Làn sóng của chủ nghĩa dân túy gây ra Brexit, yếu tố làm nên chiến thắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và là nỗi buồn rời chính trường của Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã lan đến Hàn Quốc, nơi người biểu tình trong sự phẫn nộ đã đổ xô ra đường phố trong lúc quốc hội nước này thông qua việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye, một quá trình gần như chắc chắn sẽ khiến bà phải từ bỏ quyền lực.
Hàng trăm ngàn sinh viên, người lao động, từ trẻ đến già đã lấp đầy trên các đường phố ở Seoul cũng như ở nhiều thành phố lớn của Hàn Quốc trong các cuộc biểu tình ngập tràn ánh nến sau vụ bê bối gây chấn động chính trường của bà Park Geun-hye. Các khẩu hiệu và biểu ngữ không chỉ yêu cầu bà Park phải từ chức mà trong đó, đảng cầm quyền cũng phải phải hứng chịu lời chỉ trích khi bị cáo buộc đồng lõa sai trái với các tập đoàn gia đình lớn (chaebol) gây lũng đoạn quốc gia này.
Cử tri Hàn Quốc công khai chỉ trích mối quan hệ của chính phủ với các tập đoàn lớn đã khiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập lan rộng, khoảng cách giàu nghèo ngày gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, cùng với đó các tập đoàn thép và nhà máy đóng tàu hùng mạnh một thời đang lâm vào kiệt quệ. "Cơn giận dữ của chúng tôi với chính phủ đang bùng cháy như những ngọn nến ở đây", Lee Hyung-jin, người dẫn đầu các cuộc biểu tình của người lao động ở thành phố Ulsan cho biết.
Đây được coi là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất ở Hàn Quốc kể từ cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự năm 1987. Với làn sóng phẫn nộ đang lan tỏa đến khắp 50 triệu người dân Hàn Quốc, điều này cũng đồng nghĩa với việc gần như chắc chắn những gương mặt "ngoài cuộc" mới nổi sẽ thay thế bà Park trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Một trong những người được hưởng lợi nhất từ vụ bê bối là Lee Jae-myung, thị trưởng thành phố Seongnam, 52 tuổi và là một trong những người đầu tiên kêu gọi luận tội Tổng thống. Trong khi bà Park nói cảm thấy buồn khi người lao động trẻ gọi nền kinh tế hiện tại như "địa ngục" thì ngược lại ông Lee kích động ngọn lửa phản đối tại các cuộc mít tinh, kêu gọi một "sự thay đổi mang tính cách mạng" cho nền kinh tế. "Gốc rễ của cuộc khủng hoảng này là gì? Đó là các chaebol", ông Lee nói trước đám đông trong một cuộc mít tinh vào tuần trước.
Lee Jae-myung là người duy nhất cho đến nay tự đề cử mình trong cuộc bầu cử sắp tới và sớm lọt vào top 3 trong các cuộc thăm dò gần đây. Nhân vật này sớm gây dựng được uy tín của mình và có khả năng vượt qua ứng viên nặng ký khác là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon - người sắp mãn nhiệm kỳ và trở về quê nhà vào cuối năm nay.
Những nhân vật theo chủ nghĩa dân túy khác là Park Won-soon - cựu thị trưởng Seoul hồi năm 2011 và Ahn Cheol-soo - một người có tư tưởng chống tài phiệt trong chính trị. Đảng của ông Ahn chỉ mới ra đời 3 tháng nhưng đã giành được 38 ghế trong cuộc bầu cử hồi tháng Tư. Cả ông Ahn và ông Park đều chỉ trích sự chi phối của các chaebol trong nền kinh tế.
Các chaebol được coi là rường cột và nắm giữ mọi mặt trong nền kinh tế cũng như đời sống của người Hàn Quốc. Các tập đoàn này sản xuất từ chiếc kẹo cao su nhỏ bé cho đến các tàu chở dầu hiện đại, các mặt hàng điện tử, điện thoại thông minh, v.v... Đế chế của các chaebol được nuôi dưỡng và hình thành trong những năm 1960 và 1970 bởi chính cha của bà Park, cựu Tổng thống Park Chung-hee và trở thành nền tảng cho Hàn Quốc vươn mình thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Sợi dây liên kết vừng chãi giữa chính trị và kinh doanh mà nhà lãnh đạo này xây dựng đã giúp Hàn Quốc từ một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề có sự phát triển thần kỳ - trở thành giai thoại cho rất nhiều quốc gia khác noi theo.
Nhưng khi sự cạnh tranh từ Trung Quốc gia tăng, hiệu quả và lợi ích của mô hình này đang trở thành câu hỏi lớn của người dân Hàn Quốc. Và với bê bối của Tổng thống Park Geun-hye, người dân quốc gia này hiểu rằng đã đến lúc họ phải tìm kiếm một sự thay thế cho riêng mình và đưa các chaebol lùi vào dĩ vãng.
Theo luật của Hàn Quốc, bà Park bị cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp quốc gia" và Tòa án Hiến pháp sẽ có nhiều nhất là 180 ngày để đưa ra quyết định có luận tội nhà lãnh đạo đất nước hay không. Trong thời gian đó, Tổng thống Park Geun-hye sẽ bị đình chỉ chức vụ và bà bị miễn nhiệm hoàn toàn, một cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra trước tháng 12 năm 2017.
Vấn đề Triều Tiên thêm bất ổn
Quyết định của Quốc hội Hàn Quốc trong việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye còn khiến nhiều người lo ngại sẽ làm gia tăng bất ổn trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump có nhiều thay đổi.
Trung Quốc đang hy vọng một tổng thống mới lên nắm quyền sẽ có cách tiếp cận khác về hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà Hàn Quốc đang quyết định sẽ cùng với Mỹ sớm triển khai tại đây.
"Trung Quốc đã hạn chế động thái chống lại Hàn Quốc và chờ đợi Seoul sẽ nghĩ lại về quyết định triển khai THAAD của mình", giáo sư Wang Sheng từ Đại học Cát Lâm nhận định. "Dù ai là tổng thống tiếp theo, THAAD vẫn là vấn đề đầu tiên cần phải thảo luận trong quan hệ với Bắc Kinh".
Quan hệ Trung-Hàn đã đóng băng kể từ tháng Bảy khi Seoul đồng ý với Washington trong việc triển khai THAAD như một động thái bảo vệ trước mối đe dọa hạt nhân đến từ Triều Tiên. Phía Trung Quốc đã phản đối điều này khi cho rằng quyết định của Seoul có thể làm tổn hại đến an ninh quốc gia.
Quốc Vinh