Khí độc khiến nạn nhân tử vong nhanh
Hậu vụ cháy chung cư Carina Plaza (P.16, Q.8, TP.HCM), người dân đặc biệt là những cư dân đang sống tại các chung cư rất muốn tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều nạn nhân trong đó có trẻ em tử vong rất nhanh dù không bị bỏng do lửa.
Về vấn đề này, trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Văn Quỳnh (một chuyên gia y tế cộng đồng tại TP.HCM) cho biết: “Qua theo dõi báo chí thì trong vụ cháy chung cư Carina, các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em tử vong là do bị ngạt khói, hít khói dẫn đến ngộ độc khí, chứ không phải bị bỏng”.
Theo bác sĩ Quỳnh, nguyên nhân khiến tại các chung cư khi xảy ra cháy dễ phát sinh nhiều khí độc là do tại các hầm để xe của các chung cư mà đơn cử là chung cư Carina Plaza có nhiều yếu tố nguy hiểm như: Không khí ngột ngạt, nhiệt độ cao, tích tụ nhiều khí gas có thể gây cháy, nổ; xe để lộn xộn, hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn lưu thông dễ gây ra cháy nổ. Đặc biệt, các vật liệu từ nhựa, xăng, khí tích tụ trong hầm để xe làm cho khói thêm độc, tạo ra các chất nguy hiểm.
Qua hàng loạt các đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia y tế, những loại khí độc sinh ra từ đám cháy vô cùng nguy hiểm dễ khiến nạn nhân tử vong và loạt khí độc nguy hiểm nhất chính là khí CO.
CO là khí không mùi, không màu, cướp mất oxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng không có oxy, làm nạn nhân ngạt thở, hôn mê và tử vong. Đặc biệt nguy hiểm nhất đó là các loại khí này không gây đau đớn, khiến nạn nhân tử vong nhanh. Do vậy, khi các vụ cháy xảy ra lúc nửa đêm, cư dân đang chìm trong giấc ngủ sâu, nên nhiều người không biết và tử vong do ngạt CO, trước khi bị bỏng do lửa.
Theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như CO, HCN làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Khi bị ngộ độc CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu. Tiếp xúc với nồng độ lớn hơn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch, từ đó dẫn đến tử vong.
Không chỉ khói, còn một lượng lớn CO sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp. Khi vào cơ thể, khí CO cạnh tranh với Oxy để kết hợp với Hemoglobin trong máu tạo thành Cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng Oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu Oxy.
Để tránh bị ngạt khói trong đám cháy, mọi người nên bò hay trườn trên mặt sàn vì khói thường lơ lửng bên trên. Nạn nhân trong hỏa hoạn cần tìm mọi cách tiếp cận với nước, lấy khăn ẩm bịt mũi, mồm, quấn vào người để thoát qua đám khói. Nếu thoát vào được một phòng kín, không bị cháy đe dọa nhưng có khói thì nên lấy khăn, vải thấm nước để bịt tất cả các khe hở lại để chắn khói.
“Việc cố gắng sử dụng khăn ướt trong cháy sẽ khiến khói sẽ bị chặn lại vì CO không tan trong nước. Chính vì thế ở mọi tình huống nạn nhân cố gắng tiếp cận nước”, bác sĩ Hải thông tin.
Khói độc nguy hiểm hơn lửa
Theo tiến sĩ Lê Năm, một chuyên gia về phòng cháy chữa cháy thì cách tốt nhất để người dân sống sót trong đám cháy với nhiều luồng khói độc thì phải bình tĩnh, không được hoảng loạn. Một số người lại chạy ra cửa chính là tâm điểm của đám cháy không phải là sự khôn ngoan. Người bị nạn nên tìm cách phá vỡ cửa sổ, hành lang, hoặc phá vách ngăn để thoát ra ngoài.
Việc hít quá nhiều khói độc gây ngạt nhanh hơn nguy hiểm hơn bỏng do lửa. Trong đám cháy, cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Để không hít phải khói, bạn có thể dùng miếng vải, mền, bất cứ thứ gì có thể, làm ướt nó và đặt trên mũi và miệng để hạn chế khói hít vào. Các khí độc sinh ra trong đám cháy như khí Cacbonôxit (CO), Cacbonic (CO2)… có thể làm nạn nhân bị tê liệt hệ thần kinh, mất cảm giác và chết ngạt.
Đại diện Trường Đại học PCCC cũng cho rằng, hầu hết những người chết trong đám cháy là do hít khói, không phải bị bỏng. Những loại khí độc sinh ra từ đám cháy như khí Cacbonôxit (CO), Cacbonic (CO2)… vô cùng nguy hiểm. Khi hít phải khí CO, máu trở nên không tiếp nhận được oxy, hệ thần kinh sẽ bị tê liệt. Khi hít phải CO2 có nồng độ 8% đến 10% con người có thể mất cảm giác và chết ngạt.
Các sản phẩm cháy có chứa Clo và hợp chất của Clo (như HCl) rất độc với phổi. Các sản phẩm cháy có chứa lưu huỳnh và hợp chất của lưu huỳnh (H2S, SO2...) gây độc đối với niêm mạc, miệng và đường tiêu hóa.
Ngoài khói độc, đám cháy giảm Oxy trong không khí bằng cách tiêu thụ Oxy hoặc thay thế nó với loại khí khác. Oxy xuống dưới nồng độ 6% có thể gây ngừng thở, ngừng tim và tử vong.
Khi tránh được khói độc bạn đã có đến 90% cơ hội sống sót trong lúc nguy cấp thời gian tính bằng giây.
Nhật Nam