Công nghệ OLED “đã chết” trên PC
Tại triển lãm công nghệ CES 2018 vừa diễn ra tại Las Vegas, Hoa Kỳ, trong số tất cả các máy tính mới được giới thiệu tại đây không có một chiếc nào được trang bị màn hình OLED. Trong khi đó, hàng loạt chiếc TV OLED với thiết kế độc đáo, đa dạng lại xuất hiện khá rình rang và hoành tráng.
Điều này khiến cho người yêu công nghệ phải đặt một dấu hỏi lớn: Đã có chuyện gì xảy ra với màn hình OLED trên máy tính? Ngay cả màn hình dành cho máy tính để bàn cũng rất hiếm model sở hữu công nghệ OLED và muốn mua cũng không phải dễ.
Cách đây 2 năm, tại CES 2016 thì nhà sản xuất Trung Quốc Lenovo đã từng giới thiệu model laptop màn hình OLED đầu tiên của mình - ThinkPad X1 Yoga và nhận được đánh giá rất cao của giới chuyên môn. Tới năm nay, CES 2018 vẫn xuất hiện phiên bản mới của chiếc máy này, chỉ có điều màn hình OLED đã không còn và hãng này cũng không có kế hoạch đưa lên bất kỳ model nào khác của mình nữa.
Còn với HP, năm ngoái tại CES 2017 hãng này giới thiệu dòng laptop Spectre với màn hình OLED nhưng năm nay nó cũng biến mất không dấu vết. Tương tự với các nhà sản xuất khác, tại CES 2018 năm nay không hãng nào giới thiệu một chiếc laptop, màn hình, hay máy tính tất cả trong 1 (AIO) có màn hình OLED.
Vì sao PC nói không với OLED?
Lý do đầu tiên khiến OLED không thể xuất hiện trên PC đó là vấn đề tiêu tốn năng lượng. Với TV, màn hình thay đổi liên tục theo các cảnh phim, các chương trình khác nhau và do đó màn hình sẽ có nhiều mảng tối. Càng nhiều mảng tối thì số lượng điểm ảnh OLED phải bật lên càng thấp và tiết kiệm kha khá năng lượng.
Thế nhưng với máy tính thì lại khác. Phần lớn thời gian trên màn hình laptop hay PC nói chung bạn sẽ phải đọc email, viết báo cáo, hay mua bán trên web. Điều này khiến màn hình thiết bị có rất nhiều mảng màu trắng, ngay cả khi bạn là một người thích dùng giao diện màu tối nhất có thể.
Lenovo cho biết mức độ tiêu tốn năng lượng là lý do họ loại bỏ màn hình OLED trên ThinkPad X1 Yoga. Pete Ellis - Giám đốc sản xuất màn hình của HP cũng cho rằng: "Vấn đề là mức điện năng tiêu thụ khi mọi điểm ảnh đều sáng lên trên màn hình OLED là rất cao, và với cách sử dụng trên máy tính thì điều này diễn ra liên tục”.
Lý do thứ hai là hiện tượng “lưu ảnh” (burn-in). Với màn hình máy tính thì những hình ảnh tĩnh hiển thị thường xuyên, chẳng hạn thanh công cụ của Windows hay các biểu tượng trong màn hình trò chơi. Đây là “gót chân Achilles” với các màn hình OLED và chẳng mấy chốc các vệt mờ tại những nơi hình ảnh tĩnh sẽ xuất hiện.
Vấn đề thứ ba là giá cả. Màn hình OLED có giá rất cao, và làm giá thành chung của một chiếc laptop tăng lên khoảng 200 USD cho đến 300 USD trong khi thị trường máy tính thì ngày một suy giảm thị phần! Một số ít người đặc biệt yêu thích độ tương phản và dải màu rộng của OLED, nhưng phần lớn người tiêu dùng sẽ không bỏ thêm ngần ấy tiền cho lý do đó. Hãy nhớ màn hình OLED đã khiến giá iPhone X tăng lên cao như thế nào và doanh số bán ra của thiết bị này được dự đoán là không như mong đợi của Apple.
Một lý do nữa là nguồn cung, sự thiếu hụt các nhà cung ứng nguyên bản màn hình OLED đã buộc các nhà sản xuất vẫn “yêu OLED” như Alienware phải tìm kiếm các đối tác mới, và không rõ đến lúc nào họ mới có thể sản xuất được những tấm nền với số lượng cần thiết.
Một điều đáng tiếc với người dùng máy tính đó là công nghệ OLED mang lại chất lượng hình ảnh ưu việt hơn nhiều so với công nghệ màn hình tinh thể lỏng LCD truyền thống, và nó còn tiết kiệm điện hơn nữa. Không có công nghệ nào có thể mang lại độ tương phản và mức độ màu đen trung thực như OLED. Nếu bạn sở hữu một chiếc laptop có công nghệ màn hình này thì bạn thật là may mắn. Đó chắc chắn sẽ là chiếc laptop với màn hình đẹp nhất trong nhiều năm tới đây.
Các công nghệ có thể thay thế OLED
Bên cạnh OLED, trên PC vẫn còn các công nghệ màn hình rất đáng chú ý. Công nghệ HDR mang đến chất lượng hình ảnh với độ tương phản cao, giàu màu sắc tương tự như OLED. Tuy nhiên thay vì mang lại màu đen trung thực như OLED, màn hình HDR lại tập trung vào độ rực rỡ và chi tiết. Bên cạnh đó, màn hình HDR còn có ưu điểm là tiết kiệm điện hơn nhiều so với OLED, và đó cũng là lý do Lenovo ThinkPad X1 Yoga mới sở hữu màn hình Dolby Vision HDR.
LG thì có công nghệ Nano-IPS mới vừa ra mắt tại CES 2018. Đây là công nghệ IPS cải tiến, ứng dụng các hạt nano có thể "hấp thụ các bước sóng ánh dư thừa" và kết quả thu được là màn hình sẽ sáng hơn, màu sắc rực rỡ hơn. LG đã mang công nghệ này lên một màn hình máy tính siêu rộng 34-inch độ phân giải 5K đầu tiên trên thế giới.
Công nghệ màn hình Big Format Gaming Display (BFGD) của NVIDIA hợp tác sản xuất cùng Acer, Asus và HP cũng rất đáng chú ý. Màn hình máy tính dùng công nghệ này cho phép các game thủ tận hưởng độ phân giải 4K và khả năng đồng bộ tần số làm tươi với card đồ hoạ NVIDIA, mang lại trải nghiệm chơi game mượt mà một cách hoàn hảo.