Vì sao Mỹ không còn làm "cảnh sát trưởng" phân xử căng thẳng Ấn Độ-Pakistan?

Vì sao Mỹ không còn làm "cảnh sát trưởng" phân xử căng thẳng Ấn Độ-Pakistan?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 06/03/2019 20:00

Mỹ từng được ví như cảnh sát trưởng ở khu vực Nam Á. Nhưng hiện tại, không có ai trong "đồn cảnh sát" của Mỹ sẵn sàng can thiệp vào khủng hoảng bùng nổ giữa Ấn Độ và Pakistan.

Tiêu điểm - Vì sao Mỹ không còn làm 'cảnh sát trưởng' phân xử căng thẳng Ấn Độ-Pakistan?

Tổng thống Trump bận rộn với hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên trong lúc va chạm giữa Ấn Độ-Pakistan diễn ra.

Khi Ấn Độ và Pakistan đứng bên bờ vực chiến tranh năm 1999, cựu Tổng thống Bill Clinton đã bước vào cuộc khủng hoảng với chính sách ngoại giao cá nhân, những lá thư mạnh mẽ và những cảnh báo nghiêm khắc, đe dọa hành động kinh tế cứng rắn chống lại Islamabad để yêu cầu nước này lùi bước.

Nhưng khi căng thẳng leo thang vào tuần trước giữa Ấn Độ và Pakistan, Tổng thống Donald Trump và nhiều trợ lý cao cấp của ông đã bận tâm với hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên, cũng như một phiên điều trần Quốc hội nóng bỏng có luật sư cá nhân cũ của ông, Michael Cohen.

Đó là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa các đối thủ vũ trang hạt nhân Nam Á trong nhiều thập kỷ, nhưng chính quyền Trump thực sự là một người ngoài cuộc - họ không tìm cách hòa giải bế tắc như Mỹ từng làm trong quá khứ, một số nhà ngoại giao nói với NBC News.

"Chính phủ Mỹ dường như không tham gia vào vấn đề này ở cấp cao", Daniel Feldman, cựu đại diện đặc biệt tại Afghanistan và Pakistan dưới thời chính quyền Obama nói. "Nó không chỉ thể hiện sự thiếu tập trung mà còn làm giảm năng lực của chúng tôi ở rất nhiều vị trí cấp cao, ở một số cơ quan chủ chốt”.

Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Joseph Dunford đã gọi điện thoại cho các đối tác của họ ở Islamabad và New Delhi, một bước đi được coi là rất quan trọng nhưng lại không giống với kiểu ngoại giao con thoi diễn ra trong các cuộc khủng hoảng trước đây, vị cựu quan chức nói.

Năm 1999, Tổng thống Bill Clinton đã điện đàm với cả hai đồng nghiệp của mình và giúp giải quyết cuộc đối đầu. Nhưng lần này thì không.

"Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Washington không phải là một người chơi tích cực trong việc cố gắng làm dịu cuộc khủng hoảng Ấn Độ-Pakistan", Bruce Riedel, cựu sĩ quan CIA từng phục vụ trong Hội đồng Bảo an Quốc gia dưới thời Clinton nói. "Tổng thống đã không nói chuyện với các nhân vật chính".

Tuy nhiên về phần mình, các quan chức chính quyền Trump bác bỏ những lời chỉ trích, nói rằng Mỹ là một trong những Chính phủ đầu tiên lên án vụ đánh bom tự sát hồi tháng trước khiến 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng – nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng - và liên tục kêu gọi cả hai bên xoa dịu cuộc xung đột.

Ông Pompeo "đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc giảm căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan", khi nói chuyện trước các nhà lãnh đạo ở cả hai nước và các đối tác của ông, một phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Washington cũng liên lạc với các đại sứ quán Mỹ ở New Delhi và Islamabad, người phát ngôn nói thêm: "Trong khi không phải tất cả các hoạt động ngoại giao đều có thể được tiến hành theo quan điểm công khai, Mỹ sẽ tiếp tục tham gia với Ấn Độ và Pakistan để giảm căng thẳng thông qua tất cả các kênh thích hợp".

