Ngoài vụ học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện vừa diễn ra tại tỉnh Tiền Giang, trong năm 2017, tại tỉnh Vĩnh Long cũng xảy ra vụ việc học viên trốn trại. Theo đó, trong hơn nửa tháng 6/2017, tại trung tâm Điều trị cai nghiện ma tuý tỉnh Vĩnh Long (đóng tại địa bàn xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; thuộc quản lý sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long) xảy ra 8 vụ vi phạm nội quy, quy chế gồm: 2 vụ đục tường, 2 vụ đánh nhau, 1 vụ cất giấu sử dụng điện thoại di động trong nội trại, 1 vụ tổ chức đánh bài tự chế, 2 vụ trốn trại.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng 10 ngày đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đập phá cửa trốn khỏi trung tâm gây xôn xao dư luận. Vụ thứ nhất xảy ra vào lúc 0h10 ngày 8/6. Thời điểm này có 15 học viên trốn trại.
Đến khoảng 23h30 ngày 16/6, tiếp tục một vụ đập phá cửa xảy ra, có 17 học viên trốn trại. Tổng số 2 đợt có 32 học viên trốn trại.
Trong khi đó, năm 2016 cũng xảy ra đến 3 vụ học viên trốn trại tại tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh khiến dư luận vô vùng lo lắng. Theo đó, vào ngày 23/10, gần 600 học viên tại trung tâm Cai nghiện tỉnh Đồng Nai (đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; thuộc quản lý của sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai) đã tấn công cán bộ quản lý rồi trốn ra ngoài.
Tiếp đó, vào ngày 9/11, gần 200 học viên tại trung tâm Giáo dục - Lao động và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (đóng tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; thuộc quản lý của sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã la hét, kích động rồi hô hào các học viên trốn trại ra ngoài.
Đến ngày 25/11/2016, tiếp tục có gần 100 học viên tại trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh Tây Ninh (đóng tại địa bàn xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; thuộc quản lý của sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh) tấn công cán bộ rồi trốn ra ngoài.
Trao đổi với PV, Th.S Phạm Hải Thanh, chuyên gia tư vấn cai nghiện ma túy, trường ĐHQG TP.HCM cho biết: “Thời gian gần đây, các vụ học viên trốn trại cai nghiện xảy ra ít hơn so với thời điểm các năm trước đó. Đặc biệt, trong năm 2016 được xem là tâm điểm của các vụ trốn trại, buổi “hiệu ứng” vụ học viên trốn trại quy mô lớn tại Đồng Nai”.
“Qua quan sát, tôi thấy rõ tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện đã được thắt chặt về công tác an ninh cũng như chăm sóc, hỗ trợ cho người cai nghiện nên các vụ trốn trại được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vụ học viên trốn trại tại tỉnh Tiền Giang mới đây lại xảy ra thì đã đến lúc cần phải tìm ra gốc rễ của thực trạng này để giải quyết. Từ đó, ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể tiếp tục tái diễn”, Th.S Thanh cho biết thêm.
Theo Th.S Thanh, qua theo dõi báo chí, ông thấy rõ lãnh đạo tại các cơ sở, trung tâm cai nghiện khi xảy ra sự việc học viên trốn trại đều thừa nhận là tại các cơ sở, trung tâm xảy ra tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu cán bộ quản lý.
“Theo tôi, để giải quyết triệt để vấn đề này thì vấn đề cơ sở vật chất cần phải được đặt lên hàng đầu. Khi tường cao, kiên cố thì rất khó xảy ra việc học viên trốn trại. Tiếp đó là đầu tư về công tác cán bộ. Bởi, một thực tế có thể nhìn thấy rất rõ là nhiều cơ sở, trung tâm cai nghiện có số lượng cán bộ quá mỏng so với số lượng học viên cai nghiện. Điều này dẫn đến tình trạng khi các học viên cùng nhau bỏ trốn thì với lực lượng quá mỏng, cơ sở rất khó để ngăn chặn”, Th.S Thanh phân tích.
Trong khi đó, một lãnh đạo trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai thừa nhận: “Hiện tại, số lượng học viên đã vượt gấp đôi so với năng lực tiếp nhận chỉ từ 600-700 học viên của trung tâm. Hầu hết học viên được đưa vào trung tâm đều là những đối tượng phức tạp ngoài xã hội. Học viên từng lãnh tiền án, tiền sự chiếm 30%, học viên mắc các chứng bệnh như: HIV, lao, tâm thần,… chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, công tác chăm sóc, quản lý giáo dục gặp nhiều khó khăn”.
“Chưa kể, các học viên được đưa vào trại theo diện bắt buộc, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu thuốc, ngáo đá, rối loạn tâm thần… Họ thường gây gổ đánh nhau, đục tường, phá lưới, đánh trả cán bộ để trốn trại”, vị này cho biết thêm.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM) nhìn nhận: “Không thể tưởng tượng hết các chiêu trò, mánh khóe trốn trại của người nghiện. Họ sẵn sàng nuốt dị vật, lấy vật sắc nhọn cứa cho cơ thể tóe máu. Đó là cơ hội để họ xuống phòng y tế và thoát ra ngoài”.
“Người tự nguyện đi cai còn gặp nhiều khó khăn, thì kể chi đến các đối tượng cai nghiện bắt buộc. Ban đầu họ tự nguyện nhưng khi vào môi trường cai nghiện lại thấy chán, thèm thuốc, muốn ra ngoài. Tất nhiên, khi bị các đối tượng khác kích động, họ sẵn sàng lao theo. Đây cũng là vấn đề mà các cơ sở cai nghiện cần nắm bắt, từ đó đề ra các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn”, bác sỹ Khánh Duy chia sẻ thêm.
Chia sẻ thêm với PV, anh Trần Văn T. (35 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM; cựu học viên tại một cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TP.HCM) cho hay: “Là người từng đi cai nghiện nên tôi hiểu rất rõ những học viên bị kích động đa số là người trẻ tuổi, thiếu nhận thức về pháp luật. Trong khi đó, những đối tượng đứng ra kích động đều có quyết định cai nghiện bắt buộc. Họ không muốn tiếp tục cai nghiện nên quấy phá, đòi về. Họ lợi dụng, kích động những học viên trẻ xa nhà hoặc những học viên có tâm lý muốn sớm ra ngoài đoàn tụ cùng người thân”.
Cũng theo anh T., việc các cơ sở cai nghiện hiện nay không được đầu tư về cơ sở vật chất cũng như lượng cán bộ mỏng, yếu là nguyên nhân khiến các vụ học viên trốn trại diễn ra dễ dàng hơn. “Nếu muốn ngăn chặn vấn đề này thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực thì cần tăng cường tổ chức các hoạt động lao động, văn hóa, giải trí phù hợp. Việc này nhằm giúp người nghiện yên tâm, hoàn tất quá trình cai nghiện của mình”, anh T. nói thêm.