Trong nửa thập kỷ qua, rất nhiều các nhà phân tích, chính trị gia, học giả và chuyên gia truyền thông Mỹ đã dự đoán về sự “sụp đổ, lật đổ, đánh bại và thay thế” Chính phủ hợp pháp ở Venezuela. Tuy nhiên, những dự đoán của họ đều đã sai trong mỗi lần phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn hành động.
Trên thực tế, hầu hết các lần “thay đổi chính quyền” - có cánh tay của Mỹ gây ra - đều mang đến phản ứng trái ngược bằng việc người dân Venezuela ngày càng ủng hộ cho Chính phủ của mình nhiều hơn.
Trong bài viết trên tờ Eurasia Review, tác giả James Petras đã lý giải nguyên nhân vì sao Venezuela vẫn đứng vững sau nhiều âm mưu lật đổ suốt hàng thập kỷ qua.
Khi Mỹ thúc đẩy một cuộc đảo chính vào năm 2002, một triệu người dân đã vây quanh dinh tổng thống, liên minh với những người trung thành với quân đội - đánh bại mọi nỗ lực phế truất Chính phủ từ bên ngoài.
Kết quả là, Mỹ không chỉ mất “tài sản” gửi gắm trong giới doanh nghiệp và giới quân đội, mà còn vô tình củng cố thêm vị thế của Tổng thống Hugo Chavez và chính sách xã hội của ông.
Tương tự như vậy, vào năm 2002-2003 khi cuộc tổng bãi công ngành dầu khí nổ ra, nỗ lực này cũng không đi đến thành công sau các biện pháp cứng rắn của chính quyền Caracas. Hàng trăm nhân vật ủng hộ Mỹ bị sa thải và Washington mất một đồng minh chiến lược.
Một ví dụ gần đây hơn là tuyên bố nghiêm túc của Tổng thống Trump về việc chuẩn bị hành động quân sự ở Venezuela. Lời đe dọa của ông đã làm dấy lên tinh thần phản kháng của dân chúng trong việc bảo vệ độc lập dân tộc. Điều này thậm chí còn bùng phát ngay cả trong những nhóm người có thể không hài lòng với chính sách của Chính phủ.
Như nhiều nhà quan sát vẫn nhận định, người dân Venezuela muốn tự giải quyết vấn đề đất nước một cách nội bộ và không có nhu cầu nhờ đến một thế lực bên ngoài như người Mỹ.
Theo tác giả James Petras, Venezuela nằm trong vòng xoáy của một cuộc chiến toàn cầu nhằm khơi dậy khát vọng đế quốc của Washington. Trong khi Venezuela là một quốc gia muốn bảo vệ chủ quyền của chính mình.
Những thách thức Venezuela phải đối mặt
Tác giả James Petras đã khái quát cuộc tấn công của Mỹ vào nhà nước và xã hội của Venezuela trong những năm qua bao gồm:
- Tiến hành đảo chính quân sự năm 2002
- Cuộc tổng bãi công khởi xướng bởi người đứng đầu các công ty dầu lửa Venezuela
- Mỹ thực thi quyền lực bằng cách gây áp lực chính trị có tổ chức thông qua các đối tác và đồng minh ở Châu Âu, Nam và Bắc Mỹ
- Nâng cao các biện pháp trừng phạt kinh tế trong giai đoạn 2013 - 2019
- Bạo lực đường phố từ 2013 - 2019
- Phá hoại toàn bộ hệ thống điện trong giai đoạn 2017 -2019
- Tích trữ hàng hóa thông qua các tập đoàn và nhà phân phối từ 2014 - 2019
- Lật đổ các thể chế quân sự và dân sự 2002 - 2019
- Yêu cầu các liên minh khu vực trục xuất Venezuela
- Các biện pháp trừng phạt kinh tế kèm theo thu giữ tài sản trị giá hơn 10 tỷ USD
- Trừng phạt hệ thống ngân hàng
Bên cạnh đó, sự can thiệp trực tiếp của Mỹ còn bao gồm lựa chọn và bổ nhiệm các nhà lãnh đạo phe đối lập và đại diện “bù nhìn” ở nước ngoài.
Nói tóm lại, Mỹ đã tham gia vào một cuộc đấu tranh kéo dài hai thập kỷ được thiết kế để hạ bệ Chính phủ Venezuela, bằng cách kết hợp chiến tranh kinh tế, quân sự, xã hội và truyền thông.