Washington không có đại sứ tại Pakistan và chỉ đến tháng 12 năm ngoái, Nhà Trắng mới đệ trình một đề cử cho vị trí cấp cao tại bộ Ngoại giao giám sát Nam và Trung Á. Các vị trí cấp cao khác về Nam Á đã trải qua những lần thay đổi thường xuyên, và các cựu quan chức cho biết Nhà Trắng thường có những ưu tiên khác hơn là tranh chấp lâu dài giữa Ấn Độ và Pakistan về Kashmir.

Tiêu điểm - Vì sao Mỹ không còn làm 'cảnh sát trưởng' phân xử căng thẳng Ấn Độ-Pakistan? (Hình 2).

Mỹ từng tham gia vào giải quyết căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan nhiều lần trong quá khứ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người am hiểu lịch sử và chính trị của Nam Á, đã từ chức vào tháng 12 sau khi bất đồng với tổng thống về Syria và các vấn đề quốc tế. Người kế nhiệm ông, Patrick Shanahan, cựu giám đốc điều hành Boeing được cho là thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại.

"Trước đây, chúng tôi là cảnh sát trưởng ở khu vực này. Bây giờ, không có ai trong đồn cảnh sát của chúng tôi sẵn sàng can thiệp", Harry Sokolski, cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện là giám đốc điều hành của Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến cho biết. "Ai là nhà ngoại giao của chúng ta sẽ can thiệp vào đây?"

Ít nhất một cơ quan của Mỹ đã lo ngại trong vài tháng qua rằng căng thẳng đang gia tăng giữa hai đối thủ. Những lo ngại đã khiến CIA tăng cường cam kết với khu vực, hai quan chức Mỹ giấu tên nói với NBC News.

Các chuyên gia khu vực khác cho biết trong khi Washington đã đóng một vai trò hạn chế hơn trước đây, Ấn Độ và Pakistan cũng không nhất thiết muốn thấy chính quyền Trump phục vụ như một người đối thoại. Không giống như những lần bế tắc trước đó, Nhà Trắng của ông Trump đã sẵn sàng cấp cho Ấn Độ một số hỗ trợ cần thiết để giải quyết tình hình.

"Mỹ đã cố gắng can thiệp một chút, nhưng chủ yếu là do cách thức khác nhau bởi vì Ấn Độ là một nơi khác nhiều so với 15, 20 năm trước". Rick Rossow, cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nêu quan điểm.

Washington coi Ấn Độ là "một người chơi có trách nhiệm", có đủ sức mạnh và kỹ năng để tự chăm sóc lợi ích của mình, ông nói.

Khi Mỹ cảm thấy thất vọng với những gì họ cho là thất bại của Pakistan trong việc quản lý những nhóm chiến binh cực đoan, mối quan hệ của Washington với Islamabad đã bị sứt mẻ trong khi nước này đã tạo ra mối quan hệ ngày càng gần gũi với Ấn Độ, một quốc gia mà họ coi là đối trọng quan trọng với Trung Quốc, theo chuyên gia Shuja Nawaz từ Hội đồng Đại Tây Dương.

"Đây là chính sách của Mỹ trong thời điểm này. Đã có một sự thay đổi rõ rệt sang Ấn Độ bắt đầu từ chính quyền Bush, tiếp diễn trong suốt thời kỳ Obama và vẫn tiếp tục dưới thời Trump", Nawaz nói.

Mặc dù cuộc khủng hoảng có vẻ lắng dịu sau khi Pakistan thả phi công chiến đấu Ấn Độ bị bắt vào cuối tuần trước, hai bên đã đáp trả lực pháo binh ở tỉnh Kashmir gây ra những tổn thất lớn. Và những bất đồng cơ bản - về Kashmir và thái độ của Pakistan đối với các nhóm chiến binh cực đoan - vẫn chưa được giải quyết.

Giới quan sát giờ đây đều dự đoán rằng những va chạm dẫn tới xung đột tiếp theo đã sẵn sàng nổ ra, và các cựu quan chức cho biết chính quyền Trump có vẻ không chuẩn bị cho tình hình này.

"Đây là một cuộc điện thoại đánh thức", cựu sĩ quan CIA Riedel nói. "Nhóm của Trump chưa sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng thực sự”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.