Trả lời báo chí sáng 26/6, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đáp án như mọi năm.
"Để đảm bảo các quy trình kỳ thi được diễn ra an toàn, chúng tôi sẽ không công bố đáp án ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng. Chúng tôi sẽ cân nhắc tiến độ công tác chấm thi và công bố đáp án vào thời điểm thích hợp. Điều này nhằm hạn chế những tiêu cực liên quan có thể xảy ra", ông Trinh cho nói.
Sau 2 ngày thi, Bộ GD&ĐT khẳng định các buổi thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Công tác an ninh được tăng cường. Đặc biệt các hội đồng thi trên cả nước chấp hành nghiêm túc các quy định mới như tổ chức cho giám thị bốc thăm phòng thi vào đầu các buổi thi, bốc thăm chọn phương án phát đề thi trắc nghiệm, bàn giao niêm phong bài thi.
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, năm nay có 879.742 thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Con số này chiếm tỷ lệ 99,17% so với số lượng đăng ký dự thi ban đầu là 887.104 thí sinh trên toàn quốc.
Số thí sinh dự thi được phân bổ tới gần 38.050 phòng thi; 1.980 điểm thi. Trong đó, có 233.977 thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học (chiếm 26,38%); 622.925 thí sinh thi đăng ký để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm 70,22%); 30.202 thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 3,04%).
Cơ cấu điểm xét tốt nghiệp năm nay có sự thay đổi để đảm bảo công bằng, bình đẳng hơn. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp từ kỳ thi THPT Quốc gia là 70% và điểm tổng kết quá trình tích lũy THPT là 30%, nhằm đảm bảo tính chất của kỳ thi quốc gia.
Sau bê bối gian lận thi cử năm 2018, năm nay Bộ GD&ĐT có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra.
Cụ thể: Các trường ĐH, CĐ phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; Tthí sinh tự do, GDTX thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT.
Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi.
Đặc biệt, để tránh việc can thiệp vào các bài thi, năm nay Bộ tiến hành “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm nhằm tăng cường tính bảo mật, có thể phát hiện và truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi.
H.Y