Vì sao luật Đất đai sửa đổi "lỡ hẹn" tại Quốc hội?

Vì sao luật Đất đai sửa đổi "lỡ hẹn" tại Quốc hội?

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 3, 23/03/2021 18:15

Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp và Tổng Thư ký Quốc hội cùng giải thích lý do luật Đất đai sửa đổi "lỡ hẹn" nghị trường tại buổi họp báo sáng nay (23/3).

Tại cuộc họp báo công bố chương trình dự kiến kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (23/3), có câu hỏi gửi tới Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội - ông Nguyễn Trường Giang về trách nhiệm của Quốc hội XIV khi vẫn chậm thông qua luật Đất đai sửa đổi, luật Biểu tình và luật Hội.

"Nhiều đại biểu bức xúc vì vẫn còn nợ luật Đất đai sửa đổi, luật Biểu tình, luật về Hội… Theo ông, Quốc hội có nên nhận xuất sắc nhiệm vụ như trong báo cáo hay không?", câu hỏi được gửi tới Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp.

Trước đó, sáng 15/3, tại phiên họp thứ 54 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội và phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều nhấn mạnh, khóa XIV là một nhiệm kỳ Quốc hội thành công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trả lời câu hỏi trên, ông Giang cho hay, để đánh giá Quốc hội có hoàn thành nhiệm vụ hay không thì phải căn cứ các nhiệm vụ mà cơ quan này được giao phó. Không vì 1-2 luật chưa thông qua mà cho rằng Quốc hội chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Theo ông Giang, Thường vụ Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh để trình Quốc hội xem xét, thông qua luật Đất đai sửa đổi.

Chính phủ cũng đã giao bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, cơ quan tiếp tục soạn thảo luật Đất đai sửa đổi để xem xét trình Quốc hội.

Tiêu điểm - Vì sao luật Đất đai sửa đổi 'lỡ hẹn' tại Quốc hội?

Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Quốc hội (thứ hai từ trái sang) giải thích việc chậm thông qua luật Đất đai sửa đổi ở Quốc hội khóa XIV (ảnh: M.M)

Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo, có những vấn đề, vướng mắc. Một trong những yêu cầu của luật Đất đai là phải thể chế hóa được Hiến pháp và các quan điểm định hướng chung của Đảng. Nếu chưa bàn soạn kỹ mà đã thông qua thì khi ban hành sẽ không khả thi, Bởi vậy, Quốc hội đã xem xét và quyết định chờ các định hướng chung của Đảng, đặc biệt là văn kiện Đại hội 13 của Đảng.

"Chính vì vậy, sau khi xem xét, Quốc hội đã quyết định đưa luật Đất đai sửa đổi ra khỏi chương trình để có sự đầu tư chuẩn bị kỹ hơn. Tôi tin rằng Quốc hội khoá XV sẽ tiếp tục soạn thảo để trình", ông Nguyễn Trường Giang nói.

Bổ sung ý kiến của Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm rằng, mặc dù những bất cập của luật Đất đai hiện hành đang gây nhiều bức xúc trong cuộc sống, Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp, địa phương đều nhận nhận được những phản ánh bức xúc này. 

Tiêu điểm - Vì sao luật Đất đai sửa đổi 'lỡ hẹn' tại Quốc hội? (Hình 2).

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tuy nhiên, lần này chúng ta sửa luật mang tính bài bản, cần tổng kết để sửa một lần thôi, tránh sửa lĩnh vực này mà ảnh hưởng đến lĩnh vực khác.

“Có rất nhiều nội dung của luật Đất đai như hạn điền, giải phóng mặt bằng,... cần Chính phủ  tổng kết một cách kỹ càng rồi mới trình Quốc hội. Một khi chưa chín, còn đang non thì Quốc hội trả lại để Chính phủ nghiên cứu tiếp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tương tự, đối với dự án luật Hội, ông Nguyễn Trường Giang cho rằng: “Luật Hội là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.

Ngay khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có kế hoạch để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, trong đó có việc soạn thảo dự án Luật Hội để trình Quốc hội.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa Hiến pháp là cả một giai đoạn, chứ không phải chỉ một nhiệm kỳ Quốc hội, do đó phải đảm bảo tính khả thi trong từng giai đoạn, phù hợp với thực tiễn”.

Luật biểu tình cũng vậy, phải "chín", khi chưa "chín", còn băn khoăn thì cần có thời gian để nghiên cứu kỹ hơn.

Theo chương trình dự kiến, ngày mai (24/3), kỳ họp 11 Quốc hội XIV sẽ họp phiên khai mạc vào lúc 9h sáng. Chương trình được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Nội dung chính bao gồm: Chủ tịch Quốc hội trình bày dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV, báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2-21 của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ; Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật đọc báo cáo thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ.

Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật  Phòng chống ma túy (sửa đổi) và thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

 

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV (từ 24/3 đến 8/4/2021)

Là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV, công tác lập pháp, kỳ này Quốc hội dành nửa ngày để xem xét, thông qua dự án luật Phòng chống ma túy (sửa đổi).

Thời gian còn lại, Quốc hội sẽ bàn bạc, xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước…; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị cử tri từ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

 

MINH MINH

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.