Hôm 3/1, hai tàu chiến của Nga đã đến Philippines trong một chuyến thăm thiện chí đánh dấu cho mối quan hệ đang tiếp tục ấm lên giữa hai nước.
Đây không phải là lần đầu tiên các tàu của Nga cập cảng Philippines. Đại tá Hải quân Philippines Francisco Cabudao, người tổ chức buổi lễ chào đón xác nhận với phóng viên rằng đã có hai lần hoạt động này diễn ra, trong đó lần gần nhất là năm 2012, nhưng giữa hai bên chưa có các tương tác thật sự.
Bởi vậy chuyến thăm kéo dài 4 ngày của tàu chống ngầm Đô đốc Tributs và tàu chở dầu Boris Butoma đến quốc gia Đông Nam Á lần này là bước tiến mới.
Bình luận viên Prashanth Parameswaran từ The Diplomat cho rằng chính từ sự cô lập của phương Tây đã trở thành động lực khiến Nga phải mở rộng cơ hội mới ở nước ngoài. Trong đó Moscow coi trọng việc tăng cường sự hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù Philippines có truyền thống là một đồng minh của Mỹ, nhưng Nga đang cảm nhận được cơ hội mới với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ của Manila với nhiều quyền lực lớn khác trong thời gian qua, đặc biệt là với Bắc Kinh và Moscow.
Bên cạnh những tuyên bố xây đắp tình cảm gần đây, mối quan hệ Philippines-Nga đã có bước đi thực tế để cụ thể hóa nguyện vọng của cả hai.
Tổng thống Duterte đã gửi bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của ông tới Moscow để tìm kiếm cơ hội tiềm năng nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự với đối tác mới.
Sau khi trở về từ chuyến đi, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng trong khi Moscow quan tâm đến thúc đẩy quan hệ quốc phòng trên diện rộng, bao gồm cả bán trang bị, vũ khí cho Manila - Philippines cũng thông qua hạn ngạch mua bán phù hợp với nhu cầu quốc phòng, khả năng và nguồn vốn sẵn có.
Người đứng đầu quốc phòng nước này cho biết các trang bị như máy bay không người lái hoặc súng trường bắn tỉa sẽ được quan tâm hơn là các mặt hàng đắt giá như tàu ngầm.
Cuộc viếng thăm lần này là một dấu hiệu cho thấy phát triển hợp tác quốc phòng Philippines-Nga đang lên, mặc dù nó vẫn mới chớm nở trong những ngày đầu. Trong khi đó ông Eduard Mikhailov, phó chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, không giấu diếm kỳ vọng của Moscow đối với mối quan hệ quốc phòng hai nước trong tương lai.
Ngoài chỉ ra rằng Nga luôn sẵn sàng giúp đỡ giải quyết vấn nạn cướp biển ở Philippines và chủ nghĩa khủng bố, Agence France-Presse dẫn lời ông Mikhailov nói rằng Nga "rất chắc chắn" trong tương lai, cuộc tập trận chung diễn ra ở khu vực này sẽ được thực hiện ở nhiều quy mô khác nhau.
"Chúng tôi thực sự hy vọng rằng trong một vài năm, các cuộc tập trận trong khu vực sẽ được mở rộng, không chỉ có Nga-Philippines, mà còn giữa Philippines, Trung Quốc, và có thể Malaysia với nhau", ông nói.
Tuy nhiên phó chỉ huy của Nga nhấn mạnh rằng đây có thể coi là một lời hứa thay vì một bước chuyển giao hành động thực sự đến từ Nga.
Bình luận viên Prashanth Parameswaran đánh giá, dù thế nào điều này cũng cho thấy Nga khá coi trọng các mối quan hệ quốc phòng tại nơi đây - điều mà nếu xảy ra chỉ một năm trước sẽ bị coi là "kỳ lạ".
Một ngày sau chuyến thăm, Đại sứ Nga Igor Khovaev bày tỏ sự nhiệt tình của Moscow muốn trang bị cho quốc đảo ở Đông Nam Á những thiết bị quân sự công nghệ cao.
Ông Khovaev nói rằng Nga "sẵn sàng cung cấp vũ khí nhỏ gọn, một số phi cơ, máy bay trực thăng, tàu ngầm, và nhiều nhiều loại vũ khí khác. Tất cả đều là trang thiết bị tinh vi chứ không phải loại cũ".
Đại sứ nhấn mạnh sự đi lên trong quan hệ Moscow-Manila không phải là hành động gây xói mòn niềm tin giữa Manila và Washington, mà ông cho rằng sự hợp tác kinh tế là điều mang lại lợi ích chung cho các bên, và việc đa dạng hóa các đối tác nước ngoài đơn giản là giải pháp kinh tế thông minh.
Ông cũng bày tỏ rằng Nga không có ý định "gây ảnh hưởng" đến với mối quan hệ của Manila với "đối tác truyền thống".
Theo Sputnik, Nga có thể sớm thay thế vai trò là đối tác giao dịch vũ khí chính của Philippines sau khi Mỹ đang muốn giảm nguồn cung vũ khí cho đồng minh của mình.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ gần đây đã từ chối việc bán 26.000 súng trường tấn công tự động M4 cho Philippines, như một biện pháp trừng phạt mà Washington nói rằng chiến dịch càn quét ma túy của Tổng thống Duterte đã vi phạm nhân quyền.
Đáp trả lại nhà lãnh đạo Philippines nói sẽ tìm đến Bắc Kinh và Moscow để mở rộng kho vũ khí của mình.
Quốc Vinh