Từ vụ tôm Việt Nam chịu cùng lúc 2 loại thuế do Mỹ áp, trong khi tôm của Thái Lan, Indonesia không phải chịu thuế cho thấy một thực trạng đáng ngại là hiện nay, không riêng gì tôm mà Mỹ có thể áp thuế lên tất cả hàng hóa của ta nếu muốn.
Theo quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ, công ty Thuỷ sản Minh Quí - một trong 2 bị đơn sẽ phải chịu mức thuế 7,88%, trong khi thuế suất đối với bị đơn còn lại là công ty Thuỷ sản Nha Trang sẽ là 1,15%. Thuế suất toàn quốc đối với các công ty xuất khẩu còn lại của Việt Nam sẽ ở mức 4,52%. Vụ kiện chống trợ cấp (CVD) do Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ (COGSI) khởi xướng từ cuối năm 2012 đối với tôm của 7 nước xuất khẩu vào Mỹ do nghi ngờ ngành tôm những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ bên cạnh thuế chống bán phá giá bị Bộ Thương mại Mỹ áp cho tôm Việt Nam trước đây, hiện nay con tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lại phải gánh thêm một loại thuế phi lý mới đó là thuế chống trợ cấp. Vụ kiện này vô cùng phi lý khi Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ đại diện cho các công ty khai thác tôm tự nhiên còn tôm nhập khẩu là tôm nuôi.
Tôm Việt phải chịu cùng lúc hai loại thuế ở thị trường Mỹ
Rõ ràng, việc đánh hai loại thuế cũng một sản phẩm là không công bằng cho Việt Nam. Trong khi đó, một số nước như Thái Lan, Indonesia lại không phải chịu mức thuế suất này. Mặc dù trước đó, ngày 31/5, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra thông cáo báo chí phản đối kết quả sơ bộ vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm đông lạnh Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Tại sao lại có một sự phi lý với con tôm Việt như vậy? Trong một dịp trò chuyện với một doanh nhân Việt kiều Mỹ, anh đã nhấn mạnh: "Không riêng gì tôm mà Mỹ có thể áp thuế suất phi lý với mọi hàng hóa nông lâm thủy sản khác". Người này nêu giả thiết, nếu phía Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ ra phán quyết rằng tôm của nước ta nuôi tại vùng nước có nhiễm chất đồng (dù thực tế không hề có việc đó) thì chúng ta vẫn khó lấy lại công bằng. Dù khi chính quyền Mỹ có áp lực từ Hiệp hội Thủy sản Mỹ (trực tiếp hoặc gián tiếp qua các dân biểu của họ), lấy lý do gì đó để ngăn chặn một công ty Việt Nam nào đó đưa tôm, cá vào Mỹ, mà nếu nước xuất khẩu không có tiếng nói và một phần lực mạnh mẽ thì sẽ bị thiệt thòi.
Tất cả xoay quanh việc Việt Nam chưa có hệ thống vận động hành lang (lobby) tại Mỹ. Từ hơn mười năm nay, các mặt hàng gỗ, giầy dép, thủy sản… từ Việt Nam vào Mỹ vẫn chịu tình cảnh này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở khu vực Đông Nam Á, tính đến năm 2004, chỉ có Việt Nam và Lào là không có chi phí cho hoạt động lobby, còn các quốc gia và vùng lãnh thổ như Campuchia, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Myanma, Singapore, Thái Lan, Philippin đều có các khoản chi phí từ vài chục nghìn đến hàng triệu USD cho hoạt động lobby ở Mỹ. Công tác lobby của Việt Nam chưa hiệu quả, làm lobby chưa chuyên nghiệp. Trong nhiều ngành sản xuất kinh doanh mà Việt Nam có quan hệ với thị trường Hoa Kỳ thì chỉ có Hiệp hội Dệt may Việt Nam là tổ chức duy nhất có đăng ký với Quốc hội Mỹ để tham gia các hoạt động lobby (chi phí hàng năm không quá 10.000 $).
Lấy dẫn chứng, vụ thua kiện cá basa có lẽ chúng ta cũng cần nhìn nhận lại vấn đề lobby. Được biết trong vụ kiện tôm, Thái Lan đã phải chi khoảng 2 tỷ USD cho việc thuê các công ty lobby của Mỹ. Cũng trong vụ kiện bán phá giá tôm, Liên minh tôm miền nam (SSA) và Hiệp hội tôm Lousianna Mỹ (LSA) ngoài việc có lá phiếu cử tri của hiệp hội còn là việc thuê Công ty Luật Dewey Ballantine và sử dụng hàng loạt các công ty khác như: Livingston, Jones Walker, Poievent & Denegre để tổ chức các hoạt động lobby nhằm tạo sự ủng hộ trong vụ này.
Lobby không mới, nhưng còn lạ lẫm với nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Trên thực tế, khi chinh phục thị trường quốc tế, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là những rào cản thương mại. Những vụ kiện bán phá giá cá da trơn, tôm vào thị trường Hoa Kỳ hay da giày vào thị trường EU... đã dạy cho các nhà quản lý Việt Nam rất nhiều bài học quý.
Ông Trần Tuấn Anh, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Francisco (Mỹ) từng nói: "Lobby cần phải đi trước một bước. Đặc biệt là ở Mỹ, nếu không có lobby thì sẽ không bảo vệ được lợi ích của quốc gia, lợi ích của doanh nghiệp. Tất nhiên, lobby có nhiều cách và chúng ta phải làm một cách bài bản và cần phải làm thường xuyên và liên tục cả một quá trình, chứ để xảy ra chuyện bán phá giá hay sự cố, doanh nghiệp mới tiến hành lobby thì chẳng khác gì nước đến chân mới nhảy".
Yến Dương