Theo các chuyên gia, lý do chính của việc loài rắn lột xác chính là để phát triển cơ thể của chúng cũng như loại bỏ những loài ký sinh trùng bám trên lớp da cũ. Khi cơ thể của rắn phát triển, lớp da của chúng sẽ bị kéo dãn ra.
Dù vậy, khác với da người, da rắn có độ co dãn rất hạn chế, khó có thể phù hợp với cơ thể mới và đến một thời điểm nhất định, loài rắn phải bỏ lớp da cũ của mình.
Đến thời điểm lột da, loài rắn sẽ tự tạo một lớp da mới dưới lớp da cũ, sau khi quá trình này hoàn tất, chúng sẽ bắt đầu tiến trình lột da bằng cách cọ vào đá hoặc thân cây, tạo một vết rách trên da, thường là ở mũi.
Sau đó, chúng sẽ từ từ trườn ra khỏi lớp da cũ từ chính vết rách đó. Đó chính là lý do vì sao những lớp da để lại thường bị lộn ngược từ trong ra ngoài.
Khi nào rắn lột da?
Rắn lột da theo chu kỳ, và quá trình này sẽ tiếp diễn tới khi nó chết. Trung bình một con rắn sẽ lột da 2 - 4 lần/năm. Nhiều hay ít còn tùy vào độ tuổi cũng như loài.
Chẳng hạn như rắn nhỏ, vốn đang trên đà phát triển cơ thể có thể lột da mỗi 2 tuần/lần, tuy nhiên rắn trưởng thành có thể chỉ còn lột da khoảng 2 lần/năm.
Tuy nhiên trong môi trường tự nhiên hoang dã, mọi thứ lại không dễ dàng như vậy.
Có rất nhiều lý do khiến việc lột da của rắn không thể hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần, chủ yếu nhất là do thiếu độ ẩm hoặc mất nước (chẳng hạn như một loài rắn nhiệt đới vô tình gặp phải một đợt hạn hán).
Việc không thể hoàn thành việc lột da có thể để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực gần mắt.
Lớp da cũ sẽ tích trữ ở khu vực này nếu quá dày, lâu dài sẽ khiến chúng bị mù. Dẫu biết rắn có các giác quan rất nhạy cảm, tuy nhiên, một con rắn bị mù trong tự nhiên gần như đã là một con rắn… chết.
Tiểu Phi (Tổng Hợp)