Từ trước đến nay có rất nhiều những lời truyền tụng trong dân gian về công dụng của Kỳ nam. Một số người còn cho rằng kỳ nam chẳng khác gì là "thần dược" khi dùng nó để chữa bệnh. Một số người lại cho rằng, nếu có một miếng kỳ nam đeo trên người thì mọi hoạn nạn khó khăn đều tai qua nạn... khỏi và nó luôn được coi là một "linh vật". Chính vì thế, hiện nay giá của kỳ nam được ví đắt hơn vàng ròng và khách hàng luôn "thèm khát" mặt hàng này.
Kỳ nam được coi là "thần dược" trong Đông y
Theo GS. TS Đinh Xuân Bá - một người đã bỏ nhiều năm để nghiên cứu về trầm hương - kỳ nam, đã dùng cả 2 cách lý giải: Đứng trên quan điểm giả khoa học (và tiền khoa học) ta thấy, ngoài tác dụng làm chất định hương cho nước hoa cao cấp, Trầm - Kỳ còn có rất nhiều các ứng dụng quan trọng trong y học cổ truyền, trong hương trị liệu (Aromatherapy) và chữa bệnh bằng thực vật.
Ông Bá đã lấy ví dụ để chứng minh cho quan điểm của mình, mà chính những người này là khách hàng đã đến gặp và nhờ ông mua trầm hương - kỳ nam. Có một người Ý từng mua một miếng kỳ nam loại 5 nặng 43g với giá 1883 USD để chữa bệnh đau nửa đầu (migraine).
Các thầy thuốc Đông y của ta mua trầm để chế biến thuốc Bắc. Ngoài ra, người ta còn dùng trầm - kỳ vào các nhu cầu về tâm linh.
Ví dụ, một thương gia trẻ Hồng Kông nhờ ông Bá mua giúp một miếng kỳ nam loại 3 nặng 14g với giá 1355 USD (rất thơm và chìm trong nước) chỉ để bỏ nó trong túi áo ngực nhằm đề phòng cảm mạo, cầu may và tránh tai ương. Ông ta cũng mua cho vợ một chuỗi hạt trầm loại 1 nặng 37g với giá 1499 USD để đeo tay cũng nhằm mục đính như trên. Một thương gia Đài Loan mua một miếng kỳ nam loại 5 nặng 130g với giá 4557 USD để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Đứng trên quan niệm khoa học chính thống, cho đến nay đã có một số công trình quan trọng như sau: Văn phòng bằng sáng chế và thương hiệu Hoa kỳ (USPTO) vừa công bố một phát minh mới của bốn nhà khoa học tại Đại học Y Đài Bắc với nội dung: "Dùng chất chiết của vỏ cây Dó Trầm để điều trị ung thư". Số đăng ký phát minh là 20110160152, ngày công bố: 30/6/2011, các tác giả của phát minh: Ching-Chiung Wang, Lih-Geeng Chen, Ting-Lin Chang, Chi-Ting Hsieh.
Thực ra, từ 2005 người ta đã tìm được Cucurbitacins trong cây họ trầm (Thymelaeaceae), nhưng phát minh này chỉ ra cụ thể rằng có thể phân lập được Cucurbitacins trong vỏ cây Dó trầm (Aquilaria agallocha Roxb.), chỉ ra phương pháp dùng chất chiết trong vỏ cây Dó trầm nói trên để diệt tế bào ung thư, để phòng và chữa ung thư.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Rutgers (bang New Jersey, Mỹ) đã sử dụng nhựa của loại cây Trầm hương Commiphora myrha để thử nghiệm trên loại tế bào ung thư vú MCF-7, vốn có tính năng kháng các thuốc đặc trị. Kết quả là toàn bộ tế bào ung thư đã bị tiêu diệt.
Tháng 11/2005, các giáo sư của Institute of Natural Medicine, University of Toyama (Nhật Bản) đã tìm ra một sesquiterpene mới của Trầm hương Việt Nam và chứng minh trong phòng thí nghiệm hiệu ứng kích cảm của nó trên quá trình sinh trưởng của "chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh" BDNF (New sesquiterpene from Vietnamese agarwood and its induction effect on Brain-derived Neurotrophic Factor mRNA expression in vitro).
Cũng theo nhiều thầy thuốc về đông y, trầm hương và kỳ nam có giá trị cao vì có công dụng chữa bệnh rất tốt cho các bệnh: Sơn lam chướng khí, dùng làm thuốc giải nhiệt chống sốt rét, chống đau bụng, ói mửa, hen suyễn thở gấp, hạ được nghịch khí, thông chứng bế do khí hư gây nên.
Tuy nhiên, với những phụ nữ có thai thì không được dùng trầm hương và kỳ nam bởi nó có thể làm sảy thai. Những người suy nhược, biếng ăn suy gan cũng không được dùng.
Thông thường, trong đông y người ta thường dùng trầm hương để làm thuốc hơn là kỳ nam, bởi kỳ nam quá hiếm và đắt tiền. Trầm có vị đắng, khí giáng xuống (chìm xuống). Còn kỳ nam thì có vị ngọt, khí bốc lên. Trầm giúp bổ nguyên dương, bổ thận khí, trợ sức cho công năng của tỳ thận. Ngoài ra, nó còn có tác dụng trợ tim, mạnh tim, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn; tác dụng rất hay trong trường hợp hen suyễn thở dốc.
Trầm và kỳ nam đều được hình thành từ lõi của cây Dó bầu. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn khác nhau, kỳ nam thường có giá đắt gấp 10-20 lần so với trầm hương. Để phân biệt trầm hương và kỳ nam, người ta thường căn cứ vào mùi thơm và dạng kết tinh của dầu, sự hóa nhựa ít hay nhiều để nhận biết. Kỳ nam được tạo thành từ sự biến đổi hoàn toàn các phân tử gỗ, do đó nó thường có màu nâu đậm hoặc đen, gỗ mềm gần giống như sáp ong nhưng khó nhận thấy thớ gỗ, dễ chìm trong nước. Kỳ nam có mùi thơm rất ngào ngạt, dù gói kín nhiều lớp thì vẫn không giấu được mùi thơm. |
Đào Giang