Vì sao Nga liên tục bị cáo buộc can thiệp bầu cử từ TT Mỹ đến Pháp?

Vì sao Nga liên tục bị cáo buộc can thiệp bầu cử từ TT Mỹ đến Pháp?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 26/04/2017 17:37

Có nhiều lý do để phương Tây liên tục cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử, bất chấp việc Moscow có thực sự làm điều đó hay không. Nhưng câu hỏi là, phải chăng Nga thực sự có khả năng đó?

Có phải Nga thực sự có "quyền lực ngầm"?

Cáo buộc đưa ra là Nga đang can thiệp vào nền dân chủ phương Tây bằng một cuộc chiến tranh thông tin. Trên khắp lục địa, bàn tay của Nhà nước Nga đã được nhìn thấy trong một loạt các cuộc tấn công không gian mạng nhắm vào các cơ quan Chính phủ nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân, tung ra những thông tin sai lạc, bên cạnh việc tài trợ cho các nhóm đối lập.

Đó là những cáo buộc liên tục được phát ra nhằm vào Nga từ các phương tiện truyền thông phương Tây trong một năm trở lại đây - trong thời điểm cuộc bầu cử Mỹ vừa diễn ra và các cuộc chạy đua chính trị ở châu Âu cũng đang bước vào giai đoạn nước rút.

Hồ sơ - Vì sao Nga liên tục bị cáo buộc can thiệp bầu cử từ TT Mỹ đến Pháp?

Nga đang cố gắng thắng thế trong cuộc chiến thông tin?

Sau khi rơi vào nghi án tấn công mạng nhằm giúp đỡ cho Tổng thống Trump – người có xu hướng thân Nga vào năm ngoái, Moscow giờ đây tiếp tục là chủ đề nóng hổi với những nghi ngờ đã can thiệp vào cuộc đua tới điện Elysee.

Theo BBC, việc cố gắng kiểm soát thông tin từ lâu đã là một thứ vũ khí đầy sức mạnh của nhiều cường quốc và Nga đang bước đầu thuần thục thứ vũ khí mới này.

Học giả Keir Giles từ Trung tâm Nghiên cứu Xung đột (Anh) cho biết, nỗ lực của Nga trong việc nâng cao kỹ thuật chiến tranh thông tin và can thiệp phi quân sự trong những năm gần đây đang trở thành hiện tượng mới.

Dựa trên một phát biểu của Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov khi cho rằng "những quy tắc của chiến tranh đã thay đổi", tờ báo nước Anh quy kết Moscow đang áp dụng việc lũng đoạn thông tin nhằm can thiệp bầu cử.

“Các phương tiện phi quân sự đang có vai trò ngày càng lớn trong việc đạt được các mục tiêu chính trị và chiến lược. Trong nhiều trường hợp, chúng đã vượt quá sức mạnh của các loại vũ khí thông thường”, ông Gerasimov từng viết trên một tờ báo quân đội nước này vào năm 2013.

Sau nhiều năm tháng bị lép vế trước tầm ảnh hưởng của phương Tây, Moscow hiểu rằng họ cần phải chiếm ưu thế trong cuộc chiến thông tin trong thời đại bùng nổ hiện nay.

"Trong các cuộc chiến ở Chechnya và Gruzia, Nga nhận thấy rằng tiếng nói của họ không thể ảnh hưởng đến quan điểm toàn cầu hay lấn át được quan điểm của đối thủ”, Keir Giles nhận định

Trên thực tế các nước phương Tây không chỉ đang nắm giữ những vai trò quan trọng trong các tổ chức uy tín trên thế giới, các nước này còn sở hữu những tập đoàn truyền thông lớn như CNN, BBC, quan hệ mật thiết với những chuyên gia, nhà báo lớn… những điều kiện trên giúp họ giành ưu thế rõ ràng trong cuộc chiến thông tin.

Với các công cụ như vậy, Mỹ và các quốc gia phương Tây có thể dễ dàng kiểm soát mọi diễn biến theo ý mình, có thể biến một thông tin từ đúng thành sai hoặc ngược lại. Một cuộc chiến của Nga trở thành phi nghĩa hay chính nghĩa hay không cũng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tiếng nói của họ.

Theo BBC, Nga hiểu rõ điều đó, chính bởi vậy nước này cần phải nhanh chóng bứt phá trong cuộc chiến tranh thông tin trong thời gian tới và can thiệp vào các cuộc bầu cử để o bế cho các nhân vật có xu hướng gần gũi với mình là một trong những cách làm hiệu quả.

Những công cụ mà Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử hiện tại phần lớn được cho là sử dụng các nhóm tin tặc tấn công, đánh cắp dữ liệu hoặc làm méo thông tin theo hướng có lợi.

Không chỉ mới từ cuộc bầu cử Mỹ gần đây mà ngay từ năm 2015, truyền thông phương Tây đã liên tục cáo buộc Nga đã đứng sau các vụ hack nghiêm trọng vào hệ thống của kênh truyền hình Pháp TV5Monde, cơ sở dữ liệu của Hạ viện Đức, Bulgaria, Estonia, Ukraine với những mục đích riêng.

