Từng có rất nhiều giả thuyết giải thích về lý do chim có mỏ mà không có răng. Một trong số đó cho rằng sự biến mất của răng giúp đầu chim nhẹ hơn, nhờ đó nó bay nhanh hơn, cao hơn. Nhưng giả thuyết này lại không lý giải được vì sao một số khủng long ăn thịt ở kỷ trung sinh không thể bay được dù chúng chỉ có mỏ và không có răng.
Theo các nhà nghiên cứu đến từ đại học Bonn (Đức), loài chim không có răng mà chỉ có mỏ là để thời gian thành hình trong trứng nhanh hơn, nhờ đó nâng cao khả năng sống sót.
Các nhà khoa học Đức dựa trên nghiên cứu của các nhà cổ sinh vật học người Mỹ về thời gian trứng nở rất chậm của loài khủng long cổ đại. Nó có thể mất hàng tháng trời, như với loài bò sát tiền sử, trong khi thời gian ấp nở của các loài chim hiện nay ngắn hơn rất nhiều (chỉ từ khoảng 10 ngày đến vài tuần lễ).
Vấn đề nằm ở chỗ thời gian để hình thành bộ răng chiếm đến 60% tổng thời gian con non thành hình. Hay có thể nói khủng long xưa kia mất nhiều tháng để chào đời chủ yếu là do thời gian chờ bộ răng mọc đủ. Trong khi đó trứng là món ưa thích của nhiều loài ăn thịt và đa số khủng long chỉ đẻ trứng mà không ấp ủ, trông chừng và bảo vệ. Vì thế thời gian trứng nở càng lâu thì cơ hội bị ăn mất càng cao.
"Chúng tôi cho rằng chọn lọc tự nhiên theo kiểu không cần hàm răng thực ra chỉ là “tác dụng phụ” của sự chọn lọc dựa trên sự phát triển phôi thai nhanh hơn, tức thời gian trứng nở sẽ ngắn hơn", nhóm tác giả nhận định.
Tuy nhiên cho đến nay giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất là hàm răng mất đi để phù hợp với cách ăn uống. Theo Telegraph, nghiên cứu của các chuyên gia thuộc đại học Toronto (Canada) chỉ ra rằng, tổ tiên của loài chim hiện đại sống sót qua thảm họa thiên thạch cách đây hơn 60 triệu năm là nhờ cấu tạo của mỏ cứng và dài, giúp chúng gắp một số loại thức ăn như hạt.
Thảm họa thiên thạch đâm xuống Trái Đất đã khiến khí hậu biến đổi, nguồn thức ăn trở nên khan hiếm... dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài động vật như khủng long ăn thịt, thằn lằn, trong đó có cả các loài thuộc họ Maniraptoran (họ khủng long bao gồm cả chim).
Chỉ duy nhất loài chim có mỏ nhưng không có răng lại sống sót kỳ diệu qua cuộc đại tuyệt chủng. Tại sao lại như vậy?
Để đi tìm lời giải, các chuyên gia đã tiến hành phân tích dữ liệu từ hơn 3.000 mẫu răng hóa thạch của 4 nhóm thuộc họ Maniraptoran. Từ kết quả phân tích các nhà khoa học nhận thấy vào kỷ Phấn Trắng, họ hàng chim hiện đại ăn các loại hạt. Và các loài chim hiện đại đều có mỏ nhưng không có răng. Điều này có nghĩa là hơn 60 triệu năm về trước những loài chim có răng đã bị tuyệt chủng hết, chỉ còn các loài chim không răng sống sót tới ngày nay nhờ ăn hạt cây. Các hạt cứng chịu mới được môi trường khắc nghiệt sau thảm họa và những chiếc răng tiêu biến chỉ còn lại mỏ là để phù hợp với chế độ ăn này.
Minh Hoa (t/h)