Vì sao lao động Việt thích ở lại Hàn Quốc

Vì sao lao động Việt thích ở lại Hàn Quốc

Thứ 3, 16/07/2013 17:06

Sáng ngày 16/7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã công bố báo cáo nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp”.

Theo thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, từ tháng 6/2004, khi Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam ký bản ghi nhớ với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình cấp phép mới (EPS), đến nay, Việt Nam đã đưa trên 63.000 lao động sang Hàn Quốc. Tuy nhiên có một vấn đề đang nổi lên cần cả hai bên phải nghiên cứu giải quyết là tình trạng nhiều lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Xã hội - Vì sao lao động Việt thích ở lại Hàn Quốc
Làm gì để ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không bỏ trốn?

TS Nguyễn Thị Lan Hương – viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội cho biết, kết quả khảo sát 243 người lao động và phỏng vấn sâu các đối tác Việt Nam và Hàn Quốc đã làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc.

Trước tiên, đó là nhận thức và ý thức của nhiều lao động Việt Nam rất hạn chế. Đây cũng là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước. Xuất phát từ động cơ kinh tế, hầu hết người lao động có mong muốn tiếp tục được làm việc ở Hàn Quốc sau khi kết thúc hợp đồng để có thêm thu nhập.

Bà Lan Hương phân tích, mặc dù đã có thời gian 4 năm 10 tháng hoặc 6 năm làm việc hợp pháp, số tiền mà mỗi người lao động gửi về gia đình là không nhỏ, ước khoảng từ 50 ngàn – 70 ngàn đô la Mỹ, song do nhận thức và ý thức của nhiều người lao động còn hạn chế nên khi gần hết hợp đồng lao động họ sẵn sàng phá hợp đồng ra ngoài làm việc hay ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp.

Theo bà Lan Hương ngoài việc chênh lệch thu nhập của việc làm ở Hàn Quốc và trong nước là rất lớn thì chi phí xuất cảnh cao cũng là “lực” giữ người lao động cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc.

Bà Lan Hương thẳng thắn: Một bộ phận người lao động đã phải chi phí rất cao (80-120 triệu/người) cho việc làm thủ tục xuất cảnh, do thiếu hiểu biết nên bị lừa đảo hoặc đã cố tình mất tiền để không phải vât vả làm hồ sơ hay học và thi tiếng Hàn. Do đó, ngay từ khi bước chân sang Hàn Quốc họ đã có ý định tìm cách ở lại lâu dài hay bỏ ra ngoài tìm kiếm việc làm có thu nhập cao để nhanh bù đắp khoản tiền đã chi.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động Việt Nam ở lại. 

Thực tế quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài ở Hàn Quốc còn quá chặt chẽ và mất nhiều thời gian, tốn kém hơn so với sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp. Trong khi xử phạt về tài chính còn nhẹ, xử lý về hành chính còn chưa kiên quyết đối với chủ sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ sử dụng lao động Hàn Quốc vẫn tiếp tục sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp, tạo điều kiện cho tình trạng lao động không có giấy tờ hợp pháp ngày càng gia tăng. Hơn nữa, các chủ sử dụng lao động còn tạo “điều kiện” cho những lao động không có giấy tờ hợp pháp sống cùng và làm việc cùng những lao động hợp pháp nên rất khó bị phát hiện.

“Một khi lao động không có giấy tờ hợp pháp vẫn tiếp tục tìm được việc làm và được trợ giúp từ phía chủ sử dụng lao động Hàn Quốc thì việc hạn chế tình trạng lao động không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ là rất khó khăn” – bà Lan Hương nhấn mạnh.

Nguyên An

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.