UAV Nga tập kích Kiev vào ngày 17/6/2025. Ảnh: DW.
Hôm 11/7, Nga tiếp tục tiến hành một đợt tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào thành phố Odessa. Theo truyền thông địa phương, mục tiêu bị đánh trúng bao gồm trung tâm tuyển quân của quân đội Ukraine và một số khu dân cư.
Trước đó một ngày, ít nhất hai người thiệt mạng trong một cuộc tập kích ban đêm quy mô lớn tại thủ đô Kiev. Thị trưởng thành phố, ông Vitali Klitschko, cho biết một trạm cấp cứu đã bị phá hủy. Đây chỉ là một phần trong chuỗi các đợt tấn công phối hợp trên khắp Ukraine thời gian gần đây.
Hôm 9/7, Nga tập kích Ukraine với 741 tên lửa và UAV, mức kỷ lục kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022. Hôm 4/7, truyền thông Ukraine mô tả đây là "đêm địa ngục" khi Nga triển khai hơn 500 UAV cùng tên lửa Kinzhal và Iskander.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ thất vọng với Nga. “Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều điều phiền toái từ Tổng thống Nga Putin”, ông Trump nói gần đây. “Ông ấy lúc nào cũng tỏ ra dễ chịu, nhưng mọi chuyện rốt cuộc chẳng đi đến đâu”.
Ông Trump cũng cho biết sẽ đưa ra tuyên bố đáng chú ý liên quan đến Nga vào ngày 14/7 (giờ địa phương).
Nga đẩy mạnh sản xuất UAV trong nước
Theo báo Đức DW, một trong những lý do giúp Nga duy trì cường độ tấn công ngày càng lớn như hiện nay là việc mở rộng năng lực sản xuất UAV trong nước. “Nga có thể sản xuất hàng nghìn UAV mỗi tháng, thậm chí tiệm cận mức 10.000”, chuyên gia công nghệ quân sự David Hambling nói với DW. “Nguồn cung cấp UAV dồi dào giúp Nga có thể tập kích dữ dội các mục tiêu ở Ukraine nhiều ngày trong tuần”.
Theo đại tá Markus Reisner thuộc quân đội Áo, Nga khó duy trì năng lực này nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Ông nói Trung Quốc cung cấp linh kiện UAV, còn Triều Tiên cung cấp tên lửa và đạn pháo. “Có thể thấy Nga đang dựa vào sự hậu thuẫn từ các quốc gia đối tác”, ông nói. Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ việc hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Nga trong xung đột ở Ukraine. Bắc Kinh tuyên bố luôn duy trì lập trường ủng hộ “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” và kêu gọi các bên thúc đẩy ngừng bắn, đối thoại hòa bình.
Mục tiêu mà Nga hướng tới
Bệ phóng tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: DW.
Tờ New York Times dẫn các nguồn tin gần Điện Kremlin cho biết chiến lược này còn nhằm làm suy yếu tuyến phòng thủ của Ukraine về lâu dài.
Đại tá Reisner nhận định Nga đang theo đuổi hai mục tiêu chính: làm tê liệt ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine và gây áp lực lên người dân Ukraine. “Các cuộc tấn công nhắm vào hậu phương có thể được xem là cách gây áp lực gián tiếp lên chính phủ Kiev”, ông nói.
Nhiều chuyên gia quân sự, trong đó có nhà khoa học chính trị Đức Andreas Heinemann-Gruder, dự đoán Nga sẽ phát động một đợt tấn công mới trong mùa hè. Ông cho rằng việc tăng cường các đợt tập kích phối hợp hiện nay là một phần của chiến dịch này.
Theo ông, Nga đang tìm cách vô hiệu hóa hệ thống phòng không Ukraine đến mức phương Tây không thể cung cấp đủ khí tài để bù đắp tổn thất. Điều đó cũng có thể báo hiệu Nga chuẩn bị cho một “trận đánh quyết định”. Ông không loại trừ khả năng Moscow tìm cách buộc Kiev phải nhượng bộ để ngừng bắn vào cuối năm nay.
Vai trò của phương Tây
Theo DW, các chuyên gia đều đồng tình rằng Ukraine cần thêm sự hỗ trợ từ phương Tây để cải thiện cục diện chiến trường. Tại Hội nghị Tái thiết Ukraine tổ chức ở Rome (Italia) tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev đã có biện pháp để chống UAV Nga, song vẫn cần được đầu tư lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Đại tá Reisner thừa nhận Ukraine đã đạt kết quả tốt trong sản xuất UAV nội địa, nhưng vẫn chưa thể tự lực. “Họ cần sự hậu thuẫn từ phương Tây, đặc biệt là các hệ thống vũ khí đặc biệt như tên lửa phòng không Patriot”, ông nói.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuần này tuyên bố Berlin sẵn sàng mua hệ thống Patriot từ Mỹ để viện trợ cho Ukraine.
Theo ông Heinemann-Gruder, phương Tây cần vượt qua nỗi lo vũ khí cung cấp cho Ukraine rơi vào tay Nga — điều có thể khiến các tập đoàn quốc phòng phương Tây mất lợi thế công nghệ. Ngoài ra, việc thành lập liên doanh với Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh vũ khí nói chung.
Đăng Nguyễn - DW