật thấp của một bộ phận lao động Việt Nam. Theo ông Đức, hầu hết lao động Việt Nam đều đến từ các làng quê nghèo. Họ xuất thân là nông dân chân lấm tay bùn nên vẫn bị ảnh hưởng bởi văn hóa tiểu nông. Khi sang nước bạn làm việc, thấy nơi nào lương cao hơn thì "nhảy việc". Họ tự ý bỏ trốn bất chấp những cam kết trước đó. "Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần thiết phải chú trọng giáo dục đạo đức, văn hóa, kỷ luật cho người lao động ngay khi tuyển dụng họ để đi làm việc ở nước ngoài. Đừng để đến khi các nước quay lưng, đóng cửa với lao động Việt Nam mới hành động thì đã muộn", PGS. TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với PGS. TS Lê Quý Đức, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động chia sẻ, sự việc Hàn Quốc tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam là một điều đáng tiếc và đáng buồn. Đáng tiếc vì việc này sẽ đẩy hàng nghìn lao động Việt Nam đứng trước nguy cơ "mất trắng". Họ đã bỏ bao công sức, tiền của để học tiếng và làm các thủ tục khác. Tuy nhiên, điều đáng buồn là vì sao trong hơn 15 nước có lao động làm việc tại Hàn Quốc mà chỉ mỗi lao động Việt Nam bị từ chối?
Ông Mai Đức Chính nhìn nhận: "Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tôi nghĩ, phần lỗi quan trọng thuộc về những người tuyển dụng lao động đầu vào. Chúng ta đã quá dễ dãi trong công tác tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài. Tôi biết có nhiều lao động làm mọi cách để được đi làm việc ở ngoại quốc nhưng khi sang đến nơi, họ lập tức tìm mọi cách để trốn. Chú tâm vào làm việc thì ít mà tìm đường bỏ trốn là nhiều. Như thế thử hỏi sao người ta không muốn tuyển dụng mình nữa".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, từ năm 2011, Bộ đã có nhiều biện pháp hạn chế tình trạng bỏ trốn và nhập cư trái phép của lao động Việt Nam. "Việc Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam là điều đáng buồn đối với chúng ta. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc với Hàn Quốc để nối lại những thỏa thuận trước đó. Mặt khác, sẽ tăng cường giáo dục, tuyên truyền ý thức cho người lao động, đồng thời thắt chặt điều kiện tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài", vị thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết.
Hà Khê - Dương Thu