Chiến lược của Mỹ đã làm giảm mức sống, làm suy yếu hoạt động kinh tế, tăng nghèo đói và tỷ lệ tội phạm. Nhưng bất chấp việc sử dụng quyền lực toàn cầu của mình để đạt được mục tiêu, Mỹ đã thất bại trong việc đánh bật Chính phủ hợp pháp và đưa phe hậu thuẫn lên nắm quyền.
Tại sao Venezuela thành công?
Bất chấp hai thập kỷ chịu sức ép của các quốc gia phương Tây, gánh chịu tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, và bất chấp việc bị chiếm giữ bất hợp pháp hàng tỷ USD tài sản của Venezuela, người dân vẫn trung thành, bảo vệ Chính phủ của mình. Lý do giải thích cho điều này rất dễ hiểu, theo bình luận viên James Petras.
Khi nhớ về sự kiện bạo động vào năm 1989, đa số người dân Venezuela đều không muốn đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn một lần nữa. Mỹ thời gian qua đã hậu thuẫn cho các chính trị gia hiện là thành viên của phe đối lập với Tổng thống Maduro. Nếu sự can dự của Mỹ ngày càng gia tăng, viễn cảnh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bùng nổ sẽ không còn xa.
Do đó, việc không muốn chứng kiến một cuộc hỗn loạn mới là một lý do mạnh mẽ tại sao đại đa số người Venezuela phản đối sự can thiệp của Mỹ trong việc hỗ trợ phe đối lập bù nhìn.
Lý do thứ hai cho sự thất bại của Mỹ là sự ủng hộ rất lớn của quân đội đối với các Chính phủ Chavez-Maduro.
Đáng chú ý hơn, xuất thân của Tổng thống Chavez và Tổng thống Maduro cũng dễ cộng hưởng với quần chúng không ưa giới tinh hoa thượng lưu của phe đối lập. Bên cạnh đó, cả hai Tổng thống Chavez và Maduro đều có được sự đồng cảm và dành sự tôn trọng cho những người nghèo.
Dưới thời Chavez, hơn hai triệu ngôi nhà hiện đại đã được xây dựng cho cư dân ở các thị trấn tồi tàn; hơn hai chục trường đại học và trung tâm giáo dục được xây dựng cho người nghèo. Tất cả đều miễn phí.
Các bệnh viện và phòng khám công cộng được xây dựng trong các khu dân cư nghèo cũng như các siêu thị công cộng cung cấp thực phẩm giá rẻ và các nhu yếu phẩm cần thiết để duy trì cuộc sống.
Tổng thống Chavez được đánh giá là nhà lãnh đạo đại diện cho tiếng nói của đông đảo người nghèo và biết chăm lo các nhu cầu của họ. Ông đã tiến hành cải cách đất đai, quốc hữu hóa một số mỏ và nhà máy để bảo đảm sự hỗ trợ cho nông dân và công nhân - ngay cả khi điều này bị các phe phái phản đối.
Các lợi ích kinh tế-xã hội tích lũy đã củng cố sự ủng hộ cho nhà lãnh đạo Venezuela bất chấp những khó khăn mà Mỹ gây ra trong thời gian gần đây. Quần chúng nhân dân đã có được một cuộc sống mới và họ hiểu rằng, sẽ có nhiều thứ để mất nếu chính quyền do Mỹ hậu thuẫn lên nắm quyền.
Một cuộc đảo chính thành công của Mỹ có thể khiến hàng chục ngàn người ủng hộ Chính phủ gặp nguy khó, khi giai cấp tư sản sẽ trả đũa và chia nhau tài sản nhà nước.
Venezuela từ rất sớm đã bảo đảm sự trung thành của quân đội. Đó là lý do tại sao Chính phủ ở Venezuela đã đứng vững suốt 30 năm qua trong khi nhiều nơi khác đã bị lật đổ nhanh chóng.
Ngoài ra, mối liên kết của Venezuela với các đồng minh ở Nga, Trung Quốc và Cuba đã cung cấp “áo phao” hỗ trợ kinh tế và quân sự trước sự can thiệp của Mỹ.
Venezuela đã xây dựng các liên minh khu vực với gần một nửa các quốc gia Nam Mỹ, làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ trong việc biến khu vực thành liên minh xâm lược, tác giả James Petras kết luận.