Vào tháng 8, chính quyền Tổng thống Biden đã vạch ra kế hoạch nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch bằng cách cắt giảm lượng khí thải và thắt chặt tiêu chuẩn ô nhiễm với ô tô. Theo đó, kế hoạch ban hành quy định mới nhằm vào các nhà sản xuất ô tô, bao gồm yêu cầu mục tiêu 50% doanh số xe bán ra ở Mỹ vào năm 2030 là xe điện (EV), xe lai sạc điện (PHEV), hoặc xe điện chạy hydro (FCEV).
“Tương lai của ngành công nghiệp ô tô Mỹ là xe điện và được sản xuất trên chính nước Mỹ” - tờ Thời báo New York đã trích lời Tổng thống Joe Biden đăng trên Twitter khi nói về mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô điện của nước này.
Tuyên bố trên được đánh giá như một cơn địa chấn đối với ngành công nghiệp ô tô và phương tiện chạy bằng khí động lực.
Vì sao chính quyền Biden theo đuổi mục tiêu phát triển ngành công nghiệp xe điện?
Ngành công nghiệp xe điện là một trong những mảnh đất màu mỡ để nền kinh tế Mỹ khôi phục hậu đại dịch.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục càn quét khiến hàng loạt “ông lớn” ô tô như Toyota, Volkswagen, General Motors... lao đao do thiếu nguồn cung linh kiện, thì sự tăng trưởng của ngành xe điện như một điểm sáng vụt lên bất ngờ giữa bức tranh kinh tế nhiều mảng màu ấy.
Theo báo cáo của hãng phân tích thị trường Canalys, doanh số ô tô điện toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 đã tăng tới 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, đã có 2,6 triệu xe điện tới tay người tiêu dùng trên toàn cầu. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của ô tô điện đã vượt xa xe động cơ đốt trong truyền thống - vốn chỉ đạt 26%.
Mỹ đối mặt nguy cơ tụt hậu so với ngành xe điện tại Trung Quốc và Châu Âu.
Theo báo cáo, Trung Quốc và châu Âu là thị trường khởi sắc trên sân chơi mới mẻ này, chiếm tới 87% thị phần xe điện bốn bánh toàn cầu.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố: “Dù tiên phong về công nghệ, song Mỹ thừa nhận vẫn đi sau châu Âu và Trung Quốc trong cuộc đua sản xuất xe điện và pin đi kèm". “Ngày nay, quy mô thị trường xe điện của Mỹ chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc”.
Trong nửa đầu năm nay, người dân xứ cờ hoa mới chỉ mua khoảng 250.000 ô tô điện, chiếm 10% doanh số bán xe trên toàn cầu, và tương đương 3% doanh số xe mới bán ra tại Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Biden mong muốn giành lại vị trí lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu
Tổng thống Biden cho biết, Mỹ cam kết giảm 50-52% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2005 trong lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu vào ngày 22/4. Mục tiêu mới cao gần gấp đôi so với cam kết thời cựu Tổng thống Barack Obama là cắt giảm 26-28% lượng khí thải vào năm 2025 so với mức năm 2005.
Việc cắt giảm khí thải dự kiến sẽ từ các nhà máy điện, ô tô và các lĩnh vực khác trên toàn nền kinh tế.
Như vậy, có thể thấy rằng ngành công nghiệp xe điện là một trong những mảnh đất màu mỡ để nền kinh tế Mỹ khôi phục hậu đại dịch và tầm nhìn dài hơn là để chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các chiến lược tiến hành
Để đạt mục tiêu một nửa doanh số ô tô mới là xe điện vào năm 2030, Mỹ có chiến lược xây dựng mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc, hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà phân phối xe điện.
Ngoài ra, các quan chức cấp cao đã đề xuất nâng cao tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho phương tiện chạy bằng khí đốt, đồng thời đảo ngược một số điều khoản về tiêu chuẩn khí thải của chính quyền tiền nhiệm.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg nhận định: “Điều luật mới sẽ tạo điều kiện giúp nước Mỹ đạt được mục tiêu này. Lĩnh vực giao thông vận tải là một trong những thành phần lớn nhất của nền kinh tế gây phát thải khí nhà kính, trong đó ô tô và xe tải là những nguyên nhân chính”.
Hiện hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đều ủng hộ kế hoạch giảm lượng khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường của Chính phủ Mỹ. Trong một tuyên bố chung, 3 công ty General Motors, Ford và Stellantis cho biết, sẽ nỗ lực đạt được kỳ vọng cung cấp 40-50% lượng xe điện cho thị trường trong nước vào năm 2030, từ đó giảm lượng khí thải ô tô theo cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phạm Thu Thanh (theo New York times)