Ngay từ khi ra đời, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết, mục tiêu của VAMC là xử lý 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013.
Cũng theo quy định, các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% buộc phải bán cho VAMC. Tuy nhiên, đến nay sau 2 tháng chính thức hoạt động, VAMC đang lâm vào "bế tắc". Theo nhiều chuyên gia, việc VAMC chưa phát huy được vai trò của mình một phần do tâm lý e ngại tiết lộ nợ xấu của các ngân hàng.
Ảnh minh họa
Lý giải tâm lý không muốn bán nợ xấu của các ngân hàng, T.S Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề nói trên.
Theo T.S Cao Sỹ Kiêm, nợ xấu tăng lên là điều tất yếu, phản ánh thực trạng nợ xấu trong nền kinh tế của Việt Nam, vì tất cả nợ cũ đến thời hạn không trả, đẩy sang nợ xấu bùng lên.
Tuy nhiên, thời gian qua, các ngân hàng thương mại chủ yếu là tự xử lý nợ bằng cách cơ cấu lại nợ giai đoạn đầu, những tài sản thế chấp, tài sản thu được, trích lập dự phòng rủi ro… Từ khi ra đời VAMC vẫn đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, thể chế, văn bản hướng dẫn xử lý chứ chưa tập trung giải quyết nợ xấu. Hợp đồng đầu tiên bây giờ mới đang làm thủ tục.
Một nguyên nhân khác là các ngân hàng không muốn công bố nợ xấu ra ngoài, vì nó cũng có ảnh hưởng trực tiếp ngay đến hoạt động của ngân hàng ấy. Vì vậy, ngân hàng sẽ chọn cách giữ để giải quyết, để giảm số nợ xấu xuống nhằm tăng uy tín và giữ được khách hàng. Đây là tâm lý chung ở tất cả các ngân hàng.
Hơn nữa, vì quy định đặt ra chặt chẽ, rất cao, ví dụ nợ đưa sang VAMC phải là nợ có khả năng khắc phục, có khả năng thu hồi, nợ đó phải có tài sản đảm bảo… Mà những món nợ dễ xử lý như vậy thì ngân hàng sẽ giữ lại để xử lý trước, để giảm xuống trước, còn lại nợ khó khăn mới chuyển sang VAMC. Tâm lý giữ lại, không muốn bán của các ngân hàng là vì thế.
Tuấn Khanh