Tuy nhiên trên thực tế những cáo buộc trên vẫn chỉ là những thuyết âm mưu khi không có một bằng chứng nào được đưa ra cho thấy Moscow thực sự có kế hoạch hay nhúng tay vào các vụ việc này.

Trong thời điểm các cuộc bầu cử trên khắp lục địa châu Âu đang chuẩn bị diễn ra trong năm nay, lại có thêm những cáo buộc cho rằng các nhân vật chính trị cao cấp của Nga đã nuôi dưỡng mối quan hệ với các đảng phái dân tộc chủ nghĩa có tư tưởng chống EU ở châu Âu và hậu thuẫn cho các đảng này trong cuộc đua tổng thống.

Marine Le Pen từ đảng Mặt trận Quốc gia Pháp đang là nhân vật tiếp theo bị gán ghép có quan hệ đặc biệt với Tổng thống Nga Putin sau hậu trường.

Cũng giống như Tổng thống Trump trước đó, bà Le Pen liên tục bị truyền thông công kích với những nghi ngờ về việc Moscow đang hậu thuẫn tài chính và bất cứ thứ gì có thể để người phụ nữ này trở thành Tổng thống.

Thuyết âm mưu chưa có câu trả lời

Hồ sơ - Vì sao Nga liên tục bị cáo buộc can thiệp bầu cử từ TT Mỹ đến Pháp? (Hình 2).

Nếu Tổng thống Trump không chiến thắng, câu chuyện về Nga can thiệp bầu cử có thể đã không kéo đến nước Pháp.

Từ Washington.. đến Paris, đâu là sự thật?

Vì sao việc can thiệp nội bộ vào các nước khác lại thu hút các quốc gia lớn đến như vậy? Học giả Paul Musgrave từ Đại học Massachusetts Amherst cho rằng câu trả lời rất đơn giản: Vì các nước có thể hưởng lợi không nhiều thì ít, đặc biệt là nếu họ tìm thấy các điều kiện giúp cho mình dễ đạt được mục tiêu trong quốc gia đó.

Tuy nhiên, Levin cho rằng chúng ta không nên phóng đại sự nghiêm trọng của việc can thiệp này, bởi dù có là cường quốc lớn mạnh như thế nào, Nga cũng không thể dễ dàng trao kết quả một cuộc bầu cử Mỹ hay Pháp cho ứng cử viên mà mình yêu thích.

Ngay cả khi Nga thật sự đã sử dụng nguồn lực của mình để hậu thuẫn cho chiến dịch của Trump hay Marine Le Pen, điều đó không có nghĩa rằng các nhân vật này hoàn toàn bị phụ thuộc vào ý chí của ông Putin một khi trở thành Tổng thống.

Nói một cách tổng quát hơn, Paul Musgrave cho rằng một sự can thiệp chỉ có thể thành công nếu có nhân vật nào đó trong nước móc nối với thế lực từ bên ngoài. Còn việc họ có trở thành tổng thống hay không là phụ thuộc vào sự lựa chọn của người dân. Trên thực tế sự móc nối này là khó xảy ra khi các nhà lãnh đạo của một đất nước sẽ không bao giờ chịu cúi mình trước một quốc gia khác, đặc biệt là trước đối thủ của mình.

Thay vào đó, tất cả những gì điện Kremlin có khả năng nhận được chỉ là sự gần gũi với Mỹ hơn từ một Tổng thống mang tên Trump thay vì một chính quyền xung khắc của bà Hillary Clinton hay nhận được sự thân thiện nhiều hơn từ nhà lãnh đạo ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của EU như Le Pen nếu so với Macron.

Với một số chuyên gia phân tích, chiêu bài cáo buộc Nga can thiệp bầu cử đôi khi cũng chỉ là chiêu trò mà các chính khách dùng để hạ bệ đối thủ của mình.

Cuộc bầu cử Mỹ 2016 không phải lần đầu tiên đảng Dân Chủ tìm cách xây dựng về câu chuyện “sự can thiệp của Nga”.

Ít ai còn nhớ trước lần tranh cử thứ hai của ông Obama, tờ The New York Times đã viết về đối thủ Mitt Romney rằng, con trai của nhân vật này đã tới Moscow tiến hành một số cuộc đàm phán bí mật và người Nga đang muốn can thiệp và lôi kéo đảng Cộng hòa ủng hộ họ.

“Những tranh cãi nhanh chóng lắng xuống khi ông Obama tái đắc cử. Và mọi chuyện chỉ bùng phát trở lại chỉ vì lần này ông Trump của đảng Cộng hòa là người chiến thắng”, nhà phân tích chính trị Mikhail Sinelnikov-Orishak nói.

Cho đến khi có được bằng chứng rõ ràng mà Nga không thể chối cãi, Tổng thống Putin sẽ vẫn tự tin để trả lời rằng: “Hãy nhìn miệng tôi này, câu trả lời là không”, trước những câu hỏi áp đặt Moscow can thiệp bầu cử của truyền thông phương Tây.

Đọc thêm>>> Báo Trung Quốc: Triều Tiên nên lùi một bước, hạ cánh nhẹ nhàng

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.