Theo đại diện của Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hàng năm cứ vào ngày 12/8 âm lịch là các nhà hát, đoàn kịch, đơn vị nghệ thuật lại hào hứng chuẩn bị cho lễ giỗ Tổ nghề. Đây được xem là ngày trọng đại và linh thiêng nhất của những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu.
Vào dịp này, bất kể ai, dù bận bịu đến mấy cũng gác công việc lại để thực hiện các nghi thức tâm linh nhằm tưởng niệm Tổ nghiệp và tham gia các hoạt động tri ân khán giả. Nhiều nghệ sĩ dù hoạt động ở nước ngoài, vào dịp này cũng cố gắng về nước để làm lễ giỗ tổ nghề.
Nhà viết kịch Chu Thơm cho hay: "Với người ăn lộc Tổ nghề sân khấu thì vào dịp 12/8 là một dịp quan trọng để các nghệ sĩ tỏ lòng mình với các tiền nhân. Nói cách khác, đó là ngày mà tất cả các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu bao gồm: Ca hát, sân khấu, múa rối, xiếc… thể hiện sự biết ơn đối với Tổ nghề. Mình sống bằng nghề nào cũng phải biết ơn người đã sáng lập ra nghề đó. Mọi năm dù ở trong Nam hay ngoài Bắc, các nghệ sĩ đều có chút lòng thành để kính dâng lên Tổ nghề. Năm nay có lẽ do điều kiện khách quan nên các buổi lễ được tổ chức với quy mô nhỏ hơn".
NSND Trần Nhượng - Chủ nhiệm CLB Sân khấu Thử nghiệm chia sẻ: “Với người Á Đông, ngày giỗ rất linh thiêng và quan trọng. Đó là ngày người còn sống tưởng nhớ người đã mất. Cho nên ngày giỗ Tổ nghề là ngày mà những người được bén duyên với nghiệp Tổ nghiệp, được “ăn” lộc Tổ… thể hiện lòng tri ân của mình đến các bậc tiền nhân.
Tuỳ vào điều kiện của mình, các tập thể hoặc cá nhân có thể làm lễ giỗ lớn hoặc giỗ nhỏ nhưng ít nhất phải có tấm lòng thành kính. Năm nay, dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều sân khấu và đơn vị nghệ thuật cũng như phần đông nghệ sĩ gặp khó khăn. Tuy nhiên, lễ giỗ Tổ nghề vẫn phải được duy trì và thực hiện chu đáo”.
Dịp giỗ tổ năm nay, do dịch Covid-19 nên nhiều đơn vị nghệ thuật thận trọng trong việc tổ chức lễ giỗ Tổ nghề. Mới đây, NSƯT Hoài Linh đã gây bất ngờ khi thông báo sẽ đóng nhà thờ Tổ nghiệp ở Q.9 - TP.HCM, không tổ chức lễ giỗ Tổ nghề rầm rộ như mọi năm.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội cũng cho biết: "Khác với mọi năm, năm nay các Nhà hát thận trọng hơn trong việc tổ làm lễ giỗ Tổ nghề, do dịch bệnh có nhiều phức tạp nên các Nhà hát có cách thức tưởng nhớ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo được việc liêng thiêng và gọn nhẹ".
Ở phía Bắc, vào sáng ngày 25/9, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội với nghi thức dâng hương tế Tổ nghề; Tôn vinh các nghệ sĩ tròn 70, 80, 90 tuổi; Tặng quà cho các nghệ sĩ khó khăn; Trao giải thưởng nghệ thuật sân khấu năm 2019.
Nhân dịp này, CLB Sân khấu Thử nghiệm thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Nhà hát Thử nghiệm Việt Nam sẽ tổ chức lễ giỗ Tổ nghề vào ngày 27/9 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. Theo đó, sau khi thực hiện các nghi thức giỗ Tổ nghề, các nghệ sĩ của CLB này sẽ diễn vở kịch Dưới ánh đèn.
NSND Trần Nhượng cho hay, CLB diễn vở này vì vở diễn kể về những tâm tư của người nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu. Vở diễn từng đoạt 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018. Nhân dịp này, CLB Sân khấu Thử nghiệp trao 30 suất quà cho các nghệ sĩ gặp khó khăn với tổng trị giá 120 triệu đồng cho các nghệ sĩ cao tuổi, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo) cho hay: "Cho dù năm nay các hoạt động bên lề hướng về ngày giỗ Tổ không rầm rộ như mọi năm nhưng chúng tôi vẫn có phần Lễ long trọng, dù tổ chức nội bộ, bằng cái tâm của mình nhưng anh em nghệ sĩ vẫn động viên nhau để cùng cố gắng, cố gắng trong từng vở diễn để sân khấu luôn sáng đèn, để kéo khán giả đến xem".